“Con tên là Trần Thị Hiếu Thảo, năm nay con 9 tuổi, con học lớp 4, con sống với ông bà ngoại, mẹ con lấy chồng mới, bố con bị tai nạn chết rồi…”, những lời kể ngô nghê của bé gái về hoàn cảnh gia đình mình khiến nhiều người cay mắt.
Con nhớ mẹ mà mẹ mỗi năm chỉ về thăm con 1 lần
Loay hoay phía sau bếp để nấu cơm trưa, bà Lý Thị Cho (65 tuổi, ngụ ấp Sơn Ton, xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) chốc chốc lại chạy ra sân trông chừng đứa cháu ngoại đang tập tễnh bước đi trên đôi chân giả.
Cách đó vài bước, Hiếu Thảo cố dùng sức đẩy người về phía trước, dù di chuyển rất khó khăn nhưng lúc nào cô bé “chim cánh cụt” cũng nở nụ cười lạc quan bởi ước mơ có được một đôi chân giả của em đã trở thành hiện thực.
Vừa nhìn thấy chúng tôi, Hiếu Thảo reo lên sung sướng rồi chỉ tay xuống đôi chân giả, hồ hởi khoe: “Con có chân giả để đi rồi, con có chân rồi, không cụt như trước nữa”, rồi cười lên sung sướng.
Hiếu Thảo hào hứng trò chuyện cùng mọi người
Hiếu Thảo không may mắn như những đứa trẻ khác khi vừa chào đời, cơ thể em đã bị khiếm khuyết, không có tay chân. Mọi người gọi em là cô bé “chim cánh cụt” khi suốt ngày chỉ biết lăn qua lăn lại một chỗ. Năm Hiếu Thảo vừa tròn 1 tuổi, bố em bị tai nạn giao thông rồi qua đời, một năm sau mẹ Hiếu Thảo cũng đi lấy chồng mới rồi sinh con, em được ông bà ngoại nhận về nuôi dưỡng từ đó đến nay.
Nhờ sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, Hiếu Thảo được lắp chân giả, tuy nhiên việc di chuyển còn gặp nhiều khó khăn.
Nhìn thấy đứa cháu gái đang cố gắng từng ngày để tập đi, bà Cho không cầm được nước mắt. “Con bé bị khuyết tật từ lúc mới lọt lòng mẹ, có tay có chân gì đâu, suốt ngày chỉ biết lết đi như vậy. Giờ mọi người cũng thương yêu con bé nhiều lắm rồi, chứ trước kia cứ bàn tán này nọ, tội nó lắm”, bà Cho nghẹn lời.
Ngoài đi học, Hiếu Thảo ở nhà còn phụ ông bà ngoại quét nhà, rót nước, làm được tất cả mọi việc.
Dù không có tay, có chân nhưng Hiếu Thảo vẫn tự mình làm được tất cả mọi thứ từ việc ăn uống, đi học đến cả quét nhà phụ giúp ông bà ngoại. “Con bé ngoan lắm, sáng đi học rồi về nhà học bài, có con bé vợ chồng tui cũng đỡ buồn. Năm ngoái mọi người biết đến Hiếu Thảo nhiều hơn, rồi con bé được lắp chân giả để tập đi lần, cuộc sống của gia đình tui cũng đỡ hơn trước nhiều lắm”, bà Cho xúc động nói.
Ngồi trong lòng bà ngoại, Hiếu Thảo cố đưa đôi tay cụt ngủn xoa lên khuôn mặt ngoại rồi thỏ thẻ nói: “Con thương ngoại nhất!”. Có lẽ trong tâm thức của một đứa trẻ lên 9, ngoại là người đã nuôi nấng, dạy dỗ em để bù đắp lại sự thiếu thốn tình thương của cả cha lẫn mẹ.
Điều dễ dàng nhận thấy ở cô bé “chim cánh cụt” là nụ cười luôn rạng rỡ trên khuôn mặt.
Khẽ quệt nước mắt, cô bé 9 tuổi ngập ngừng: “Mẹ con đi làm Bình Dương, bây giờ mẹ có chồng, có em nữa rồi. Một năm mẹ mới về thăm con 1 lần, con nhớ mẹ lắm mà mẹ không có về với con…”.
“Có lần con hỏi ngoại sao mẹ sinh con ra cụt tay cụt chân mà em con (con của mẹ Hiếu Thảo với chồng sau) lại không bị gì hết, bà ngoại không có trả lời chỉ biết ôm con khóc. Giờ thì con biết rồi, vì con là chim cánh cụt, cánh cụt thì tay chân con sẽ không giống mọi người. Con nhớ mẹ lắm, con chỉ muốn mẹ về chơi với con nhiều hơn rồi hãy đi làm”, Hiếu Thảo tâm sự.
“Mấy bạn nói con cụt tay cụt chân mà cũng đi học”
Kể từ ngày được lắp đôi chân giả, Hiếu Thảo cho biết dù rất đau đớn mỗi khi tập đi nhưng em luôn cố gắng để sau này có thể tự bước đi bằng chính đôi chân của mình, không bị mọi người trêu chọc nữa.
Kể từ lúc bố mất, dù rất nhớ mẹ nhưng Hiếu Thảo không dám nói vì sợ ông bà ngoại buồn, em chỉ ước mẹ có thể về thăm em nhiều hơn.
“Lúc trước con đi học, có bạn không thích chơi với con vì nói con cụt tay cụt chân. Bạn ấy còn nói con đi học làm gì, con buồn với mặc cảm lắm, con đi méc thầy. Giờ các bạn thích chơi với con rồi, được đi học con vui lắm”, vừa nói Hiếu Thảo vừa nắn nót viết từng chữ trên cuốn tập mới.
Mặc dù không có được đôi tay lành lặn nhưng Hiếu Thảo viết chữ rất đẹp, em còn đạt giải cao trong các kỳ thi vở sạch chữ đẹp khiến không ít người bất ngờ. Để học chữ, mỗi ngày Hiếu Thảo nhờ ông ngoại chở đến trước cổng trường rồi tự nhấc từng bước trên đôi chân cụt để đi vào lớp. Lúc đầu, Hiếu Thảo mang chân giả để đến lớp nhưng vì trong giờ ra chơi, các bạn giỡn vô tình đụng trúng, em hay bị té ngã nên sau này em chỉ dám mang chân giả để tập đi trong nhà.
Ước mơ của cô bé là được trở thành bác sĩ, em muốn sau này đi làm kiếm tiền để nuôi lại ông bà ngoại già yếu.
“Con rất thích đi bằng chân giả nhưng mỗi lần tập đi nó đau lắm. Con chịu được, con không muốn mọi người gọi con không tay, không chân nữa. Trong nhà, con thương ông bà ngoại nhất vì ngoại tắm rửa cho con, cho con ăn cơm, đi học mỗi ngày…”, nói về ước mơ của mình, Hiếu Thảo nhanh nhảu:
“Con ước sau này được làm bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người, chữa bệnh cho ông bà ngoại của con. Con sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này đi làm kiếm tiền nuôi ông bà ngoại”.
Để nuôi ước mơ làm bác sĩ, mỗi ngày Hiếu Thảo cùng ông ngoại vượt qua 4km đường làng để đi đến trường với chiếc ba lô nặng trĩu. Với em lúc này, việc được đi học, gặp thầy, gặp bạn là niềm vui lớn nhất mà em nhận được.
“Con thích đi học lắm, bà ngoại nói đi học giỏi thì sau này mới làm bác sĩ được. Học giỏi con sẽ đi gặp mẹ, con nhớ mẹ mà giờ không biết đi gặp mẹ ở đâu. Con ước mỗi năm mẹ về thăm con nhiều hơn, con thương mẹ lắm…”, Hiếu Thảo thỏ thẻ.
Ngồi bên cạnh cháu gái, ông Trần Văn Nở (65 tuổi) cho biết dù hiện tại, cuộc sống của gia đình ông đã đỡ vất vả hơn trước nhưng chỉ sợ một ngày, ông bà mất đi, không ai lo lắng cho Hiếu Thảo.
Ngoài ước mơ trở thành bác sĩ, Hiếu Thảo cũng muốn mọi người yêu thương em nhiều hơn, không còn xa lánh, trêu chọc nữa.
“Số con bé khổ, từ nhỏ đã không có bố, mẹ lại có gia đình khác. Trước vợ chồng tui cũng vất vả lo cơm nước, ăn học cho con bé, giờ mọi người ủng hộ cũng cất lại được cái nhà, có số vốn nho nhỏ để chăn nuôi. Con bé cũng có được chân giả để đi, nhưng khó khăn lắm. Chỉ mong con bé mau lớn để có thể tự chăm sóc được cho mình, chứ ông bà đâu thể sống mãi với nó được”, ông Nhở tâm sự.
Ngồi cạnh bên ông ngoại, Hiếu Thảo cho biết sẽ cố gắng học thật giỏi, không làm ông bà phiền lòng.
Có lẽ vì trải qua những mất mát khi bố mất sớm, mẹ cũng có một tổ ấm mới, dù bị khiếm khuyết về cơ thể nhưng Trần Thị Hiếu Thảo vẫn mạnh mẽ vượt qua tất cả bằng một nghị lực, khát vọng sống phi thường.
Nụ cười rạng rỡ, luôn tin vào những điều kỳ diệu trong cuộc sống, hình ảnh Hiếu Thảo vẫn từng ngày tập tễnh bước đi với đôi chân giả, vẫy đôi tay cụt ngủn chào mọi người đã tiếp thêm động lực, niềm tin cho rất nhiều người.
Luôn tự hào về em, cô bé “chim cánh cụt” Trần Thị Hiếu Thảo!
Văn Tiên, theo Trí Thức Trẻ
http://ttvn.vn/gioi-tre/bo-mat-vi-tai-nan-co-be-chim-canh-cut-ngay-ngo-hoi-ngoai-gio-me-co-chong-co-em-nua-sao-lai-khong-ve-tham-con-2201930110019944.htm