Chủ tịch Tập đoàn Phát triển Bất động sản Quốc gia Trung Quốc Meng Xiaosu. Ảnh: Simon Song
Nhiều thập kỷ trước, Thâm Quyến đã vay mượn mô hình bất động sản của Hong Kong
Lời cảnh báo của “Bố già bất động sản”
“Bố già bất động sản” Trung Quốc Meng Xiaosu khuyến cáo rằng: Thâm Quyến, thành phố miền Nam vốn được kỳ vọng sẽ là đô thị kiểu mẫu của Trung Quốc, nên từ bỏ mô hình bất động sản của Hong Kong mà thành phố này “vay mượn” từ nhiều thập kỷ trước – SCMP đưa tin
Meng Xiaosu, người dẫn đầu các chính sách cải cách về bất động sản của Trung Quốc hồi những năm 1990, cho rằng Thâm Quyến và các thành phố khác thuộc vùng Greater Bay Area nên học hỏi từ những vấn đề của thị trường Hong Kong, mà theo ông là bao gồm cả tình trạng chật trội, bất bình đẳng giàu nghèo và thiếu đất để phục vụ cho công cuộc phát triển.
“Sự bất bình đẳng và chênh lệch về kinh tế của Hong Kong không giảm bớt mà trên thực tế còn tiếp tục gia tăng trong những năm gần đây, vượt qua nhiều quốc gia và khu vực. Triển vọng cho giới trẻ ở thành phố khá mờ nhạt”, ông Meng, hiện là Chủ tịch Tập đoàn Phát triển Bất động sản Quốc gia Trung Quốc, nhận định.
Theo ông Meng, vấn đề nằm ở chỗ cư dân Hong Kong không được cung cấp điều kiện lưu trú phù hợp, khiến hoàn cảnh sống trở nên khắc nghiệt trong thành phố.
Lời cảnh báo thẳng thắn được ông Meng đưa ra sau khi Thâm Quyến được chính quyền Trung Quốc gắn mác “đặc khu kinh tế” mới nhằm tiến hành các bước cải cách sâu rộng hơn như một hình mẫu cho các thành phố khác.
Bắc Kinh đã công bố kế hoạch chi tiết từ đầu tháng 8 và kêu gọi tiến hành cải cách quy mô lớn ở Thâm Quyến để biến thành phố duyên hải miền Nam này trở thành nhân tố đi đầu về đổi mới, sáng tạo, dịch vụ công cộng và bảo vệ môi trường tính đến năm 2025.
Mô hình của Hong Kong mà Thâm Quyến đã “vay mượn”
Chính quyền thành phố Thâm Quyến – một trong những lãnh đạo đời đầu trong lĩnh vực phát triển tài sản tư nhân – đã mượn một ý tưởng chủ đạo từ Hong Kong: Đó là bán quyền sử dụng đất cho các nhà phát triển thông qua các cuộc đấu giá.
Thâm Quyến tổ chức cuộc đấu giá đất đầu tiên năm 1987, đi tiên phong trong việc bán quyền sử dụng đất ở Trung Quốc đại lục.
Tuy nhiên, hiện nay, trong bối cảnh bất bình đẳng giàu nghèo ngày càng gia tăng – một trong nhiều vấn đề khiến người biểu tình xuống đường tuần hành ở Hong Kong, ông Meng kêu gọi các thành phố chấm dứt theo đuổi mô hình này.
Giá bất động sản ở Hong Kong rất cao. Ảnh: Shutterstock
Một số người cho rằng giá bất động sản cao nổi tiếng của Hong Kong – kết quả của tình trạng thiếu hụt đất đai nghiêm trọng – là nguyên nhân khiến khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng.
“Giờ đây chúng ta đã thấy được những vấn đề tồn tại trong mô hình Hong Kong”, Meng nói, “Nhiều thành phố lớn hơn của Trung Quốc hiện rất chật trội và bị ảnh hưởng bởi các vấn đề tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng. Lượng đất đai được sử dụng cho nhà ở tại các thành phố lớn cũng rất ít”.
“Thâm Quyến hiện đang ở vị trí đi đầu trong khu vực Greater Bay Area. Chúng ta nên học từ bài học lịch sử, cùng những kinh nghiệm hiện có… và rời bỏ mô hình Hong Kong”, ông Meng nói tại một lễ trao giải về bất động sản của Trung Quốc.
“Chúng ta cần mở rộng đất có thể sử dụng được của các thành phố, đặc biệt là gia tăng lượng đất dành cho xây dựng. Chúng ta cũng cần ngăn không để giá đất tăng quá cao vì thiếu đất có thể sử dụng được, để rồi giá bất động sản cũng tăng”.
“Chúng ta cần nhìn lại tình hình ở Hong Kong, đặc biệt là khi hệ thống đấu giá đất ở đại lục dựa trên Hong Kong”.
Để phát triển hệ thống đất đai đô thị của chính Trung Quốc, nhiều chuyên gia đã được cử đi nghiên cứu các hệ thống hoạch định của nhiều nước vào những năm 1980, ông Meng nhớ lại. Tuy nhiên, vì Trung Quốc không có nhiều ngoại tệ nên nhiều người chỉ thực hiện các chuyến đi ngắn tới Hong Kong, lúc đó đang là thuộc địa của Anh.
“Các chuyên gia Trung Quốc đã ghi chép về hệ thống đất đô thị của Hong Kong và làm ra một bản báo cáo. Bản báo cáo này đã trở thành chính sách về đất đô thị và hệ thống quản lý hiện tại ở Trung Quốc. Đó là lý do vì sao nhiều thành phố lớn hơn của chúng tôi trông như Hong Kong”, Meng cho hay.
Theo ông Meng, ở Hong Kong, đất dành cho nhà ở chỉ chiếm 7% tổng thể, trong khi tại nhiều thành phố khác ở Trung Quốc, con số này quanh quẩn mốc 10%. Ông Meng cũng đưa ra nhận định cá nhân rằng, 1/4 số đất nên được quy hoạch cho mục đích nhà ở.