Bộ đội Biên phòng ‘nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”

Sau 4 năm triển khai Chỉ thị 681-CT/ĐU ngày 8-10-2018 của Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) về việc phân công đảng viên các Đồn Biên phòng (ĐBP) phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới, nhiều cán bộ, đảng viên các ĐBP tuyến núi đã có những cách làm hay, sáng tạo, linh hoạt trong việc giúp đỡ trực tiếp từng hộ gia đình, góp phần ổn định đời sống Nhân dân, giữ vững an ninh biên giới quốc gia.

Đồn Biên phòng Pù Nhi vận động Nhân dân giao nộp vũ khí tự chế.

ĐBP Pù Nhi (đóng trên địa bàn huyện Mường Lát) được giao nhiệm vụ quản lý và bảo vệ biên giới dài 21,839 km với 8 mốc quốc giới; địa bàn đơn vị quản lý gồm 3 xã Pù Nhi, Nhi Sơn, Mường Lý, trong đó xã Mường Lý là xã nội địa, địa bàn gồm 6 dân tộc sinh sống gồm Thái, Dao, Mông, Mường, Khơ Mú; đời sống kinh tế của Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao chiếm 80,5%. Thiếu tá Lê Ngọc Đông, Chính trị viên ĐBP Pù Nhi cho biết: Thực hiện Chỉ thị 681-CT/ĐU, đồn phân công 22 đồng chí đảng viên tùy theo vị trí công tác, chức năng nhiệm vụ phụ trách 132 hộ gia đình. Chỉ đạo, quán triệt cán bộ, đảng viên được phân công phụ trách hộ gia đình xây dựng nội dung, chương trình kế hoạch hỗ trợ theo tháng, quý, năm. Tăng cường bám nắm địa bàn, hộ gia đình phụ trách để tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng cũng như vận động các gia đình cung cấp thông tin, tố giác tội phạm; kịp thời nắm chắc tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới, những vấn đề nổi cộm, bức xúc, phức tạp trong Nhân dân. Nhờ đó, tình hình kinh tế – xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn được giữ vững, Nhân dân yên tâm lao động sản xuất.

Là người dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên trên vùng biên giới Mường Lát, hơn ai hết, Đại úy Hơ Văn Xá, Đội trưởng vũ trang, ĐBP Pù Nhi thấu hiểu nét đặc trưng về phong tục, tập quán của bà con nơi đây. Xác định rõ tinh thần, nhiệm vụ, với phương châm “nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”, cán bộ, chiến sĩ đơn vị bắt tay vào việc quy hoạch, khoanh vùng sản xuất để trồng ngô, trồng cỏ voi, đào ao, trồng cây táo mèo dưới tán rừng phòng hộ và xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Song song với việc làm trên, đồn đã cử cán bộ xuống từng thôn, bản, phối hợp với cán bộ xã tuyên truyền, vận động bà con đến học tập và làm theo mô hình trồng ngô của BĐBP. Từ những việc làm cụ thể như vậy đã làm cho bà con nơi đây dần thay đổi tư duy trong sản xuất, chăn nuôi. Bên cạnh việc giúp đỡ Nhân dân trong xã làm ăn kinh tế, xóa đói giảm nghèo, ĐBP Pù Nhi còn phối hợp với chính quyền địa phương các xã tổ chức xây dựng cụm loa truyền thanh, cử cán bộ am hiểu phong tục tập quán, có năng lực, trình độ xuống các thôn, bản tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản với phương châm “3 bám” (bám địa bàn, bám dân, bám đối tượng); “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng địa phương) để vừa tranh thủ giúp đồng bào, nắm địa bàn, vừa vận động Nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Sự giúp đỡ của các đảng viên ĐBP góp phần thiết thực khích lệ người dân vượt khó, vươn lên lao động sản xuất. Cuộc sống của các hộ gia đình được giúp đỡ đã có sự thay đổi rõ nét. Ông Sung Văn Gia, người dân bản Kéo Té, xã Nhi Sơn (Mường Lát) chia sẻ: “Từ khi có BĐBP tuyên truyền phổ biến pháp luật, bà con Nhân dân luôn có ý thức chấp hành, không vi phạm pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội… Các chú biên phòng tuyên truyền, hướng dẫn cho làm kinh tế, trồng màu, làm rẫy từ đó kinh tế gia đình tôi càng ngày khá lên, nhà cửa đàng hoàng, bản thân luôn ý thức bảo ban con cháu mình cũng như vận động bà con ở đây phải chấp hành nghiêm đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước”.

Theo đánh giá của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP, hầu hết các đảng viên được phân công phụ trách đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, đưa ra nhiều giải pháp phù hợp, giúp các gia đình ở khu vực biên giới phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh trật tự, thực hiện nếp sống văn minh. Mỗi đảng viên phụ trách hộ gia đình thực hiện tốt công tác tiếp cận, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con, vận động các hộ gia đình không nghe, không tin những lời kích động, xúi giục của các phần tử xấu. Điều quan trọng hơn, với những kết quả tích cực đạt được, việc thực hiện Chỉ thị 681 trên địa bàn tỉnh đã góp phần gắn kết tình quân dân. Nhân dân cung cấp nhiều thông tin, giúp BĐBP kịp thời xử lý tình hình, giải quyết tốt các vấn đề phát sinh trên địa bàn, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc.

Qua 4 năm thực hiện Chỉ thị 681, BĐBP Thanh Hóa đã có 542 đảng viên được phân công phụ trách, giúp đỡ 2.787 hộ, trong đó có 1.798 hộ là người dân tộc thiểu số; 2.179 hộ chính sách, khó khăn; 352 hộ có mối quan hệ chính trị, xã hội phức tạp; 256 hộ có mối quan hệ thân tộc, dân tộc hai bên biên giới. Đến nay, mỗi ĐBP đã hỗ trợ các hộ gia đình trên 200 triệu đồng và gần 2.500 ngày công. Nhiều mô hình kinh tế đã phát huy hiệu quả như: mô hình trồng vầu ở các huyện Lang Chánh, Quan Sơn; mô hình trồng cây táo mèo dưới tán rừng phòng hộ ở xã Pù Nhi (Mường Lát)…

Qua những việc làm thiết thực của cán bộ, đảng viên ở các ĐBP đã góp phần quan trọng vào sự ổn định, phát triển của địa phương, tô thắm thêm hình ảnh, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.

Bài và ảnh: Hoàng Lan

Nguồn Báo Thanh Hóa: https://baothanhhoa.vn/quoc-phong-an-ninh/bo-doi-bien-phong-noi-cho-dan-hieu-lam-cho-dan-tin/183335.htm