Xe buýt tham quan Hồng Kông. Các nhân viên khách sạn, cửa hàng, chủ nhà hàng và hướng dẫn viên du lịch lo lắng rằng các cuộc biểu tình có thể khiến khách du lịch ngại đến Hồng Kông. Ảnh: NYT
Trong thời gian này, người dân Hồng Kông cũng ít đi gặp bạn bè hoặc đi ăn bên ngoài vì họ lo lắng rằng việc tạm dừng tàu điện ngầm sẽ khiến họ rơi vào tình huống khó khăn.
Đó là ngày thứ hai của Tuần lễ vàng (thời gian nghỉ lễ Quốc khánh của Trung Quốc), thường là một trong những mùa mua sắm của Hồng Kông. Matthew Tam và các đồng nghiệp ngồi rảnh rỗi trong một cửa hàng trang sức, xung quanh là các quầy đồng hồ cao cấp nhưng không thấy bóng dáng của một khách hàng nào.
Cửa hàng này tọa lạc tại khu mua sắm nhộn nhịp Tsim Sha Tsui nhưng trong những tháng gần đây, doanh thu của nó giảm mạnh 90%, nguyên nhân được cho đến từ sự sụt giảm của du khách Đại lục do ảnh hưởng của các cuộc biểu tình phản đối luật dẫn độ tại Hồng Kông, bắt đầu từ tháng 6 vừa qua.
“Điều này rất đáng lo ngại“, ông Tam 56 tuổi cho biết, thu nhập của ông phụ thuộc gần như hoàn toàn vào tiền hoa hồng. “Tôi không biết mình có thể trụ được bao lâu nữa“.
Kinh tế Hồng Kông tuột dốc
Các nhân viên khách sạn, nhà hàng, chủ nhà hàng và hướng dẫn viên du lịch khắp Hồng Kông đã phải đối mặt với sự lo lắng tương tự. Xung đột giữa cảnh sát chống bạo động và những người biểu tình được truyền thông khắp thế giới đăng tải khiến khách du lịch không muốn đến Hồng Kông thời điểm này, The New York Times (NYT-Mỹ) cho biết.
Trong Tuần lễ vàng Trung Quốc năm nay, bắt đầu vào ngày 1/10, các trung tâm mua sắm – thường chật ních khách – đã phải đóng cửa trong vài ngày. Một số nhà hàng sang trọng trong thành phố tung các khuyến mãi giảm giá sâu nhưng vẫn vắng khách.
“Mặc dù mọi người đã chuẩn bị tinh thần một cuộc chiến tranh kéo dài, nhưng trên thực tế họ đã bắt đầu bị tổn thương, điều này càng kéo dài càng khiến tâm trạng họ chán nản,” bà Tara Joseph, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hồng Kông cho biết.
Một trung tâm mua sắm – vốn rất nhộn nhịp tại Hồng Kông – đã phải đóng cửa trong vài ngày. Ảnh: NYT
Sau khi chính quyền Hồng Kông sử dụng luật khẩn cấp để cấm người dân đeo khẩu trang, mặt nạ trong các cuộc tụ tập công cộng, bầu không khí trở nên căng thẳng hơn, gây ra sự hỗn loạn và bất mãn mới người dân. Theo NYT, chính quyền Hồng Kông hiện đang kiềm chế thực hiện các biện pháp cứng rắn hơn, nhưng khả năng thực thi các hạn chế như lệnh giới nghiêm đang được thảo luận rộng rãi.
“Lệnh khẩn cấp, cấm đeo mặt nạ và lệnh giới nghiêm không phải là cách tốt nhất để khôi phục niềm tin kinh doanh“, bà Joseph nói.
Ngành công nghiệp du lịch là động lực chính của nền kinh tế Hồng Kông, cung cấp việc làm cho hàng trăm nghìn người. Tuy nhiên, số lượng khách du lịch đến đặc khu này đã giảm mạnh. Số lượt khách tới sân bay quốc tế Hồng Kông vào tháng 8 đã giảm gần 40% so với cùng kỳ năm trước, thậm chí tình trạng này xảy ra ngay cả trước khi các cuộc biểu tình leo thang.
Sự suy giảm của du khách đại lục được coi là dấu hiệu đặc biệt nghiêm trọng, chiếm hơn 3/4 trong số 65 triệu lượt du khách đến Hồng Kông năm ngoái. Trong thời gian Tuần lễ vàng, số lượng khách du lịch từ Trung Quốc đại lục giảm 55%.
Những con số khác còn “tàn nhẫn” hơn. Tỷ lệ đặt phòng của khách sạn là khoảng 60%, giảm từ 91% vào đầu năm nay. Doanh số bán lẻ trong tháng 8 đã giảm 23%, mức giảm mạnh nhất trong lịch sử. Nhiều nhà kinh tế cho rằng nền kinh tế của Hồng Kông đang rơi vào suy thoái.
Cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng, được phản ánh qua một loạt các sự kiện liêp tiếp bị hủy bỏ như Giải quần vợt Hồng Kông mở rộng, Liên hoan Cyclothon Hồng Kông và Lễ hội rượu vang và ẩm thực Hồng Kông, các hoạt động dự kiến diễn ra trong tháng này.
Hiện tại, hai trụ cột khác của nền kinh tế Hồng Kông là tài chính và bất động sản quốc tế về cơ bản không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp lo lắng về tác động lâu dài đối với danh tiếng của Hồng Kông, vốn là trung tâm ổn định cho các công ty đa quốc gia.
Một báo cáo của Goldman Sachs đã làm tăng mối lo ngại này. Báo cáo ước tính rằng ít nhất 3 tỷ USD đầu tư trong những tháng gần đây đã chuyển từ Hồng Kông sang Singapore, một đối thủ trong khu vực về tài chính quốc tế. Các công ty luật, ngân hàng toàn cầu và các công ty thương mại đã lên kế hoạch dự phòng cho trường hợp xấu nhất.
Đã có một số báo cáo về việc sa thải nhân viên, một vài khách sạn sang trọng nhất thành phố đã cho nhân viên nghỉ phép không lương hoặc bị cắt giảm lương tạm thời.
“Chúng tôi thực sự hy vọng rằng bạo lực sẽ chấm dứt càng sớm càng tốt để Hồng Kông có thể được quảng bá là nơi an toàn trên toàn thế giới“, ông Ronald Wu, Giám đốc điều hành của Gray Line Tours – công ty đã thua lỗ một nửa trong kinh doanh, nói.
Trong khi đó, bà Alice Chan, Giám đốc điều hành của Hội đồng Công nghiệp Du lịch Hồng Kông, cho biết chỉ có 16 đoàn khách du lịch đến Hồng Kông trong những ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng, giảm đáng kể so với 110 đoàn đã đến mỗi ngày hồi năm ngoái.
Theo NYT, trước đây, trong những ngày lễ, Disneyland Hồng Kông thường chật kín người Đại lục, nhưng cuộc biểu tình năm nay đã ảnh hưởng đến bầu không khí của “khu vui chơi hạnh phúc nhất hành tinh”. Bãi đậu xe khổng lồ gần như trống rỗng, chỉ có ba trong số 16 cửa sổ bán vé được mở.
Người dân địa phương cũng ít đi gặp bạn bè hoặc đi ăn bên ngoài vì họ lo lắng rằng việc tạm dừng tàu điện ngầm sẽ khiến họ rơi vào tình huống khó khăn. Doanh thu bán vé tại Khu văn hóa Tây Cửu Long, một dự án trị giá 3 tỷ USD, đã chứng kiến lượng vé bán ra giảm mạnh. Trong tháng này, lần đầu tiên các quan chức địa phương phải hủy bỏ một số sự kiện, bởi vì họ suy đoán ẽ xuất hiện những cuộc biểu tình và tình trạng tắc nghẽn giao thông.
Ông Cheuk-Yan Lee, Tổng thư ký Liên đoàn Công đoàn Hồng Kông yêu cầu chính quyền đặc khu cần khôi phục niềm tin của người dân và giới đầu tư bởi tình trạng hiện nay không phải chỉ là sự suy giảm tạm thời về tiêu dùng mà còn là đánh mất niềm tin của giới đầu tư toàn cầu.