Biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024

Ngày 8/6, dưới sự chủ trì và trực tiếp điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực giao thông vận tải; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024; thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Toàn cảnh phiên làm việc tại hội trường Quốc hội.
Toàn cảnh phiên làm việc tại hội trường Quốc hội.

Sau nội dung chất vấn của các đại biểu dành cho Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận phiên chất vấn diễn ra rất sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn và có tính xây dựng cao. Các đại biểu Quốc hội đã bám sát nội dung chất vấn, rất tích cực đeo bám, tranh luận để làm rõ thực trạng và trách nhiệm. Chủ tịch Quốc hội đề nghị trên cơ sở kết quả của phiên chất vấn, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, các Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế.

g
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, tiếp tục chỉ đạo đôn đốc thi công các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả. Tiếp tục tái cơ cấu thị trường vận tải theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần các phương thức vận tải đường thủy nội địa và đường sắt. Bên cạnh đó, chủ trì xây dựng dự án Luật Đường bộ theo phân công của Chính phủ, chú trọng nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; triển khai quyết liệt các giải pháp kiểm soát tải trọng phương tiện…

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu cần tách bạch chức năng quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công trong các lĩnh vực do Bộ Giao thông Vận tải phụ trách, nhất là lĩnh vực đăng kiểm, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe…Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công do Bộ Giao thông Vận tải phụ trách. Mặt khác, hoàn thiện các quy định của pháp luật, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại; đồng thời rà soát, hoàn thiện về nội dung, phương pháp đào tạo, các tiêu chuẩn, điều kiện về cơ sở vật chất đối với các cơ sở đào tạo.

g
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.

Phát biểu tại nội dung chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho biết, một trong những giải pháp cốt lõi để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là phải kiểm soát quyền lực, đảm bảo quyền lực được thực thi trong khuôn khổ. Đảng và Nhà nước ta đã nhiều lần đề cập việc kiểm soát quyền lực, xác định đây là vấn đề cốt lõi để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Vì vậy, đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết đâu là giải pháp cốt lõi để kiểm soát quyền lực.

g
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trả lời nội dung chất vấn.

Trả lời nội dung này Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, muốn phòng, chống tham nhũng hiệu quả cần kiểm soát được quyền lực, đây là việc có ý nghĩa quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng, do quyền lực có xu hướng gây tha hóa khi không kiểm soát. Kiểm soát quyền lực là việc căn cơ trong phòng chống tham nhũng, giúp loại bỏ, phát hiện, ngăn ngừa, xử lý nghiêm sai phạm. Phó Thủ tướng cho rằng, thực tiễn cho thấy phải kiểm soát quyền lực chặt chẽ tại các cơ quan quản lý nhà nước, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, cần thiết lập được cơ chế kiểm soát quyền lực với người có chức vụ, quyền hạn, nhốt quyền lực vào lồng cơ chế.

g
Các vị đại biểu Quốc hội nhấn nút biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.

Trong phiên làm việc chiều cùng ngày, sau khi nghe nội dung báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết. Kết quả biểu quyết điện tử tại hội trường cho thấy, có 451/459 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 91,30%). Như vậy, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.

Ngay sau nội dung này, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh.

Nguyễn Thanh
Nguồn Báo Quảng Ninh: https://baoquangninh.vn/bieu-quyet-thong-qua-nghi-quyet-ve-chuong-trinh-giam-sat-cua-quoc-hoi-nam-2024-3244244.html