Chủ đầu tư nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất đang nạo vét vật chất
Công ty cổ phần thép Hòa Phát Dung Quốc thay đổi và sẽ nhận chìm 15,5 triệu tấn vật chất “nạo vét dư thừa” ở vùng biển Quảng Ngãi cách đảo Lý Sơn khoảng 28km.
Dư luận tỉnh Quảng Ngãi thời gian qua vô cùng lo lắng khi thông tin hàng chục triệu mét khối vật chất trong quá trình thi công nhà máy thép Hòa Phát Dung Quốc sẽ được nhận chìm xuống biển Quảng Ngãi.
Theo thông tin do chủ đầu tư nhà máy thép đưa ra, dự án sẽ nạo vét gần 19,5 triệu tấn vật chất nạo vét dư thừa. Số vật chất này sẽ được nhận chìm lại ở vùng biển Quảng Ngãi.
Trả lời về vấn đề trên, ông Đỗ Minh Hải, Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Quảng Ngãi, cho biết dự án nhà máy thép Hòa Phát Quảng Ngãi là dự án có quy mô lớn nhất tỉnh.
Chủ đầu tư đã thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đầy đủ nhưng sau đó có sự thay đổi. Theo đó, ĐTM ban đầu, chủ đầu tư cho biết sẽ tiến hành nạo vét trong quá trình xây dựng nhà máy thép.
Khối lượng nạo vét khoảng 19,5 triệu mét khối. Chủ đầu tư sẽ thực hiện khối lượng san lấp mặt bằng tại công trình là hết 4 triệu khối. 15,5 triệu khối chủ đầu tư sẽ tìm các công trình có nhu cầu san lấp.
“Sau đó họ xin thay đổi ĐTM vì không có đối tác thì sử dụng vật chất nạo vét để san lấp. Bản ĐTM mới, chủ đầu tư xin bổ sung nội dung nhấn chìm vào và được Bộ tài nguyên môi trường phê duyệt.
15,5 triệu mét khối vật chất còn lại sẽ được nhận chìm ở khu vực biển Quảng Ngãi cách đảo Lý Sơn khoảng 28km.
Họ đang xin giấy phép nhận chìm và khu vực nhận chìm. Bộ Tài nguyên và môi trường đã thông qua nhưng chưa có quyết định”, ông Hải nói.
Theo ông Hải, số vật chất này có 83,7% là cát vàng còn lại là bùn, đất sét…
Ông Hải cũng cho hay, chủ đầu tư đã có kế hoạch sử dụng chất thải trong quá trình sản xuất trước những lo ngại của dư luận.
“Chất thải trong quá trình sản xuất trong báo cáo tác động môi trường thì sẽ làm phụ gia hoặc làm đường. Lượng tro sỉ này rất lớn hàng năm hơn hàng triệu mét khối.
Chúng tôi cũng chưa biết thế nào nhưng Hòa Phát đang nghiên cứu để sử dụng”, ông Hải cho hay.
Theo ông Hải, sau này nếu chất thải tro sỉ mà Hòa Phát muốn thay đổi mục đích sử dụng thì phải xin phép và thực hiện lại việc đánh giá tác động môi trường.