“Đóng trước hay mở sau một tý cũng không sao”
Ông Dũng khẳng định Hà Nội luôn được đặt trong tình trạng phòng ngừa dịch bệnh cao với tinh thần là quyết tâm bảo vệ Thủ đô, không để dịch bệnh lây lan rộng.
“Hà Nội khác các tỉnh khác nên cần đặt trong tình trạng như thế. Ngay từ những ngày đầu, chúng tôi đã chuẩn bị cả phương án cao. Khu cách ly lúc đầu là 20.000 chỗ, hiện nay là 118.000 chỗ. Khu điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ từ chỗ không có giường nào, bây giờ đã có 20.000 giường, kích hoạt lên 30.000. Phương châm Hà Nội những ngày đầu là không để F0 và F1 tại nhà”, ông Dũng chia sẻ.
Một lần nữa nhấn mạnh Hà Nội bao giờ cũng chuẩn bị phương án cao nên ông Dũng cho rằng “có đóng trước hay mở sau một tý cũng không sao”, vì phương châm là phải bảo vệ bằng được Thủ đô.
Nhìn nhận trong quá trình làm cũng có lúng túng, Bí thư Hà Nội nhắc đến quy định phân 3 vùng và cấp giấy đi đường. Đây là vấn đề được bàn kỹ trong Thường vụ Thành ủy và quyết làm, nhưng trong quá trình thực hiện thì anh em không làm được, nên phải bỏ phân vùng và bỏ giấy đi đường. Người đứng đầu Thành ủy Hà Nội cho rằng việc này là bình thường vì xây dựng phương án cao hơn cũng vì sức khỏe người dân.
“Đứng trong cuộc mới thấy trách nhiệm khi phải lo những việc như thế, đưa ra quyết định như vậy. Chống dịch vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên những việc chưa đúng thì mình điều chỉnh”, ông Dũng nói.
Kết quả trước mắt, theo ông Dũng, Hà Nội đã kiểm soát được dịch với phương châm khoanh vùng hẹp, truy vết nhanh, xét nghiệm rộng. Ông dẫn chứng ngay khi ổ dịch ở phường Thanh Xuân Trung bùng phát, TP chủ trương chỉ phong tỏa ngõ liên quan. “Nếu phong tỏa cả phường, cả quận thì càng gay go, có khi vỡ trận”, ông Dũng nhận định.
Nói về việc triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn với dịch bệnh, Bí thư Hà Nội cho biết lãnh đạo TP họp cả ngày để bàn. Ông nhìn nhận có hai nỗi lo, một bên lo bảo vệ Thủ đô khỏi dịch bệnh, một bên lo thúc đẩy kinh tế.
Nhắc đến một trong những điều kiện đầu tiên là phải đạt độ bao phủ vaccine, ông Dũng cho biết Hà Nội đã tiêm cho 98% người từ 18 tuổi trở lên, còn 2% (khoảng 120.000) người cao tuổi có bệnh nền nặng không tiêm được.
Cùng Tổ thảo luận, đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (Giám đốc Sở Y tế Hà Nội) cũng chia sẻ về áp lực khi vừa chống dịch, vừa phải tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra.
Theo bà Hà, ngành Y tế Hà Nội đang rất nỗ lực trong công tác chống dịch, nhưng suốt một tháng qua, phải vừa chống dịch, vừa tiếp một số đoàn thanh tra, kiểm tra.
“Việc này tạo tâm lý hết sức lo lắng cho ngành Y tế, cán bộ y tế. Chúng tôi là những cán bộ chuyên môn, rất cần yên tâm để hoạt động chuyên môn phòng chống dịch cho tốt”, bà Hà nói. Theo bà Hà: “Tất nhiên chúng tôi hiểu mình không sai thì không sợ, tuy nhiên với việc giải trình hồ sơ liên tục như vậy cũng gây tâm lý hoang mang”.
Không thể triệt tiêu hoàn toàn mầm bệnh
Cũng ngày hôm qua (21/10), tại Tổ thảo luận số 2, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã có phần phát biểu chia sẻ về quãng thời gian chống dịch 2 năm qua.
Nhắc đến chiến lược vaccine, ông Long cho biết chúng ta đã phải vượt qua tất cả khó khăn về pháp lý để mua, nhập khẩu vaccine, chấp nhận toàn bộ rủi ro về việc giao hàng không đúng thời hạn, giá mua không được tính lại…
Với Nghị quyết 21 của Chính phủ đã mở đường cho tiếp cận vaccine và từ tháng 5, việc này được triển khai nhanh chóng hơn. “Hiện nay chúng ta có những hợp đồng, thỏa thuận cung ứng, tài trợ vaccine của các tổ chức với tổng số 191 triệu liều và con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới”, ông Long nói sự thành công trong ngoại giao vaccine nhờ sự tích cực của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Với gần 70 triệu liều vaccine đã được tiêm, ngày kỷ lục tiêm được 2 triệu mũi, ông Long nêu kinh nghiệm chia nhỏ khu vực, bố trí điểm tiêm cố định và lưu động với mục tiêu, quyết tâm phủ vaccine mũi 1 cho khoảng 80% người dân từ 18 tuổi trở lên và lên kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em.
Ông Long cho biết Việt Nam sẽ tham khảo, học hỏi và nghiên cứu để từng bước mở rộng đối tượng tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi, sang năm có thể mở rộng thêm tiêm cho trẻ trên 3 tuổi.
Bằng việc chuyển giao công nghệ và nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước, lãnh đạo Bộ Y tế tự tin về việc chủ động vaccine vào năm 2022. Việc các văn bản của Quốc hội, Chính phủ cho phép nhập khẩu nguyên liệu đã giúp Việt Nam chủ động về thuốc điều trị.
Nhắc đến việc chuyển trạng thái chống dịch, ông Long cho rằng chúng ta phải chấp nhận một thực tế là virus ngày càng nhiều biến thể và không thể triệt tiêu hoàn toàn mầm bệnh. “Chúng ta cũng không thể đưa số ca nhiễm của TP HCM hay các tỉnh khác về con số 0 vì điều này là rất khó khăn. Ta phải chấp nhận tỷ lệ nào đó nhưng kiểm soát được vấn đề tử vong”, ông Long nói và cho biết để làm được điều đó, phải đảm bảo được 3 tiêu chí: Tỷ lệ bao phủ vaccine, chỉ số về mức độ lây nhiễm và chỉ số đáp ứng của hệ thống y tế.
Ông Long nhấn mạnh, muốn chuyển sang thích ứng, an toàn với dịch thì không còn cách nào khác là phải đảm bảo độ phủ vaccine. Và nếu hệ thống y tế không đáp ứng nổi phải nâng cấp độ dịch, triển khai biện pháp ngặt nghèo hơn.
Trao đổi về việc vì sao Hà Nội chưa công bố cấp độ dịch toàn thành phố mà chỉ công bố cấp xã, phường, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho hay, theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế là chỉ công bố theo cấp xã, phường hoặc thậm chí thấp hơn là thôn, tổ, đội, không công bố ở cấp quận, huyện và TP.
“Hà Nội sẽ phụ thuộc vào đánh giá cấp độ dịch, từ đó có biện pháp để giãn cách hoặc nới lỏng dịch vụ hoạt động kinh tế, văn hóa xã hội”, bà Hà nói.
Về việc cho học sinh đi học trở lại, bà Hà cho biết Sở Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng phương án rất cụ thể để đảm bảo việc đưa học sinh tới trường an toàn.
Bà Hà cũng nhận định “thẻ xanh Covid” rất quan trọng trong thời gian tới để khẳng định người dân là chủ thể an toàn, có thể giao lưu, đi lại.
Theo Nguyễn Hà (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)
https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/bi-thu-thanh-uy-ha-noi-phai-bao-ve-bang-duoc-thu-do-truoc-covid-19-d169159.html