“Nhà khoa học thế giới” Lê Văn Tuấn.
Bên cạnh danh xưng “Nhà báo quốc tế” đang gây xôn xao dư luận, những ngày qua nhiều người dồn sự chú ý đến một chức danh khác, mới lạ: “Nhà khoa học thế giới”.
“Nhà khoa học thế giới” ở Việt Nam là ai?
Người có danh xưng này là ông Lê Văn Tuấn (còn gọi là Lê Tuấn), quê ở H.Đức Thọ (Hà Tĩnh). Ông Tuấn kể bản thân tốt nghiệp kỹ sư năng lượng tại ĐH Belarus-Liên xô cũ. Hiện ông làm Tổng đại diện Liên Hiệp các Hội UNESCO Việt Nam tại TP.HCM.
Trao đổi với phóng viên, ông Tuấn cho biết danh xưng “Nhà khoa học thế giới” không phải do ông tự đặt, “tự nổ”, mà được Liên hiệp các hội UNESCO Thế giới (WFUCA) công nhận.
Cụ thể, tại Đại hội UNESCO thế giới lần 8 tổ chức ở Hà Nội vào tháng 8/2011, ông Tuấn được WFUCA (trực thuộc Tổ chức về Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc UNESCO) vinh danh là “Nhà khoa học thế giới”.
Ông Tuấn nói mình được vinh danh bởi sự đóng góp cho WFUCA qua công trình nghiên cứu về nền khoa học toàn phần, với tựa đề: Giọt nước mắt của Đấng tạo hóa và Học thuyết Vũ trụ (NXB Văn học ấn hành).
Ông Lê Văn Tuấn. Đồ họa: Mạnh Quân.
Đây là công trình khoa học được viết bằng văn phong văn học và thơ ca, nội dung tôn vinh con người và một thế giới đại đồng trong hòa bình, hạnh phúc và sáng tạo – ông Tuấn chia sẻ.
Cũng theo “Nhà khoa học thế giới” – công trình dày 999 trang (bộ 3 quyển) đã được Trung tâm UNESCO Văn hóa – Thông tin và Truyền thông, chọn làm quà tặng cho hơn 300 đại biểu quốc tế đến Việt Nam tham dự Đại hội UNESCO thế giới lần 8.
Trung tâm lưu trữ Trung ương II tại TP.HCM, đã đưa toàn bộ tác phẩm của ông vào diện lưu trữ vĩnh viễn trong kho tàng di sản.
Liên hiệp các hội UNESCO Thế giới (WFUCA) công nhận ông Tuấn là “Nhà khoa học thế giới”
“Danh xưng này có 8 năm nay chứ không phải vừa xuất hiện. Câu chuyện đã không còn thời sự nữa, không mới mẻ gì, tôi chẳng hiểu vì sao lại được khơi lại trong những ngày qua. Cần nói thêm một lần nữa, danh xưng “Nhà khoa học thế giới” là do WFUCA công nhận, không phải tôi tự đặt ra, tự vơ vào người”, ông Tuấn khẳng định.
“Nhà khoa học thế giới”, cho biết bên cạnh công trình: Giọt nước mắt của Đấng tạo hóa và Học thuyết Vũ trụ, ông có những tác phẩm được lưu trữ trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc.
“Khi đưa vào lưu trữ có nhiều đơn vị thẩm tra. Vì sao được đưa vào lưu trữ, căn cứ vào đâu hãy hỏi Trung tâm lưu trữ”, nhà khoa học sinh năm 1953 nói.
Hiện ông Tuấn là Tổng đại diện Liên Hiệp các Hội UNESCO VN tại TP.HCM.
Ông Tuấn khẳng định từ trước đến giờ chưa nói với ai vì sao mình có danh xưng này vì “không muốn mất thời gian để giải thích”.
“Đây là lần đầu tiên và duy nhất tôi chia sẻ. Tôi mong mọi người hiểu tôi không tự đặt ra. Con người tôi không sống vì hư danh. Nhưng phải nói thật là tôi tự hào khi được WFUCA công nhận danh xưng này. Ở Việt Nam có mỗi mình tôi được WFUCA vinh danh là “Nhà khoa học thế giới”.
Khi được hỏi: Ông có cảm thấy buồn khi danh xưng ấy đang bị nhiều người hoài nghi?
Ông Tuấn trả lời: “Tôi không buồn gì cả. Sự thật vẫn là sự thật. Thân gỗ thì có bị ném xà bần vào cũng mãi là thân gỗ chứ không thể khác được. Nên dù có bị nghi ngờ thì chức danh xưng kia vẫn là do WFUCA công nhận”.
Ông Tuấn trong lần đón nhận kỷ lục. Ảnh: NVCC.
Nhà thơ, nhà văn, nhà soạn nhạc, kỷ lục gia…
Ngoài “nhà khoa học thế giới”, ông Tuấn còn được biết đến với những ký danh khác như: nhà thơ Lê Tuấn; nhà văn Mark Lê Twain; nhà soạn nhạc Lê Văn Tuấn; kỹ sư năng lượng; kỷ lục gia Việt Nam – kỷ lục gia Châu Á – kỷ lục gia Thế giới về sự sáng tạo âm nhạc CROR…
Nói thêm về những danh xưng ấy, ông Tuấn cho biết bản thân là người sáng tác các tác phẩm văn học như: “Bài ca con Linh Dương”, “Cánh chim lạc mẹ”, “Vịt Mốc”, “Mảnh giấy của chim”, “Mr.Beo”…
Ông là tác giả của 8 tập thơ: Chảy trong mạch đất, Mùa hoa bưởi nở trên sa mạc, Giấu hoa mộc miên nở trong tim, Sương mai còn ướt trên mặt sóng…
Ông Tuấn bên cuốn sách cuốn sách: “Giọt nước mắt cho Đại dương và Âm nhạc CROR”
Ông cũng được biết đến là một nhà soạn nhạc, với các tác phẩm có thể loại CROR (viết tắt của Classic, Romantic, Opira và Rock): Nơi chốn của linh hồn, Cất giấu qua những chặng đường mùa đông”, “Sa mạc còn xanh” và cuốn sách “Giọt nước mắt cho Đại dương và Âm nhạc CROR”.
Năm 2011, ông Tuấn xác lập kỷ lục ấn phẩm âm nhạc có kích thước lớn nhất Việt Nam: “Giọt nước mắt cho đại dương và âm nhạc CROR”, với chiều ngang 1,2m, cao 1,6m, dày 0,28m, nặng 250kg, do tổ chức Kỷ lục Việt Nam – VietKings Châu Á trao tặng.
Cuốn sách này sau đó cũng xác lập kỷ lục gia Châu Á vào năm 2012, do Tổ chức Kỷ lục Châu Á trao tặng.
Một năm sau đó, cuốn sách giúp ông xác lập kỷ lục thế giới Thế giới do Tổ chức Kỷ lục Thế giới Guinness trao tặng. Cùng năm 2013, ông được công nhận là tiến sĩ danh dự của Đại học Kỷ lục Thế Giới, về nội dung và hình thức cuốn sách: “Giọt nước mắt cho Đại dương và Âm nhạc CROR” độc đáo và sáng tạo.
Đại hội thế giới UNESCO lần đầu tổ chức tại Việt Nam từ ngày 18/8 đến 22/8/2011 tại Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập liên hiệp UNESCO thế giới, với 300 đại biểu từ hơn 100 quốc gia thành viên WFUCA tham dự.