Bị cáo Triệu Thị Chính. Ảnh: Hoàng Cư.
Tại tòa, bị cáo Chính đề nghị cơ quan công tố chứng minh có yếu tố vụ lợi đối với bà khi đồng ý nhận lời giúp xem điểm cho các thí sinh.
Sáng 18/10, TAND tỉnh Hà Giang tiếp tục phiên sơ thẩm vụ án gian lận điểm thi, kỳ thi THPT Quốc gia 2018 với phần tranh luận.
Bị cáo Triệu Thị Chính kêu oan, nói không có tội
Theo cáo trạng, bị cáo Triệu Thị Chính (cựu Phó giám đốc Sở GD&ĐT) đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của Trưởng Ban chấm thi mà còn vi phạm quy chế thi. Bà đã đưa danh sách 12 thí sinh nhờ Nguyễn Thanh Hoài nâng điểm môn Ngữ văn và 1 thí sinh nhờ xem điểm.
Hai bị cáo Triệu Thị Chính và Nguyễn Thanh Hoài thống nhất số điểm cần nâng nhưng vì lý do khách quan nên bị cáo Hoài chưa nâng điểm được.
Với cáo buộc này, VKS đề nghị tòa tuyên bị cáo Chính mức án 2 – 2,5 năm tù giam.
Được HĐXX yêu cầu tự bào chữa, bà Triệu Thị Chính phát biểu: “Hôm nay tôi đứng đây, chủ tọa có tuyên như thế nào thì tôi vẫn có thể ngẩng cao đầu để nói rằng tôi không phạm tội. Sẽ có ngày, những người muốn tôi vào tù phải ăn năn, hối lỗi”.
Nữ bị cáo nói thêm: “Trong 7 thí sinh thầy Sử nhờ tôi thì tôi phải nhận lợi ích phi vật chất từ ông Sử, chứ tôi không nhận từ ông Triệu Tài Vinh (cựu Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang, nay là Phó Trưởng ban kinh tế Trung ương). Tôi mang tiếng em ông Triệu Tài Vinh bao lâu nay, tôi lên hiệu trưởng trường nội trú, lên phó giám đốc sở nhưng ông Vinh có biết đâu”.
Bị cáo Triệu Thị Chính tự bào chữa. Ảnh: Hoàng Cư.
Bà Chính cũng phản biện việc đại diện VKSND tỉnh Hà Giang truy tố mình về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, theo Điều 358 Bộ luật Hình sự.
Đọc rành rọt từng câu chữ trong điều khoản của tội danh này để tự bào chữa, bị cáo Chính đề nghị đại diện VKS chỉ rõ trong các tin nhắn mà bà nhận được hoặc tin nhắn bà gửi đi, nội dung nào thể hiện bà nhận hay đòi lợi ích phi vật chất từ người nhờ xem điểm thi?
Bị cáo viện dẫn lý do “Thực tế tôi đã hết tuổi bổ nhiệm” để khẳng định việc bản thân không nhận hứa hẹn tư lợi trong vụ án.
Nhắc lại cáo buộc của VKS, bà Chính tiếp tục đề nghị cơ quan công tố chứng minh có yếu tố vụ lợi đối với bà khi đồng ý nhận lời giúp xem điểm cho các thí sinh.
Nếu trót lọt thì người thân, anh em được lợi
Sau phần tự bào chữa của bị cáo Triệu Thị Chính, công tố viên Vũ Thị Thanh Nga lý giải về nội dung các tin nhắn của người thân thí sinh gửi cho bà Chính và ngược lại.
Vị đại diện VKS Nhân dân tỉnh Hà Giang đã công bố một số tin nhắn, trong đó, một tin nhắn do cán bộ Sở Tài chính gửi cho bị cáo Chính với nội dung “Mình có đứa cháu thi 12 vừa rồi, bạn giúp mình với nhé”. Hay một tin nhắn khác do bị cáo Chính gửi đi: “Hôm nay em mới đọc tin nhắn chị ơi. Em sẽ cố gắng xem xét môn thi tự luận, khó khăn lắm chị ạ. Thương các cháu Hà Giang mình”.
Đại diện VKS Vũ Thị Thanh Nga. Ảnh: Hoàng Cư.
Theo nữ công tố viên, nội dung các đoạn tin nhắn trên chỉ rõ việc người thân các thí sinh đã nhờ bị cáo nâng điểm, không phải nhờ xem điểm.
Bà Nga cũng cho rằng vụ án này chưa dừng lại ở việc truy tố 5 bị cáo đang tham gia xét xử. Các cơ quan tố tụng tỉnh Hà Giang đang tiếp tục điều tra, xác minh, nếu có căn cứ vi phạm pháp luật sẽ xử lý ở giai đoạn tiếp theo.
Về yếu tố lợi ích phi vật chất mà bị cáo Triệu Thị Chính đề nghị làm rõ, công tố viên chỉ ra rằng trong danh sách 13 thí sinh mà bà Chính nhận để giúp đỡ, có 2 thí sinh là người thân của bị cáo này.
Sau cùng, vị đại diện VKS lập luận, bị cáo đã được lợi từ danh sách này, nếu thí sinh mà được nâng điểm trót lọt thì anh em, người thân bị cáo cũng được lợi.
Hành vi của bà Chính đã thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm. Việc 12 thí sinh này chưa được nâng điểm là do khách quan, nằm ngoài ý chí chủ quan của các bị cáo.
Sau 4 ngày xét hỏi, chiều 17/10, đại diện VKSND tỉnh Hà Giang công bố quan điểm giải quyết vụ án, đề nghị hình phạt với 5 bị cáo vụ sửa điểm thi THPT quốc gia năm 2018.
Trên cơ sở đánh giá chứng cứ và toàn bộ nội dung vụ án, đại diện VKS tỉnh Hà Giang đề nghị bị cáo Nguyễn Thanh Hoài 8 – 9 năm tù; bị cáo Vũ Trọng Lương 7 – 8 năm tù giam.
Các bị cáo Triệu Thị Chính và Lê Thị Dung cùng mức án từ 2 – 2,5 năm tù; bị cáo Phạm Văn Khuông 1-1,5 năm, nhưng cho hưởng tù treo. Chính quyền địa phương sẽ chịu trách nhiệm quản lý.
Về hình phạt bổ sung, vị đại diện VKS đề nghị HĐXX cấm các bị cáo đảm nhiệm các chức vụ quản lý trong ngành giáo dục từ 1 – 2 năm.