(Ảnh minh họa: Internet)
Hành động cực đoan của cậu con trai là kết quả của những ngày dài người mẹ, tưởng mình luôn biết cách động viên con, nào ngờ đã nuôi dưỡng một tâm hồn trẻ thơ méo mó.
Câu chuyện thứ nhất: Ngày nhỏ ăn trộm sách, lớn lên phải trả cái giá quá đắt
Một cậu bé đi ăn cắp của bạn mình một cuốn sách, đem về nhà khoe với mẹ. Thật không ngờ, người mẹ không những không khiển trách con trai mình, còn khen con trai thật khôn ngoan, giúp gia đình tiết kiệm tiền. Con trai thấy mẹ khen vậy, rất vui.
Lần sau, con trai lại ăn trộm một chiếc áo choàng rất đẹp về nhà, và người mẹ một lần nữa lại khen ngợi cậu ta.
Mỗi lần con ăn trộm đồ về, mẹ đều khen ngợi, còn nói con mình thật khôn ngoan. (Ảnh minh họa: Internet)
Dần dần, những món đồ con trai đem về ngày càng có giá trị, và người mẹ thì hết lần này đến lần khác đều tỏ thái độ đồng tình, còn liên tục khen con mình thật biết cách kiếm tiền.
Tuy nhiên, có một lần, khi đang tiếp tục trộm đồ, con trai bị người ta bắt tận tay, liền giải đến công đường xét xử. Sau khi bị tra hỏi, cậu con trai, bây giờ đã là một thanh niên trưởng thành, phải cúi đầu khai nhận tất cả những vụ trộm trước đây.
Quan xử án quyết định chặt đầu cậu ta để làm gương cho kẻ khác, khiến người mẹ chỉ biết gục ngã. Trước khi chết, bị cáo được hỏi có muốn nói điều gì với người thân không thì gật đầu trả lời có. Cậu ta bảo muốn nói nhỏ vào tai mẹ một câu dặn dò cuối cùng.
Người mẹ nghe con nói vậy, rưng rưng bước lên, ghé tai sát vào con trai, đau đớn lắng nghe. Nào ngờ, chỉ đợi có thế, cậu con trai liền cắn phập một nhát, khiến tai người mẹ đứt lìa ngay lập tức, những người ở phòng xử án ồ lên kinh hãi.
“Tôi hận bà, nếu ngay từ lần đầu tiên tôi đem đồ ăn trộm về nhà, bà biết khiển trách và phân tích điều hay lẽ phải cho tôi, thì đâu có ngày này?”, cậu con trai vừa nói, vừa khóc. Nước mắt của cậu, hòa cùng những giọt máu đỏ tươi của mẹ, khiến ai có mặt ngày hôm ấy, cũng không khỏi xót xa.
Lời bàn: Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi. Trẻ con như cái mầm cây, bố mẹ uốn thế nào nó sẽ ra thế ấy, vì thế, đừng nuông chiều con, hãy yêu thương con đúng cách, nếu không thể dạy con thành thiên tài thì ít nhất cũng hãy dạy con trở thành một người tử tế.
Câu chuyện thứ 2: Chó săn làm nhiều ăn ít, chó nhà chẳng làm gì vẫn no đủ: Bài học cho mọi phụ huynh trong cách dạy con
Người đàn ông nọ nuôi 2 con chó: Một con chó săn, được huấn luyện để hỗ trợ ông trong những chuyến đi săn, còn một con chó giữ nhà, được nuôi chỉ để nằm ở ngoài thềm, canh giữ ngôi nhà.
Chó săn phải làm việc vất vả mà cũng chỉ được ăn như chó nhà, nên tâm lý rất bất mãn. (Ảnh minh họa: Internet)
Khi trở về sau mỗi chuyến đi săn, người đàn ông thường thưởng cho con chó ở nhà một miếng thịt lớn. Chó săn thấy vậy, ghen tị lắm, liền đi tới chỗ người bạn của mình và nói: “Tôi phải vất vả lắm mới được ăn như thế, còn cậu thì chẳng cần làm gì cũng vẫn được ăn uống thoải mái”.
Chó nhà nghe thấy vậy, liền ngẩng lên, đáp lại: “Cậu đừng đổ lỗi cho tôi, tất cả là tại ông chủ, ông ấy đâu có dạy tôi lao động, thế nên tôi chỉ có thể ngồi đây và hưởng thành quả lao động của kẻ khác mà thôi”.
Lời bàn: Câu chuyện về 2 chú chó ở trên thực ra lại là tình huống xảy ra ở rất nhiều gia đình. Có đứa con được bố mẹ dạy cho lao động từ bé, cũng có những đứa con cả đời chẳng phải mó tay vào bất kỳ việc gì.
Có rất nhiều ông bố bà mẹ cho rằng, việc họ nỗ lực kiếm tiền để cố gắng đem lại cuộc sống no đủ cho con cái, để cho chúng không phải chịu một cuộc sống cơ cực mới là đúng đắn.
Tuy nhiên, đây chưa hẳn đã là điều hay. Nếu cha mẹ chỉ biết cung phụng hết mình cho con, vậy khi họ mất đi, đứa con phải dựa vào ai để có thể sống tiếp?
Nếu không biết dạy con lao động và kiếm sống bằng chính khả năng của mình thì cha mẹ đã hoàn toàn thất bại trong việc dạy dỗ con, khiến đứa trẻ luôn rơi vào thế bị động khi phải đối mặt với những sóng gió của cuộc đời.
Con trẻ vấp ngã, phần lớn là do những sai lầm của người lớn.
Theo Aeso Fables