Bí ẩn đằng sau các “cuộc tấn công” ồ ạt từ TQ làm điêu đứng người biểu tình Hong Kong

Ảnh: Reuters

Cuộc biểu tình chống lại dự luật dẫn độ ở Hong Kong đã gây ra bất ổn lớn cho khu vực trong suốt tuần qua.

Cuộc tấn công quy mô lớn

Theo Pavel Durov, nhà sáng lập ứng dụng nhắn tin Telegram, đã có một cuộc tấn công mạng quy mô “khổng lồ” xuất phát từ Trung Quốc nhằm vào Telegram khi những người biểu tình ở Hong Kong tập trung bên ngoài các trụ sở chính quyền của thành phố này.

Được biết, Telegram được đánh giá là ứng dụng liên lạc có độ bảo mật cực kì cao, tới nỗi đa số các tin tặc (hacker) trên thế giới đều không thể đánh cắp được thông tin và nội dung tin nhắn của người dùng. Đây cũng là ứng dụng rất được các nhóm khủng bố, và đặc biệt là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), ưa chuộng vì tính bảo mật khó bị xâm phạm.

Ngày hôm qua, ông Durov viết trên Twitter cho biết, các vụ tấn công từ chối dịch vụ (DDos) hầu hết đều xuất phát từ các địa chỉ IP ở Trung Quốc. Tấn công DDos đã khiến các máy chủ Telegram bị nghẽn bởi vô số các yêu cầu rác, khiến người dùng gặp vấn đề về kết nối và không thể liên lạc một cách thông thường.

“Các địa chỉ IP gây ra vụ tấn công hầu hết đều tới từ Trung Quốc. Trước đây, tất cả những cuộc DDos quy mô lớn đều trùng hợp với thời điểm xảy ra biểu tình ở Hong Kong. Lần này cũng không phải ngoại lệ,” ông Durov viết.

Bí ẩn đằng sau các cuộc tấn công ồ ạt từ TQ làm điêu đứng người biểu tình Hong Kong - Ảnh 1.

Ảnh: Reuters

Theo một hãng phân tích dữ liệu ứng dụng, App Annie, Telegram đã trở thành một trong những ứng dụng được tải xuống nhiều nhất ở Hong Kong trong tuần này, trùng hợp với thời điểm diễn ra các cuộc biểu tình quy mô lớn bởi hàng trăm nghìn người phản đối dự luật dẫn độ.

Dự luật này, nếu được thông qua, sẽ cho phép tòa án Hong Kong thông qua lệnh dẫn độ đối với các tội phạm tới các khu vực khác, bao gồm Trung Quốc đại lục – nơi nhiều người Hong Kong lo ngại rằng những bị cáo sẽ không được xét xử một cách công bằng.

Dự luật đã làm bùng nổ một cuộc biểu tình quy mô lớn, với kỉ lục lên tới 1.03 triệu người tham gia – theo số liệu từ những người tổ chức – và 240.000 người – theo số liệu từ cảnh sát.

Ngày 12/6, hàng chục nghìn người biểu tình đã đổ xuống các con đường bên ngoài trung tâm hành chính và lập pháp của Hong Kong, đụng độ với cảnh sát. Ít nhất có 81 người bị thương.

Mặc dù dường như không có người lãnh đạo cụ thể trong các cuộc biểu tình, nhưng có thể thấy Telegram đã được người dân Hong Kong sử dụng để thống nhất hành động, đưa ra yêu cầu trong các nhóm chat để điều phối dụng cụ, ví dụ như đồ bảo hộ, đồ cứu thương và ô dù. Một số nhóm chat có tới hàng chục nghìn thành viên.

Rắc rối từ tấn công mạng

Chuyên gia an ninh thông tin Young Wo-sang tin rằng các cuộc tấn công mạng từ Trung Quốc có mục đích phá hoại việc liên lạc giữa những người biểu tình.

“Tôi cho rằng những người dùng đã có những lựa chọn dự phòng để liên lạc,” ông nói.

Nhà lập pháp về ngành Công nghệ Thông tin Charles Mok cho biết mặc dù lời khẳng định của ông Durov có vẻ rất có lí, nhưng chưa thể xác nhận thông tin này.

“Trong suốt cuộc biểu tình, tôi không thấy Telegram quá chậm. Ngoài ra, mạng di động có thể chậm bởi vì có quá nhiều người dùng tụ tập ở chung một địa điểm,” ông nói.

Trang Twitter chính thức Telegram cho biết cuộc tấn công mạng đã ảnh hưởng tới nhiều người dùng ở Mỹ, và người dùng ở một số quốc gia khác có thể cũng cảm nhận được điều này.

“Có thể cuộc tấn công không chỉ nhằm cụ thể vào Hong Kong, mà còn hướng tới nhiều khu vực khác nữa,” Mok nói.

Ủy viên Hội đồng Công nghệ Thông tin Hong Kong Eric Fan Kin-man cảnh báo người dùng nên thận trọng với Telegram, vì ứng dụng này tiết lộ số điện thoại của họ cho các thành viên khác trong nhóm. “Tôi không nghĩ rằng đây là một lựa chọn tốt cho những người sử dụng ứng dụng để tổ chức các phong trào xã hội”, ông nói.