Phụ nữ trong độ tuổi sinh để nếu chủ động tiêm phòng vắc xin sởi trước khi có thai thì có thể tạo miễn dịch đủ phòng bệnh cho trẻ sơ sinh tới tháng thứ 9.
Mẹ chủ động tạo miễn dịch cho con
Hiện nay, bệnh sởi đang lan rộng và tăng cao ở 43 tỉnh và thành phố trong cả nước. Đối tượng mắc bệnh chủ yếu tập trung ở trẻ nhỏ chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng chưa đủ mũi.
GS. TSKH Nguyễn Thu Vân (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trước khi mang thai nên chủ động tiêm phòng vắc xin sởi, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh đang bùng phát ở hầu hết các tỉnh như hiện nay.
Ngay cả những trường hợp trước đây đã mắc sởi, trước khi mang thai cũng nên tiêm phòng vắc xin. Việc chủ động tiêm phòng vắc xin sởi này sẽ giúp tăng cường miễn dịch, bảo vệ cho con sau này. Tỷ lệ nhiễm dịch mẹ truyền sang con sẽ rất cao và đã có nghiên cứu chứng minh.
GS.Vân lý giải lý do vì sao trẻ thường được tiêm sởi vào thời điểm 9 tháng như sau: “Nếu như các mẹ đã được tiêm vắc xin hoặc đã bị nhiễm vi rút sởi tự nhiên, sẽ có kháng thể truyền cho con qua đường máu trong quá trình nuôi dưỡng thai nhi. Như vậy, khi trẻ sơ sinh mới sinh ra sẽ có sẵn kháng thể phòng bệnh sởi.
Tuy nhiên, khi trẻ phát triển tới tháng thứ 9 lượng kháng thể này sẽ giảm nên sẽ được tiêm vắc xin để tăng cường miễn dịch”, GS. Vân nói.
Nếu phụ nữ tiêm phòng sởi trước khi mang thai, thì trong vòng 6 tháng sau sinh rất ít khi trẻ bị mắc sởi, ảnh minh họa.
Cũng theo GS.Vân đã có những nghiên cứu tới tháng thứ 9 kháng thể phòng bệnh sởi của mẹ truyền cho trẻ sơ sinh sụt giảm còn rất thấp.Vì vậy đã có khuyến cáo nên thực hiện việc tiêm phòng sởi cho trẻ sớm hơn.
Hiện nay, Viện cũng đang thực hiện một nghiên cứu trên các nhóm đối tượng nhỏ thực hiện tiêm vắcxin sởi cho trẻ bắt đầu từ 6 tháng tuổi, tiêm sớm để bảo vệ tốt hơn.
GS. Vân cũng phản đối quan điểm tiêm vắc xin sởi trẻ sẽ gây tự kỷ, là không có cơ sở khoa học. Để chủ động phòng sởi cho con sau này, chị em trong độ tuổi sinh để nên tiêm phòng sởi trước khi sinh con (ít nhất 3 tháng trước sinh) để có thể tạo miễn dịch cho con ngay khi sinh.
Sau khi, trẻ ra đời nên cho trẻ bú sữa mẹ để tăng cường sức đề kháng, không cho trẻ tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh sởi. Đặc biệt, các mẹ cần phải lưu ý tiêm đủ các mũi sởi cho con, mũi đầu tiên khi trẻ đủ 9 tháng, mũi 2 khi trẻ đủ 18 tháng, mũi 3 khi trẻ 5 tuổi.
Phụ nữ mang thai mắc sởi gây hiểm như thế nào?
GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết phụ nữ khi mang thai nếu không may mắc sởi có thể dẫn tới xảy thai, sinh non thậm chí là thai nhi.
Hiện nay, với phụ nữ trước khi mang thai thường được khuyến cáo nên tiêm Rubella do mắc có thể dẫn tới những dị dạng về thai nhi như: đầu bé, hở hàm ếch, tim bẩm sinh…
Với bệnh sởi thì không có nghiên cứu đưa ra gây di dạng bẩm sinh như rubella, những có thể gây biến chứng như đã nêu ở phía trên.
“Phụ nữ trước khi sinh nên chủ động đi tiêm phòng sởi sẽ tại được miễn dịch cho con sau sinh. Nếu mẹ tiêm phòng sởi thì trong vòng 6 tháng sau sinh, rất ít khi trẻ bị mắc sởi”, GS.Kính khẳng định.
Một số trường hợp mẹ không tiêm phòng vắcxin sởi trước sinh, sau khi sinh cả mẹ và con đã cũng mắc bệnh do đều không có kháng thể.
“Với những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chỉ cần phải tiêm mũi sởi một lần. Mũi tiêm này sẽ có tác dụng bảo vệ cho cả mẹ và con không chỉ trong lần mang thai đầu mà cả những lần mang thai tiếp theo”, GS. Kính nói.
Trong trường hợp phụ nữ đang mang thai chưa rõ mình đã tiêm sởi hay chưa hoặc không tiêm sởi thì cần lưu ý hạn chế đến nơi tập trung đông người hoặc phải đi thì nên đeo khẩu trang, không tiếp xúc với người nghi ngờ mắc sởi.
Ngoài ra, cần vệ sinh thân thể, vệ sinh mũi – họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, vệ sinh nơi ở sạch sẽ…