Bệnh mắt đỏ lây lan nhanh, khẩn trương phòng chống

Gần đây, số ca bệnh viêm kết mạc cấp hay như thường gọi là bệnh mắt đỏ có xu hướng tăng, đặc biệt ở học sinh. Ðể phòng, chống dịch, ngành Y tế đã khẩn trương tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng bệnh, ngăn ngừa lây lan.

Ghi nhận nhiều ca mắc

Nhiều ngày qua, tại thôn Định Thiện Đông, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, nhiều gia đình mắc bệnh mắt đỏ cả nhà chỉ trong thời gian ngắn. Chị Trần Thị Ánh Tuyết, 40 tuổi, ở thôn Định Thiện Đông, cho biết: Ban đầu bé nhỏ nhà tôi (5 tuổi) học mầm non ở TX An Nhơn có dấu hiệu bị mắt đỏ. Sau đó cả nhà tôi đều mắc bệnh. Do không để ý, bé lớn nhà tôi sang nhà hàng xóm chơi và lây bệnh mắt đỏ cho cả nhà họ. Bệnh lây rất nhanh, triệu chứng chung là mắt  ngứa, cộm, chói, sợ ánh sáng, chảy nước mắt, rất khó chịu.

Tại Trường THCS thị trấn Tuy Phước, số ca nhiễm mắt đỏ tăng cao, nhà trường đã thông báo cho phụ huynh nếu phát hiện học sinh có dấu hiệu mắt đỏ thì chủ động báo cáo và cho các em nghỉ học để tránh lây nhiễm cho mọi người. Ông Nguyễn Văn Minh, phụ huynh của em Nguyễn Thị Trân Châu, học sinh Trường THCS thị trấn Tuy Phước, cho biết: Bệnh lây rất nhanh, hôm trước có bạn mắc thì y như rằng hôm sau con tôi mắc bệnh.

Tương tự, tại nhiều trường học, chung cư ở TP Quy Nhơn cũng ghi nhận nhiều ca mắc bệnh mắt đỏ. Bà Nguyễn Thị Phương Quỳnh, người dân ở chung cư An Phú Thịnh, cho biết: Cả nhà tôi đều mắc bệnh mắt đỏ, đọc thông tin thấy bệnh mắt đỏ đang lây lan cũng không quá nguy hiểm nên tôi ra nhà thuốc mua thuốc nhỏ mắt; do có nhiều người mắc bệnh quá, một số cửa hàng không còn thuốc để bán.

Trẻ bị mắt đỏ đến khám tại Bệnh viện Mắt Sài Gòn Quy Nhơn. Ảnh: Đ. THẢO

Ngày 12.9, Bệnh viện Mắt Sài Gòn Quy Nhơn ghi nhận 41 ca đau mắt đỏ đến khám tại Bệnh viện – tăng rất cao so với thời gian trước đó. Bác sĩ CKI Hồ Thị Lệ Hằng, Trưởng khoa khám Bệnh viện Mắt Sài Gòn Quy Nhơn, chia sẻ: “Những ngày gần đây, số lượng bệnh nhân đau mắt đỏ tăng rất nhiều lần so với tháng 8. Tựu trường là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến bệnh đau mắt đỏ lây lan nhanh. Các nguy cơ có thể dẫn đến lây lan bệnh, đó là: Dùng chung khăn mặt; dùng tay dụi mắt sau đó dùng chung đồ vật với người khác (hay gặp trong gia đình hoặc các nhà trẻ mẫu giáo); lây qua môi trường bể bơi, không khí. Người bệnh nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; tránh chạm tay vào mắt; không tự ý mua thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ; nên nghỉ học hoặc nghỉ làm để điều trị tránh lây lan cho cộng đồng”.

Khẩn trương tổ chức phòng bệnh

Theo báo cáo của Bệnh viện Mắt Bình Định, từ ngày 21.8 đến ngày 11.9.2023, đã ghi nhận 561 người mắc bệnh mắt đỏ trên địa bàn tỉnh, trong đó có 173 trường hợp là trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm 30,8%). Số lượng bệnh nhân có xu hướng tăng nhanh, tuy nhiên đa phần có triệu chứng nhẹ, hiện nay vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào cần phải nhập viện điều trị.

Để hạn chế tình trạng lây nhiễm rộng, một số nơi phát hiện có bệnh nhân đã khẩn trương tổ chức tuyên truyền. Bà Nguyễn Thị Thùy Vân, Trưởng Trạm Y tế Canh Vinh, huyện Vân Canh, cho biết: Ngày 12.9, có học sinh trên địa bàn xã đến khám bệnh mắt đỏ. Sau khi thăm khám, tôi đã nhắc nhở em nghỉ học để tránh lây nhiễm cho bạn khác. Đồng thời, chúng tôi sẽ phối hợp với các trường học; đài truyền thanh xã tuyên truyền về cách phòng bệnh.

Tương tự, ông Hồ Nguyên Tứ, Trưởng Trạm Y tế xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), cho biết: Ngày 12.9, tôi nhận được thông báo của một trường học trên địa bàn xã có 2 học sinh bị mắt đỏ. Tôi đã tư vấn trường cho các cháu nghỉ học và hướng dẫn phụ huynh chủ động ngăn ngừa lây lan; đồng thời, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tình hình để có biện pháp phòng bệnh sớm.

Dự báo thời gian tới, thời tiết khí hậu nóng ẩm mưa nhiều, mùa mưa đã bắt đầu  là điều kiện thuận lợi cho việc bùng phát và lây lan dịch bệnh mắt đỏ, đặc biệt là việc lây lan dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục. Thời gian tới, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh đau mắt đỏ, ông Nguyễn Văn Trung, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Sở Y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn; tổ chức hướng dẫn triển khai các biện pháp chống lây nhiễm tại nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp và cộng đồng. Các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh cần tổ chức tốt việc tư vấn, điều trị, thông báo kịp thời cho các đơn vị, địa phương có bệnh nhân để triển khai các biện pháp phòng bệnh; chuẩn bị đầy đủ thuốc, không tăng giá thuốc; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện theo đúng quy định của Bộ Y tế…

Bệnh mắt đỏ là một bệnh rất dễ lây lan trong cộng đồng nên thường phát triển thành dịch. Bệnh gặp phổ biến ở nước ta, thường là vào mùa hè và mùa mưa bão. Viêm kết mạc cấp do rất nhiều nguyên nhân: Do vi khuẩn (tụ cầu, liên cầu, trực khuẩn, tạp khuẩn,…), do virút (Adeno virút, virút Herpes,…), do ký sinh trùng… Tuy nhiên, bệnh viêm kết mạc cấp có thể phát triển thành dịch (gọi là dịch đau mắt đỏ) thì nguyên nhân chủ yếu là do virút, hay gặp là virút hạch (Adeno virút). Thời gian ủ bệnh thường kéo dài 3 – 5 ngày.

ÐỖ THẢO

Nguồn Báo Bình Định: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=6&macmp=8&mabb=264791