Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm tăng trưởng chiều cao như suy dinh dưỡng, bệnh lý dị tật bẩm sinh, loạn sản sụn, còi xương, thiếu máu, suy thận mạn, thiếu hormone tăng trưởng…
Thiếu chiều cao do thiếu hormone
10 tuổi nhưng bé N.V.T.D chỉ cao 117 cm (so với chuẩn chiều cao trung bình thì bé D còn thiếu 15cm). Lo lắng con trai thấp lùn chị H (mẹ bé D) đã mua canxi và các loại thực phẩm chức năng tăng chiều cao để cải thiện chiều cao cho con, nhưng tình trạng không cải thiện được gì.
Mỗi năm bé chỉ cao lên được tối đa 3cm. Đến lúc con 10 tuổi, chị H mới bắt đầu thấy lo lắng.
Sau khi, tìm hiểu đã đưa con đến Bệnh viện Đại học Y Dược, TP.HCM khám. Lúc đầu, bác sĩ cho chụp tuổi xương, con chị Hương 10 tuổi hơn mà tuổi xương của bé chỉ mới 7 tuổi. Bác sĩ nghi ngờ bé bị chậm tăng trưởng do thiếu hormone tăng trưởng.
Trẻ chậm tăng trưởng chiều cao được bác sĩ khám, ảnh BVCC.
“Tôi chưa bao giờ nghĩ trên đời lại có loại bệnh như thế và càng không thể tưởng tượng được con mình lại mắc chứng bệnh hiếm gặp này. Đến khi có kết quả chụp MRI và kết quả của các loại xét nghiệm, cả gia đình mới bàng hoàng với kết luận bé bị thiếu hụt hormone tăng trưởng trầm trọng”, chị H nói.
Sau 14 tháng tiêm hormone tăng trưởng, bé đã tăng lên 12cm.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm tăng trưởng chiều cao như suy dinh dưỡng, các bệnh lý dị tật bẩm sinh, loạn sản sụn, còi xương, thiếu máu, suy thận mạn hoặc các bệnh lý nội tiết như suy giáp, thiếu hóc môn tăng trưởng,…
Theo nghiên cứu trên thế giới, tỷ lệ bệnh thiếu hormone tăng trưởng là 1/4000. Bệnh có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải (chấn thương đầu nặng, u não, nhiễm trùng dạng viêm màng não và viêm não), một số khác không xác định được nguyên nhân.
TS BS Trần Quang Nam, Trưởng Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đại học Y Dược, TP.HCM cho biết, việc chẩn đoán và điều trị cho trẻ chậm tăng trưởng chiều cao được chia thành 2 giai đoạn.
Giai đoạn cho những trẻ nhỏ được điều trị chuyên khoa Nội tiết nhi và khi trẻ ở độ tuổi thiếu niên sẽ được điều trị tại chuyên khoa Nội tiết người lớn.
Việc phát hiện sớm, tìm được nguyên nhân, có hướng điều trị đúng và kịp thời sẽ giúp cải thiện quá trình tăng trưởng chiều cao cho trẻ đạt hiệu quả. Để điều trị hiệu quả và cải thiện chiều cao, tốt nhất là bé được phát hiện sớm chậm tăng trưởng do thiếu hormon tăng trưởng khi tuổi còn nhỏ.
Giai đoạn đầu bác sĩ chuyên khoa nội tiết Nhi sẽ chỉ định dùng bổ sung hormon tăng truởng cho bé và theo dõi tới tuổi thiếu niên. Khi bé đã lớn, trong giai đoạn chuyển tiếp thành người lớn bé sẽ được đánh giá lại rối loạn hormon tăng trưởng.
Nếu còn rối loạn bé sẽ được giới thiệu sang các bác sĩ nội tiết người lớn tiếp tục điều trị lâu dài.
Tỉnh táo trước những lời quảng cáo
Theo TS BS Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, Phòng khám Nhi Bệnh viện Đại học Y Dược, TP.HCM, hiện nay một số phụ huynh vì quá lo lắng khi thấy con mình phát triển chậm so với các bạn đồng trang lứa nên đã tự ý mua các loại thực phẩm chức năng này cho trẻ sử dụng.
Một số gia đình còn tin theo lời quảng cáo dùng những loại thực phẩm chức năng giúp trẻ tăng chiều cao “thần kỳ”, nhưng việc cho trẻ sử dụng các loại thực phẩm chức năng mà không có sự tư vấn của các chuyên gia y tế rất dễ dẫn đến việc trẻ bị dư thừa chất.
“Khi theo dõi chiều cao, cân nặng của trẻ, đánh dấu trên biểu đồ tăng trưởng là rất quan trọng. Nếu biểu đồ tăng trưởng đi xuống hoặc đi ngang, hay điểm cân nặng, chiều cao nằm ở kênh thấp nhất, thì cần đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa để phát hiện sớm nguyên nhân và điều trị đúng phác đồ.
Việc điều trị chậm tăng trưởng do thiếu hormone cần phải tuân thủ điều trị tốt, tái khám định kỳ để kịp thời điều chỉnh liều thuốc phù hợp với thể trạng của trẻ, bên cạnh đó trẻ cần được phối hơp các biện pháp khác như dinh dưỡng, vận động thể lực để hỗ trợ quá trình tăng trưởng”, bác sĩ Quỳnh nói.
Các bác sĩ khuyến cáo, việc phụ huynh không tự ý bổ sung canxi hoặc các thực phẩm chức năng, phải đưa trẻ đi khám đúng chuyên khoa để được theo dõi lâu dài theo một bác sĩ chuyên khoa nhất định để trẻ được chẩn đoán đúng và phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.
Trong năm 2018, Bệnh viện Đại học Y Dược, đã thực hiện chương trình tầm soát chậm tăng trưởng của năm 2018 đã tầm soát cho 300 trẻ có chiều cao dưới độ lệch chuẩn hoặc tốc độ tăng trưởng giảm dựa trên các xét nghiệm định hướng nguyên nhân của chậm tăng trưởng.
Sau xét nghiệm sàng lọc nguyên nhân, có 65 bé đã được thực hiện nghiệm pháp vận động, trong đó có 16 bé nằm trong chuẩn thực hiện nghiệm pháp hạ đường huyết bằng insulin hoặc nghiệm pháp kích thích bằng glucagon, sau đó có 05 bé đã được chụp MRI não.
Hiện tại, đang điều trị 04 bé chậm tăng trưởng chiều cao bằng hormone tăng trưởng (trong đó có 3 bé được chẩn đoán mắc bệnh thiếu hormone tăng trưởng đơn độc và 1 bé được chẩn đoán suy tuyến yên).
Chiều cao của trẻ ở tuổi sơ sinh tăng trưởng như thế nào
Bình thường, trẻ sơ sinh có chiều cao trung bình khoảng 50 cm.
Trong năm đầu tiên, trẻ sẽ tăng 25 cm.
Trong 2 năm kế tiếp, mỗi năm trẻ sẽ tăng 10 cm.
Từ 3 tuổi trở lên cho đến lúc dậy thì, mỗi năm trẻ tăng thêm khoảng 5 cm.
Nếu trẻ không đạt được các mốc tăng trưởng về chiều cao theo từng độ tuổi thì được gọi là chậm tăng trưởng chiều cao.