“Ôi tính anh Đức lâu nay thế mà. Kệ anh ấy muốn nói gì thì nói, tôi không quan tâm. Anh ấy cũng rất tâm huyết, có nhiều đóng góp chúng ta cần trân trọng và giúp anh ấy bình tĩnh”.
1. Bầu Hiển cười vang, phát biểu khi được trao đổi về những phát ngôn của bầu Đức hướng về mình. Ông có lý, bởi con đường làm bóng đá mà ông đã chọn dẫu cho không giống như của ông bầu phố Núi, nhưng những gì đang diễn ra cho thấy họ cùng có một đích đến – đưa bóng đá Việt Nam bay cao.
Ngày Công Phượng ký hợp đồng với CLB Bỉ để sang châu Âu thi đấu, người ta nhắc nhiều đến giấc mơ World Cup, bằng con đường đưa cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài, nhất là châu Âu để nâng tầm trình độ. Ngay cả Công Phượng cũng phát biểu: “Tôi muốn mở lối ra châu Âu cho cầu thủ Việt Nam“.
HAGL của bầu Đức rõ ràng có sức hút mạnh mẽ với các CLB nước ngoài, từ Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, cho đến Bỉ, Pháp… Không chỉ ở khía cạnh làm hình ảnh, truyền thông, những Xuân Trường, Công Phượng… đã từng và đang khiến họ thèm muốn ở khía cạnh chuyên môn, cho dù đến bây giờ, những chuyến xuất ngoại của các cầu thủ phố Núi chưa thu được nhiều thành quả về mặt chuyên môn.
Nếu như nâng tầm là yêu cầu bức thiết của nền bóng đá Việt Nam – quốc gia nằm trong “vùng trũng” của bóng đá thế giới, thì đưa các cầu thủ trẻ của mình “ra biển lớn” là con đường rộng nhất để thực hiện được điều đó. Nếu thế, ở hiện tại, nói gì thì nói HAGL của bầu Đức vẫn đang là số 1, bằng bản hợp đồng mang tên Công Phượng đang được người hâm mộ cực kỳ kỳ vọng.
Ở một chỉ số khác, với 9,1 triệu lượt xem trong tháng Sáu vừa qua, HAGL của bầu Đức “vô đối” ở Việt Nam khi vượt qua cả Juventus lẫn Man United trên Youtube. Rõ ràng, sự quan tâm của người hâm mộ Việt Nam dành cho đội bóng phố Núi là cực kỳ lớn. Nhưng trong top 10 những CLB có lượt xem nhiều nhất trên Youtube tháng vừa qua, CLB Hà Nội dù chẳng bằng được HAGL, nhưng cũng xếp thứ 10 trên thế giới.
2. Nếu như HAGL chứng minh được sức hút ghê gớm của mình với người hâm mộ bóng đá Việt Nam, các CLB châu Á và thậm chí là châu Âu, thì ở khía cạnh chuyên môn, CLB Hà Nội của bầu Hiển mới là số một về mặt chuyên môn. Với trận thắng 2-1 trên sân Lạch Tray vừa qua, đội bóng thủ đô chứng minh được rằng mình mới là đội bóng xứng đáng nhất với chức vô địch V.League, chứ chẳng phải là CLB TP.HCM.
U22 Việt Nam tập trung lần này thiếu vắng toàn bộ cầu thủ của CLB Hà Nội – đội bóng luôn chiếm ưu thế ở đội tuyển quốc gia lẫn U23 Việt Nam. Cũng dễ hiểu, bởi trong vòng một tháng tới, đội bóng thủ đô có thể phải thi đấu lên đến 8 trận ở 3 mặt trận, bao gồm V.League, cúp Quốc gia và AFC Cup.
Công Phượng có thể là người mở cánh cửa đưa cầu thủ Việt Nam ra châu Âu, để rồi từ đó mang giấc mơ World Cup về cho bóng đá Việt Nam, nhưng đó là tương lai, còn ở hiện tại, HLV Park Hang-seo phải dựa vào quân của CLB Hà Nội để thực hiện những mục tiêu lớn của mình.
Mất mát lớn nhất ở hiện tại của HLV Park Hang-seo chính là chấn thương của Đình Trọng. Ở King’s Cup 2019, với sự thiếu vắng Đình Trọng, hàng thủ của đội tuyển Việt Nam lộ ra khá nhiều lỗ hổng để đối thủ khai thác. Ở đó, trung vệ Bùi Tiến Dũng hay đội trưởng Quế Ngọc Hải trở nên cực kỳ mong manh khi thiếu vắng trung vệ số một Việt Nam bên cạnh.
Tương tự, ở vòng loại U23 châu Á 2020, dẫu đang chấn thương, Đình Trọng vẫn phải nén cơn đau để ra sân, góp công lớn đem về chiếc vé vào VCK cho U23 Việt Nam, trong đó có trận thắng tưng bừng 4-0 trước đại kình địch Thái Lan.
Tương tự thế, không khó để hình dung đội tuyển Việt Nam sẽ thực hiện mục tiêu lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022, cũng như U22 Việt Nam sẽ chinh phục chức vô địch SEA Games 2019, cũng như chiếc vé đến Olympic Tokyo thế nào nếu thiếu Quang Hải – linh hồn của những đội tuyển dưới tay HLV Park Hang-seo.
HAGL có được nền tảng đào tạo rất tốt và đồng bộ, được khởi động từ hơn 10 năm về trước, cùng sự quan tâm sát sao của bầu Đức, trong khi đó ở CLB Hà Nội, các cầu thủ trẻ nhận được sự hỗ trợ cực kỳ lớn từ các cầu thủ kỳ cựu. Với sự trở lại của Văn Quyết, cũng như Thành Lương được tung vào sân mỗi khi đội gặp bế tắc, Hà Nội đang tiến phăm phăm trên con đường chinh phục mùa giải này.
Sự hỗ trợ của các đàn anh, cũng như môi trường cạnh tranh quyết liệt ở CLB Hà Nội khiến các cầu thủ trẻ của họ tiến bộ cực nhanh, làm quen với các áp lực, từ đó có được tâm lý thi đấu cực kỳ thoải mái khi phải va chạm với các đội bóng mạnh của châu lục.
Bầu Đức và bầu Hiển đang là bóng đá theo hai cách rất khác nhau. Thoạt trông, nó mâu thuẫn nhau như nước với lửa, nhưng kỳ thực, dưới sự dung hòa mang tên Park Hang-seo, nó là sự kết hợp, bổ trợ lẫn nhau khá nhịp nhàng, để rồi tạo nên một đội tuyển mạnh cả chuyên môn lẫn tinh thần, đầy nhiệt huyết và không thiếu sự khôn ngoan, lọc lõi dù tuổi đời còn khá trẻ.
Bầu Đức và bầu Hiển, ai cũng có thế mạnh và con đường của riêng mình. Thế thì tại sao bắt họ phải giống nhau. Cũng chẳng cần mong họ sẽ ngồi lại để “bằng mặt” với nhau, bởi bầu Đức sẽ luôn là “số một”, còn bầu Hiển vẫn sẽ lặng lẽ làm “cột chống trời” cho HLV Park Hang-seo. Thế là đủ rồi, phải không?