Cô giáo Nguyễn Thị Phương Thuỷ bắt học sinh tát bạn 231 cái phải nhập viện vì bị cho là nói bậy.
Trong “đội bóng ác mộng năm 2018”, hậu vệ cánh có tên “Bạo lực học đường” đã gây quá nhiều tội lỗi.
Quỳ gối, tát má, uống nước giặt giẻ lau… là những từ khóa xuất hiện thành chuỗi nổi bật trong nhà trường năm 2018.
Cuối tháng 1, ở Long An, một cô giáo tiểu học bắt học sinh quỳ gối đã “lĩnh” ngay sự trừng phạt của phụ huynh với yêu cầu tương tự.
Đến tháng 3, một phụ huynh ở Nghệ An cũng lao vào trường bắt cô giáo mầm non đang mang thai phải quỳ gối do nghi ngờ đánh con mình.
“Bạo lực học đường” xứng đáng nằm trong top các “cầu thủ gây ác mộng” trên sân bóng trong năm 2018.
Đầu tháng 4, tại Hải Phòng, một cô giáo trẻ đã bắt học sinh lớp 3 uống nước giặt giẻ lau bảng. Sau ngày 20/11, sự kiện rúng động “231 cái tát” đã xảy ra ở Quảng Bình: Cô giáo “chỉ đạo” cả lớp tát một học sinh lớp 6 tới mức phải nhập viện vì bị cho là nói bậy. Chưa kịp nguôi ngoai, ở Hà Nội lại nổi lên vụ cô giáo để trẻ lớp 2 tát bạn.
Học sinh Phương Anh bị cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương ép uống nước giẻ lau bảng do học sinh này nói chuyện riêng.
Trước đó, ở TP.HCM có phụ huynh cũng tố cáo giáo viên bắt học sinh lớp 5 tát bạn. Đó là chưa kể tới các vụ bạo lực học đường khác như đánh trẻ mầm non ở Nghệ An, Đà Nẵng, TP.HCM.
Một vụ bạo hành tốn nhiều giấy mực của báo chí và quan tâm của dư luận khác – là trường hợp cô giáo dạy toán ở một trường THPT thuộc huyện Nhà Bè, TP HCM không nói gì trong 3 tháng với học sinh. Sự việc chỉ vỡ lở khi một em học sinh lớp 11 phản ánh trong buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo ngành với học sinh tiêu biểu.
Xen giữa những vụ tát, quỳ… là những sự vụ giáo viên bị học trò hoặc phụ huynh uy hiếp: Nam sinh Bến Tre nhục mạ và bóp cổ cô giáo trước mặt cả lớp; nam sinh Quảng Bình đâm thủng bụng thầy giáo.
TS Vũ Thu Hương, giảng viên Khoa Tâm lý Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Đầu tháng 12, một nữ phụ huynh vào tận trường học ở Bạc Liêu chửi mắng và quay clip đăng Facebook xúc phạm thầy giáo vì cái quần của con gái bị mất…
Sau mỗi sự kiện, cách xử lý thường thấy là kỷ luật người liên quan, nặng nhất là cách chức hiệu trưởng hay khai trừ Đảng với phụ huynh. Có một số vụ việc được hòa giải… bằng xin lỗi.
Giới phân tích mổ xẻ nguyên nhân từ nhiều phía: Do trình độ, năng lực và cả hoàn cảnh, tính cách cá nhân của giáo viên; do áp lực mặt trái của “bệnh thành tích”; do thiếu vắng vai trò của tâm lý học đường; hay sâu xa hơn là hệ quả của nền giáo dục một chiều độc đoán…
Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.
Một nhà tâm lý giáo dục cho biết bạo hành học đường không chỉ là những hiện tượng xúc phạm thân thể học sinh. Xét ở góc độ này, thì những lớp học sĩ số 50 – 70 em trong một không gian chật hẹp luôn phải giữ im lặng; hay vòng xoáy vắt kiệt sức trẻ từ những ca học thêm bất tận, những đợt thi cử quay cuồng… cũng mang dáng dấp “bạo hành” gây ít nhiều di chứng.
Do đó, xử lý và giảm thiểu các hành vi này không chỉ dừng lại ở những chuyến thăm viếng, quyết định “xử lý nghiêm”. Muốn chữa lành, phải truy về nguồn gốc của “căn bệnh”. Đó là quan niệm con người và giáo dục là gì, hay nói khác là định vị triết lý đúng đắn để thiết lập đường đi bền vững cho hành trình giáo dục.