Huawei có vai trò chủ chốt trong sáng kiến hiện đại hóa công nghiệp Made in China 2025, mục tiêu mà các diều hâu ở Nhà Trắng nhắm đến.
Kỷ niệm thương đau với Bắc Kinh
Reuters đưa tin, Giám đốc tài chính (CFO) Mạnh Vãn Châu của Huawei bị bắt để nhằm điều tra cáo buộc công ty này đã sử dụng hệ thống ngân hàng toàn cầu để vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran.
Mạnh Vãn Châu, con gái của nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, và nhậm chức CFO từ năm 2011. Là một nhân vật có tiếng tăm trong công ty, Mạnh Vãn Châu được xem là người kế nghiệp cha trong tương lai.
Vụ bắt giữ này được truyền thông Trung Quốc mô tả là một vụ “bắt cóc”, “phá vỡ bầu không khí hòa giải đã được xây dựng trong cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tuần trước”.
Lĩnh vực công nghệ ngay lập tức bị đẩy ra tuyến đầu trong cuộc đàm phán kéo dài 90 ngày giữa 2 nước.
Với Bắc Kinh, vụ việc này nhắc lại lệnh trừng phạt không mấy dễ chịu của Mỹ đối với ZTE hồi tháng 4.
Nhà sản xuất thiết bị viễn thông bị cấm làm ăn với các nhà cung cấp Mỹ, cấm tiếp cận các loại chip điện tử và thành phần quan trọng, đẩy công ty đến bờ vực phá sản.
Tình trạng này chỉ được giải quyết vào tháng 7 sau một cú điện đàm trực tiếp giữa ông Tập Cận Bình và người đồng cấp phía Mỹ.
“Trái tim” của Made in China 2025
Hậu quả của lệnh cấm tương tự với Huawei có thể còn khắc nghiệt hơn. Huawei là công ty tư nhân có lợi nhuận lớn nhất của Trung Quốc, với lượng bán gấp 5 lần ZTE và là nhà xuất khẩu lớn nhất của nội địa.
Huawei dẫn đầu thế giới trong các ứng dụng có bằng sáng chế thế giới vào năm ngoái, theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới. Huawei là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ nhì thế giới, chỉ sau Samsung Electronics.
Tuy nhiên, việc nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi từng phục vụ trong quân đội là nguyên nhân gây ra quan ngại ở nhiều quốc gia. Ông Nhậm được cho là quản lý công nghệ truyền thông trong quân đội trước khi thành lập công ty vào năm 1987.
Huawei có vai trò chủ chốt trong sáng kiến hiện đại hóa công nghiệp Made in China 2025, mục tiêu mà các diều hâu ở Nhà Trắng nhắm đến.
Công ty này có vị trí trung tâm trong nỗ lực ứng dụng dịch vụ không dây thế hệ thứ 5 (5G). Hệ thống 5G có vai trò sống còn trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ ô tô tự lái và Washington xem kế hoạch này của Bắc Kinh là một mối đe dọa.
Một ủy ban cố vấn Quốc hội Mỹ tháng trước cảnh báo, Bắc Kinh có thể thu thập các thông tin của Mỹ dễ dàng hơn nếu nước này đi đầu thiết lập được tiêu chuẩn không dây quốc tế.
Để cho Huawei nổi lên sẽ tiếp tục củng cố chiến lược quân sự của Trung Quốc và để ngỏ khả năng tấn công mạng, ủy ban này cho hay.
Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ cũng đang tiến hành các bước để chặn việc cung cấp các thiết bị truyền thông và camera giám sát cho các cơ quan chính phủ Mỹ từ 5 công ty công nghệ của Trung Quốc là Huawei, ZTE, Hangzhou Hikvision Digital Technology, Dahua Technology và Hytera Communications.
Bước thứ 2, Washington sẽ cấm các công ty trên khắp thế giới kinh doanh với các cơ quan chính phủ Mỹ nếu họ sử dụng các sản phẩm từ 5 công ty trên của Trung Quốc. Chính sách này sẽ có hiệu lực vào ngày 13/8/2020.
Kế hoạch Made in China 2025 của Bắc Kinh bắt nguồn từ mối lo ngại về việc tiếp tục phụ thuộc vào nguồn nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao. Trung Quốc hiện mua khoảng 70% chất bán dẫn từ các thị trường như Mỹ và Đài Loan.
Nếu Huawei bị chặn đường tiếp cận với các nhà cung cấp linh kiện ở nước ngoài, công ty này có thể buộc phải ngừng sản xuất, hứng chịu một đòn chí tử.
Tuy nhiên, Huawei có quan hệ kinh doanh mật thiết với các công ty Mỹ. Nhập khẩu bán dẫn của công ty này gấp khoảng 6 lần so với ZTE, bao gồm 1,8 tỷ USD từ Qualcomm và 700 triệu USD từ Intel. Nếu chính quyền Trump áp đặt lệnh cấm kiểu ZTE đối với Huawei, các công ty Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Kế hoạch Made in China 2025 được công bố vào năm 2015 với mục tiêu biến Trung Quốc thành siêu cường quốc chế tạo trên thế giới.
Kế hoạch này bao gồm toàn bộ những lĩnh vực như: Robot, tự động hóa, công nghệ sinh học, hàng không vũ trụ, phương tiện sử dụng năng lượng thay thế (xe điện), vận chuyển cao cấp, thiết bị đường sắt tiên tiến, thiết bị điện và vật liệu mới (năng lượng mặt trời), phần mềm và công nghệ thông tin thế hệ mới, thiết bị viễn thông cũng như các máy móc nông nghiệp.
Trung Quốc còn có chiến lược phát triển riêng cho trí tuệ nhân tạo được phát hành vào năm 2017, mục tiêu biến Trung Quốc trở thành trung tâm đột phá công nghệ AI của thế giới vào năm 2030.
Những kế hoạch này rất táo bạo vì chúng không nhắm đến việc đưa các nhà sản xuất nội địa thống trị thị trường trong nước, mà chúng nhắm tới việc đưa Trung Quốc thống trị toàn thế giới.