Bà Nguyễn Hương – Tổng Giám đốc CTCP Bất động sản Đại Phúc Land
Với nhiều bất ổn từ điều kiện khách quan lẫn chủ quan, thị trường bất động sản Việt Nam trong khoảng 2 năm gần đây bước đi khá gian nan. Và theo nhiều chuyên gia, trong năm 2020, nó sẽ tiếp tục công cuộc sàn lọc khắc nghiệt. Thế nên, hiện tại, ‘bất động sản là cuộc chơi không dành cho người yếu tim’.
Mặc dù trong 2 năm gần đây, nhờ sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan nhà nước cùng những kinh nghiệm trong quá khứ, thị trường bất động sản Việt Nam đã giữ cho mình không lâm vào tình trạng ‘vỡ bong bóng’ theo quy luật “5 năm 1 lần” như trước đây.
Dù vậy, bất động sản không còn là miếng bánh thơm ngon, đầu tư là trúng đậm như trước nữa, lĩnh vực này đang ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Theo một thống kê của CBRE, trong 9 tháng đầu năm 2019, tại TP. HCM, tổng số sản phẩm chào bán ra thị trường đạt 21.691 căn, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu vào con số này, thỉ chỉ riêng dự án Vinhomes Grand Park đã chiếm 46% trên tổng số căn hộ chào bán, số còn lại thuộc 20 dự án khác. Con số này thấp hơn rất nhiều so với 38 dự án được chào bán trong 9 tháng đầu năm 2018.
Còn theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA), thì 2019 là năm chẳng lấy gì làm tươi sáng đối với lĩnh vực bất động sản.
Số liệu từ Bộ xây dựng cho biết, trong năm 2019 đã có tổng cộng 83.000 giao dịch trên thị trường bất động sản ở các thành phố lớn, giảm 20% so với năm 2018, số doanh nghiệp bất động sản giải thể khoảng 686, dừng hoạt động khoảng gần 600. Theo đó, bất động sản là lĩnh vực có doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động đứng đầu trong các ngành nghề ở năm 2019.
Bên cạnh đó, trong năm 2019, có 120 dự án phải dừng thi công, 158 dự án có dính líu tới đất công và bị rà soát, thậm chí có vụ việc còn đưa ra tòa. Do cung ít hơn cầu, nhất là ở phân khúc dân dụng trung cấp, nên giá bất động sản phẩm vẫn tăng đều. Ngược lại, mảng condotel và bất động sản cao cấp, cung vượt hơn cầu.
“Thị trường bất động sản đã có vấn đề từ năm 2015, nhưng do độ trễ, hậu quả của nó đã thể hiện rõ nét trong năm 2018 – 2019 và có thể tác động đến những năm tiếp theo. Tôi hy vọng, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ thực hiện tốt hơn nữa cam kết công bằng với tất cả và tiếp tục cải cách pháp chế, quy trình thủ tục hành chính và cả con người hành chính“, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM
Hoàn toàn đồng tình với nhận định của ông Lê Hoàng Châu, bà Nguyễn Hương – Tổng Giám đốc CTCP Bất động sản Đại Phúc Land, khái quát: năm 2019 là một năm trầm lắng của thị trường bất động sản, với rất nhiều điểm nghẽn và lệch pha cung cầu nghiêm trọng, khiến giá tăng mà thanh khoản lại giảm.
“Thế nên, hiện tại và trong tương lai, bất động sản là cuộc chơi không dành cho người yếu tim. Bởi, ngoài đầu tư dài hạn, những kiểu đầu tư ngắn hạn khác – như ‘lướt sóng’ có rủi ro rất lớn. Thị trường sẽ tiếp tục quá trình sàn lọc khắc nghiệt trong quá trình doanh nghiệp/tư nhân đầu tư“, bà Nguyễn Hương khẳng định.
Để tồn tại trong hoàn cảnh khó khăn như thế này, doanh nghiệp bất động sản phải thật sự tỉnh táo khi quyết định cơ cấu nguồn vốn đầu tư. Dù như thế nào, doanh nghiệp cũng nên quan tâm đặc biệt đên nhu cầu nhà ở – bởi người tăng nhưng đất không bao giờ tăng. Mỗi năm, người dân ở 2 thành phố lớn là TP. HCM và Hà Nội cần khoảng từ 4 triệu – 5 triệu m2 sàn nhà ở.
Thế nên, khi đầu tư, doanh nghiệp cần chia ra đâu là đầu tư ngắn hạn, đâu là dài hạn và nên cân bằng giữa nhu cầu ở và nhu cầu đầu tư của người dân. Nếu chúng ta đầu tư từ 70% đến 80% vốn vào các sản phẩm dành cho sản phẩm đầu tư, khi thị trường có vấn đề gì, doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Cũng theo bà, nếu doanh nghiệp muốn mạo hiểm, cao lắm vẫn nên là 50% cho nhu cầu nhà ở thực sự và 50% cho nhu cầu đầu tư.
Đại Phúc Land đang phát triển theo chiến lược đó, bằng cách đầu tư xây dựng các khu đô thị lớn, nên trong 5 đến 10 năm tới, Đại Phúc Land sẽ không chịu quá nhiều tác động từ bên ngoài.
“Năm 2020, theo tôi, thị trường sẽ có nhiều gam màu u tối xen lẫn tươi sáng, nên các chủ thể tham gia vào ngành bất động sản phải cẩn trọng hơn. Doanh nghiệp trong ngành bất động sản cần có trách nhiệm – hành động để có giải pháp ứng phó phù hợp với thị trường đầy biến động, tập trung đầu tư vào những sản phẩm bắt nhịp nhu cầu của người dân, xây dựng hệ thống nhân sự tốt hơn”, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land đề nghị.
Đặc biệt, bà muốn nhận được những thông điệp mạnh mẽ hơn từ Nhà nước về ngành bất động sản, để doanh nghiệp có niềm tin vào thị trường trong trung và dài hạn; giúp doanh nghiệp tự tin hoạch định chiến lược phát triển trong 5 đến 10 năm. Để mỗi cuối năm, các doanh nghiệp bất động sản không phải ngồi lại, tự đặt câu hỏi đầy hoang mang: Thị trường trong năm tới sẽ như thế nào?!
Quỳnh Như , theo Trí Thức Trẻ