Hệ thống đường sắt trên cầu Long Biên trở thành điểm thu hút nhiều người đến chụp ảnh. Với hàng chục chuyến tàu hỏa chạy qua mỗi ngày, hành vi này vi phạm Luật Đường sắt, gây nguy hiểm đến tính mạng của chính người chụp ảnh và hành khách đi tàu.
Cầu Long Biên từ lâu nay là một công trình biểu tượng của Thủ đô với kiến trúc cổ kính cùng tuyến đường sắt chạy qua, trở thành một địa điểm du lịch.
Có lẽ vì thế mà nhiều bạn trẻ hay các cặp đôi chụp ảnh cưới muốn lưu giữ những bức ảnh đẹp trên cây cầu này. Vào những ngày thời tiết đẹp, đặc biệt là vào mùa cưới, số lượng người đến chụp ảnh tại cầu Long Biên rất đông.
Để có những bức ảnh ấn tượng, bên cạnh việc đứng chụp ảnh ở chân cầu, phần đường dành cho người đi bộ, nhiều người sẵn sàng trèo qua thành cầu vào giữa hệ thống đường ray xe lửa để chụp ảnh, dù việc di chuyển trên đường ray không hề dễ dàng, rất dễ hụt chân rơi xuống dưới.
Không khó để bắt gặp từng nhóm người trèo qua lan can vào đường ray chụp ảnh. Khi đi trên cầu, tàu chạy chậm hơn nên tiếng động phát ra nhỏ. Do đó, chỉ khi tàu đến gần, người chụp ảnh mới để ý, vội vàng tránh tàu, rất nguy hiểm.
Nhóm người thản nhiên trèo lan can vào đường ray tàu hỏa trên cầu Long Biên để chụp ảnh.
Bất chấp nguy hiểm để chụp những tấm ảnh.
Khoản 10, Điều 9 Luật Đường sắt quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đường sắt, nêu rõ: Nghiêm cấm “đi, đứng, nằm, ngồi hoặc hành vi khác trên đường sắt, trừ nhân viên đường sắt, lực lượng chức năng đang thi hành nhiệm vụ”.
Chỉ sơ suất nhỏ, người dân có thể sẽ gặp nguy hiểm vì phía dưới chân là sông Hồng.
Hằng ngày có nhiều chuyến tàu chạy qua đây, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn.
Nhưng khi tàu vừa rời đi nhóm người này lại chui lan can vào trong chụp ảnh.
Được biết, đơn vị quản lý, bảo vệ đường sắt cầu Long Biên đã thường xuyên nhắc nhở người dân không được chụp ảnh trên cầu, nhưng tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra.
Không chỉ mất an toàn giao thông, người dân còn gặp nguy hiểm khi cầu Long Biên đầy rẫy những kim tiêm còn dính máu do các con nghiện để lại.