Tranh dân gian Đông Hồ từng là một trong những sản phẩm văn hóa đại diện cho di sản dân tộc Việt Nam sớm được xuất khẩu ra nước ngoài. Điều đó cho thấy giá trị nghệ thuật độc đáo và cả ý nghĩa về mặt kinh tế toàn cầu của dòng tranh này. Hiện nay, một vấn đề đang được cộng đồng và nghệ nhân làng nghề đặc biệt quan tâm là làm thế nào để bảo vệ và giúp nghề làm tranh dân gian Đông Hồ tiếp tục phát triển trong đời sống đương đại?
Với người làng Mái – Đông Hồ (Song Hồ, Thuận Thành), nghề làm tranh từng là một kế sinh nhai, thể hiện bản sắc văn hóa và tập quán xã hội của cộng đồng, được trao truyền từ đời này qua đời khác. Trước những khó khăn thách thức và biến động của nền kinh tế thị trường, để bảo vệ và phát huy nghề làm tranh Đông Hồ, thời gian qua, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, những nhà quản lý, nghiên cứu và nghệ nhân đã chung sức đồng lòng, nỗ lực bằng nhiều giải pháp, trong đó nghiên cứu, đánh giá, phân tích thực trạng bảo tồn nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực gây ảnh hưởng mai một dòng tranh; đưa tranh Đông Hồ đến gần hơn với công chúng với sự lồng ghép các yếu tố xưa và nay; sáng tạo mẫu mã sản phẩm mới đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ cũng như nhu cầu thưởng thức của công chúng đương đại…
Dẫu vậy, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ vẫn đang đối mặt với những thách thức không nhỏ mà nổi bật là sự thu hẹp của thị trường tiêu thụ sản phẩm và nguy cơ mai một của thế hệ nghệ nhân cao tuổi. Đông Hồ xưa kia có 17 dòng họ cùng tham gia sản xuất tranh thì nay chỉ còn 3 dòng họ giữ được nghề của cha ông với khoảng 30 người trực tiếp tham gia vào hoạt động làm tranh. Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Oanh (làng tranh Đông Hồ) cho biết, vì yêu và trân trọng nếp nghề của cha ông nên các nghệ nhân cố gắng gìn giữ chứ không nghĩ đến làm giàu được từ nghề. Muốn bảo tồn bền vững nghề thì điều quan trọng nhất là phải có thị trường đầu ra, tranh phải bán được, nghề làm tranh phải nuôi sống được nghệ nhân và gia đình…
Khách quốc tế tham quan và trải nghiệm làm tranh Đông Hồ.
Việc bảo vệ và phát triển nghề làm tranh dân gian Đông Hồ hiện nay là việc vô cùng cần thiết và cấp bách đối với các cơ quan quản lý, cộng đồng và nghệ nhân. Điều này không chỉ có ý nghĩa lớn trong việc bảo vệ, phục hồi một nghề thủ công truyền thống đặc sắc và phát huy một dòng tranh mang “hồn dân tộc” của người Việt, mà còn góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ kho tàng di sản của các cộng đồng dân tộc ở Việt Nam cũng như của nhân loại.
Đầu tháng 4 vừa qua tại Chương trình khám phá vẻ đẹp Bắc Ninh trong “Ngày tìm hiểu về Việt Nam năm 2023” do Bộ Ngoại giao phối hợp UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức với sự tham gia của gần 150 đại biểu quan khách ngoại giao trong nước và quốc tế, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam vui mừng thông báo: Tháng 3-2020, Việt Nam đã đệ trình UNESCO hồ sơ “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” để được xem xét ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp và dự kiến sẽ được xem xét tại Kỳ họp lần thứ 19 của Ủy ban liên chính phủ Công ước UNECO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2024.
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bắc Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn mong muốn: Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, bằng uy tín ngoại giao giúp tỉnh Bắc Ninh thúc đẩy, vận động UNESCO xem xét để đưa “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” vào Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại trong năm 2024.
Du khách quốc tế tham quan Trung tâm Bảo tồn tranh Đông Hồ (ở phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành).
Bày tỏ ấn tượng trước những giá trị và vẻ đẹp độc đáo của di sản tranh Đông Hồ, đồng thời cam kết ủng hộ đối với quyết tâm bảo vệ nghề làm tranh của Việt Nam và Bắc Ninh, ngài Saadi Salama, Đại sứ Nhà nước Palestine tại Việt Nam bày tỏ: “Với cương vị là Đại sứ của Nhà nước Palestine tại Việt Nam và thành viên UNESCO, chúng tôi cam kết ủng hộ những đề nghị của Việt Nam để Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ sớm được UNESCO xem xét đưa vào Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”.
Ra đời và kết tinh giữa vùng văn hiến Kinh Bắc, tranh Đông Hồ hội tụ được tâm thức ngàn năm của người Việt chất phác, đáng yêu với những ước vọng nho nhỏ quanh cuộc sống bình dị. Tranh dân gian Đông Hồ chính là phương tiện để những người nông dân một nắng hai sương nhưng rất đỗi lạc quan yêu đời, miêu tả cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của mình và cũng là phương thức để giao cảm với thần linh, thể hiện đời sống tín ngưỡng.
Giới chuyên môn nhận định, muốn làm sống dậy, hồi sinh nghề làm tranh Đông Hồ trong đời sống đương đại là câu chuyện khó, không thể một sớm một chiều. Ngoài sự vào cuộc của Nhà nước, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, sự tâm huyết của nghệ nhân thì việc huy động các hoạt động xã hội hóa cũng là việc làm cần thiết để việc hồi sinh tranh dân gian thêm hiệu quả và bền vững. Trong đó, việc cần làm và nên làm hiện nay là gìn giữ, khơi lại truyền thống chơi tranh của người Việt, khuyến khích người Việt không chỉ chơi tranh hiện đại mà còn quay trở lại với thẩm mỹ dân gian truyền thống để làm phong phú thêm đời sống tinh thần.