Cơn bão được dự báo đang mạnh dần lên gây mưa lớn trên diện rộng, nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Trung Bộ và Nam Tây Nguyên.
Sáng 23/11, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện về việc ứng phó, phòng chồng thiên tai trước diễn biến cơn bão số 9.
Trước đó, do ảnh hưởng của bão số 8, một số tỉnh Nam Trung Bộ đã xảy ra mưa lớn, sạt lở đất gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản của nhân dân, nhất là tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Hôm qua, một áp thấp nhiệt đới mới trên biển Đông đã mạnh lên thành bão số 9 và đang di chuyển hướng về khu vực quần đảo Trường Sa và đất liền nước ta.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, sáng nay, vị trí tâm bão ở 10,9 độ vĩ Bắc và 113 độ kinh Đông, khu vực Tây Bắc quần đảo Trường Sa, cách đất liền từ Bình Thuận đến Bà Rịa Vũng Tàu 450km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Bán kinh gió giật cấp 6, mạnh cấp 8 khoảng 100km tính từ tâm bão.
Cơn bão số 9 đang hình thành trên biển và tiến vào đất liền.
Dự báo bão số 9 sẽ mạnh thêm trong 24 giờ tới, vùng tâm bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp và đổ bộ vào khu vực các tỉnh Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 9-10, giật cấp 11-12 và gây mưa lớn trên diện rộng, nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Trung Bộ và Nam Tây Nguyên.
Cơn bão số 9 được nhận định cường độ mạnh, do tác động của không khí lạnh diễn biến của bão còn rất phức tạp, hướng di chuyển, cường độ, phạm vi ảnh hưởng của bão có thể còn có những thay đổi.
Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do bão số 9 và mưa lũ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của bão, mưa lũ tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến, kịp thời chỉ đạo, triển khai các phương án ứng phó.
Đối với khu vực ven biển, đồng bằng và đô thị, khẩn trương rà soát phương án sơ tán, di dời dân cư, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là tại các khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ ngập sâu do nước biển dâng, sóng, gió lớn, sạt lở, trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, khu vực gần các cột tháp cao, các nhà không bảo đảm an toàn. Kiên quyết không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản khi bão đổ bộ vào.
Cảnh báo gió mạnh: Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với rìa phía Tây hoàn lưu bão số 9, ở vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8, từ đêm nay (23/11) gió mạnh dần lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9-10, giật cấp 12. Biển động rất mạnh. Sóng trên biển vùng gần tâm bão cao 4-6m, vùng gần bờ cao 3-5m.
Cảnh báo mưa lớn: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 kết hợp với không khí lạnh, từ ngày 23-26/11 ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận và Nam Tây Nguyên có mưa rất to (300-500mm/đợt); Bắc Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa to (100-200mm/đợt).
Cảnh báo lũ: Từ ngày 24-27/11, trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Nam và khu vực Tây Nguyên khả năng ở mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2; các sông từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận ở mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên.