Bão số 3:Lũ lớn cuốn trôi 2 em nhỏ ở Điện Biên, nhiều người mất tích ở Thanh Hóa

Mưa lũ lớn tại Thanh Hóa.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, đến chiều 4/8 mưa lũ đã làm 2 cháu nhỏ ở Điện Biên tử vong và ít nhất 3 người tử vong cùng nhiều người khác vẫn đang mất tích tại Thanh Hóa.

Tại Điện Biên: theo thông tin bước đầu của UBND huyện Điện Biên Đông (Điện Biên), do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn huyện đã có mưa lớn dẫn đến nước lũ dâng cao.

Khoảng 16 giờ ngày 3/8, cháu Lò Văn Thuận (5 tuổi) trú tại bản Cảnh Lay, xã Phình Giàng trên đường đi chơi về, khi rửa chân ở suối đã không may bị lũ ống bất ngờ ập về cuốn trôi.

Thấy bạn bị lũ cuốn, cháu Lò Văn Nghị (9 tuổi) trú cùng bản tìm cách cứu cháu Thuận cũng bị lũ cuốn đi.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Điện Biên Đông đã huy động lực lượng, cử cán bộ tới hiện trường, phối hợp với chính quyền và các lực lượng địa phương tìm kiếm các nạn nhân.

Đến 6 giờ ngày 4/8, lực lượng cứu hộ cứu nạn đã tìm thấy thi thể của cháu Lò Văn Nghị còn cháu Thuận vẫn chưa thấy tung tích.

Ngoài ra, rạng sáng nay, công trình ngầm Nà Khoa bắc qua suối Nậm Pồ (thuộc địa phận xã Nà Khoa, Nậm Pồ) đã bị nước lũ cuốn trôi một phần nên giao thông từ trung tâm huyện đến các xã: Nà Khoa, Nậm Nhừ, Na Cô Sa tạm thời bị gián đoạn.

Tại tỉnh Thanh Hóa, đến 16h ngày 4/8 theo lãnh đạo tỉnh cho biết, chiều nay, các đơn vị chức năng và quân đội đã đi bộ vào tiếp cận được hiện trường nơi xảy ra lũ quét tại bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn.

Hiện, cơ quan chức năng đã tìm được 1 nạn nhân trong số 12 nạn nhân mất tíc, hiện còn 11 nạn nhân chưa có thông tin.

Lũ lớn do mưa bão số 3 cuốn trôi 2 em nhỏ ở Điện Biên, mới tìm được 1 thi thể - Ảnh 2.

Lực lượng cứu hộ, cứu nạn tiếp cận đưa nạn nhân ở bản Sa Ná đi cấp cứu.

Bước đầu, cơ quan chức năng xác định, những người này trú tránh tại nhà văn hoá của bản bị cuốn trôi khi mưa lũ. Khả năng cao các nạn nhân đã bị vùi lấp sâu nên phải chờ huy động máy xúc lên.

Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã huy động 2 máy xúc nhưng do địa hình vào còn rất khó khăn nên trong ngày mai mới tới nơi.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, Thanh Hóa đang trải qua đợt ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ sau bão số 3, đặc biệt là tại các huyện miền núi Mường Lát, Quan Sơn, Thanh Hóa.

Mưa lũ đã làm ít nhất 3 người tử vong, hàng chục người khác bị mất liên lạc; nhiều nhà cửa, tài sản, cây trồng bị cuốn trôi, vùi lấp; một số tuyến đường ở khu vực miền núi vẫn bị sạt lở, chia cắt; nhiều bản làng bị cô lập do nước lũ.

Theo dự báo, trong đêm nay và ngày mai (5/8), ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông (tổng lượng mưa phổ biến 20-50mm/24 giờ).

Riêng khu vực vùng núi và trung du chịu ảnh hưởng kết hợp của đới gió đông nam rìa tây nam áp cao cận nhiệt đới nên có mưa vừa đến mưa to, đêm có nơi mưa rất to (lượng mưa phổ biến 40-80mm/24 giờ, có nơi trên 120mm).

Tại Hà Nội: theo báo cáo của Công ty thoát nước, do mực nước trên sông Nhuệ cao và trạm bơm Yên Nghĩa chỉ vận hành được từ 3 đến 4 tổ máy nên vẫn còn úng ngập tại hầm chui dân sinh số 3, 5, 6 Đại lộ Thăng Long.

Lũ lớn do mưa bão số 3 cuốn trôi 2 em nhỏ ở Điện Biên, mới tìm được 1 thi thể - Ảnh 3.

Nước vẫn đang ngập ở một số đoạn trên đại lộ Thăng Long.

Để thoát nước ở những điểm này, Công ty Thoát nước Hà Nội đang triển khai lực lượng, thiết bị bơm cưỡng bức.

Mưa lớn trong những ngày qua đã khiến ít nhất 885ha cây trồng (lúa, hoa màu) thuộc các huyện, thị xã ngoại thành bị ngập úng. Trong đó, thiệt hại nặng nhất là tại huyện Hoài Đức với 400ha, tiếp đến là Gia Lâm 73ha, Phúc Thọ 130ha, Mê Linh 65ha, Bắc Từ Liêm 43,8ha, Chương Mỹ 38ha…

Đáng chú ý, sau sự cố sạt lở đê hữu Hồng tại xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận thêm 2 sự cố đê điều tại mái đê hạ lưu sông Hồng thuộc huyện Phú Xuyên, nâng tổng số sự cố đê điều lên con số 3. Đây là 2 vị trí đã xuất hiện sạt lở vào năm 2016 – 2017.

Cụ thể, tại vị trí K10+170: Cung sạt dài 12m dọc theo đê, cao trình đỉnh cung sạt cao +8,5m, cao trình đỉnh đê +11,15m, cao trình chân cung sạt +7m. Và tại vị trí K102+210: Cung sạt dài 11m dọc thân đê. Cao trình đỉnh cung sạt +9,5m. Cao trình đỉnh đê +11,15m. Cao trình chân cung sạt +7m.

Cũng theo thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội, do ảnh hưởng của bão số 3 đã có hơn 50 cây xanh trên địa bàn thành phố bị gãy đổ.

Cây bị gẫy đổ trên địa bàn thành phố do ảnh hưởng của cơn bão số 3, có đường kính từ 15 đến 50 cm phần lớn mới được trồng từ vài năm, song cũng có cây đã vài chục năm cũng bị đổ, gẫy.

Cây xanh bị gẫy, đổ rải rác tại nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội như tuyến phố Lý Nam Đế, Lê Duẩn, Nguyễn Thái Học, Phan Đình Phùng…