Ảnh minh họa. Nguồn: defense.gov
Năng lực tác chiến điện tử của Nga đã được hồi sinh một cách ấn tượng sau những kinh nghiệm tác chiến ở Ukraine và Syria.
Bước nhảy vọt ấn tượng
Trang mạng Strategy Page của Mỹ đăng bài viết cho biết, Nga đã công khai một số bước tiến của nước này trong lĩnh vực tác chiến điện tử (EW) khoảng 5 năm trở lại đây. Nhiều bài báo được đăng tải trên các chuyên san của Nga có nội dung đề cập tới tới phạm vi hoạt động rộng của các thiết bị EW mà Nga đã sử dụng tại các khu vực tác chiến trong thời gian gần đây.
Gần như toàn bộ các ví dụ được rút ra từ kinh nghiệm tác chiến của Nga ở Syria, kinh nghiệm tương tự trước đó ở Ukraine không được chú trọng bởi về trên danh nghĩa thì Nga không trực tiếp tham gia vào cuộc chiến 5 năm ở đông Ukraine (Donbass).
Tuy nhiên, các bài báo của Nga vẫn tiết lộ ít thông tin chi tiết hơn các nguồn tin phương Tây. Mỹ, Israel và một số quốc gia NATO khác đều có chuyên gia EW tại Syria và Ukraine.
Một chi tiết khác cũng không được truyền thông Nga đề cập, đó là nhiều thứ trong số các hệ thống EW “mới” của Nga về cơ bản được dựa trên các dự án từ thời Chiến tranh Lạnh. Những dự án này đã bị trì hoãn vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước do khó khăn về tài chính và sự sụt giảm nặng nề về nhân lực trong quân đội.
Sau năm 1991, quân đội Nga đã giảm 80% quân số và ngân sách quốc phòng. Một số nhà báo Nga không đề cập tới tình trạng yếu kém trong năng lực EW của Nga khi nổ ra chiến tranh với Gruzia năm 2008.
Gruzia thừa hưởng nhiều thiết bị quân sự hiện đại từ Nga sau khi tách ra khỏi Liên Xô vào năm 1991, và người Nga đã vô cùng lo sợ khi chứng kiến người Gruzia sử dụng những vũ khí này để chống lại họ hiệu quả đến mức nào.
Đáng chú ý là, 10 năm sau tại Syria, các nỗ lực phát triển năng lực EW của Nga đã hiệu quả hơn nhiều, không phải chỉ nhờ các thiết bị mới, mà còn bởi quân đội Nga đã gia tăng số lượng nhân sự phân bổ vào các đơn vị EW và huy động trở lại các chuyên gia EW dân sự và quân sự – những người đã mất đi công việc của mình trong những năm 1990.
Năng lực EW của Nga đã được hồi sinh một cách ấn tượng, phần lớn là do kể từ năm 2015, Nga đã tận dụng chiến trường đông Ukraine và Syria để thử nghiệm các thiết bị EW mới.
Những hệ thống mới phát triển, hoặc từ thời chiến tranh Lạnh, đều được thử nghiệm “trong điều kiện chiến đấu” để xác định các điểm yếu còn tồn tại, và thúc đẩy tiềm năng xuất khẩu, với tư cách là các hệ thống “đã được chứng minh năng lực tác chiến”.
Những thông tin giấu kín
Các thiết bị đang trong giai đoạn phát triển – thường là sản phẩm khôi phục từ các dự án cuối thời kỳ Chiến tranh Lanh – cũng được thử nghiệm. Nhiều hệ thống trong số này xuất hiện tại Ukraine trước tiên, nhưng không được các nhà báo Nga đề cập đến.
Chẳng hạn hệ thống gây nhiễu quỹ đạo Tirada-2 đặt trên xe tải đã xuất hiện tại miền đông Ukraine trong năm 2018. Tirada-2 sẽ tìm cách xâm nhập các tín hiệu điều khiển và đường dẫn video từ các UAV RQ-4B Global Hawk của Mỹ – loại thường xuyên hoạt động ở đông Ukraine.
Hình ảnh cho thấy sự xuất hiện của hệ thống Tirada-2 tại Ukraine (Nguồn: @UKRinOSCE/archive)
Điều đó sẽ cho phép phía Nga quan sát những gì mà UAV này thu nhận được khi chúng giám sát hoạt động của họ. Một số máy bay RQ-4B trang bị các cảm biến điện tử vệ tinh không gian và Nga hy vọng sẽ có cơ hội tìm hiểu, hoặc thậm chí là xâm nhập và điều khiển chúng.
Các lực lượng tình báo của Ukraine và phương Tây biết đến sự tồn tại của Tirada-2 khi phiên bản xuất khẩu, với năng lực hạn chế hơn, được chào bán. Tuy nhiên, khi phiên bản Tirada-2 nội địa xuất hiện ở Donbas, thì không có nguồn nào cung cấp thông tin chi tiết về việc hệ thống này có thể làm được những gì, và nhắm tới đối tượng nào.
Hình ảnh cho thấy sự tương đồng của hệ thống – được cho là Tirada-2 – ở ảnh bên trái với hệ thống từng được Nga trưng bày trước báo giới (phải). Nguồn ảnh: @UKRinOSCE/archive và Bộ QP Nga.
Trước đây, Nga không chỉ lặng lẽ tìm cách xâm nhập vào các tín hiệu dữ liệu và điều khiển vệ tinh, mà còn để có thể nghe trộm và dễ dàng giám sát chúng. Tuy nhiên, hiện tại, Nga đã bắt đầu công khai phát triển các thiết bị xâm nhập và giám sát tín hiệu vệ tinh, đồng thời ứng dụng chúng trên các thiết bị của Mỹ, cụ thể là với các vệ tinh GPS.
Kể từ năm 2016, ngày càng có thêm nhiều bằng chứng cho thấy Nga thường xuyên gây nhiễu hoặc đánh lạc hướng các tín hiệu GPS, chủ yếu nhằm che giấu vị trí chính xác của các yếu nhân hoặc các đơn vị quân sự của Nga.
Bản báo cáo công bố đầu năm 2019 đã đề cập tới gần 10.000 trường hợp mà trong đó Nga được cho là đã tìm cách gây nhiễu hoặc đánh lạc hướng các tín hiệu định vị vệ tinh.
Moscow không chỉ nhắm tới GPS, mà còn cả tín hiệu của các hệ thống định vị khác như hệ thống Bắc Đẩu (Trung Quốc), Galileo (EU), QZAA (Nhật Bản). Phần nhiều hoạt động trong số này không phải là gây nhiễu trực tiếp mà là đánh lạc hướng. Đây là phương thức khá phổ biến được Nga áp dụng tại Ukraine và Syria.
Mặc dù Mỹ có các hệ thống dự phòng, như hệ thống dẫn đường quán tính (INS) nhưng sẽ không ích gì nếu họ không phát hiện ra việc bị đánh lạc hướng.
Một số quốc gia khác cũng công khai cáo buộc Nga về hành vi gây nhiễu. Cuối năm 2018, Phần Lan và Na Uy đã cáo buộc Nga cố ý gây nhiễu các tín hiệu GPS tại bắc Phần Lan và Na Uy từ một địa điểm gần các căn cứ quân sự Nga ở bán đảo Kola, biển Barents. Tuy nhiên, Nga phủ nhận điều đó.
Hệ thống gây nhiễu UAV Silok. Nguồn ảnh: Army Recognition
Moscow chỉ từng tiết lộ chi tiết hoạt động của hệ thống gây nhiễu UAV Silok tại Syria và một số nơi khác. Trong 2 năm qua, các phần tử khủng bố IS đã tiến hành nhiều cuộc tấn công bằng UAV cỡ nhỏ, trang bị thuộc nổ nhằm vào căn cứ không quân Hmeymim (Syria) do Nga kiểm soát.
Những cuộc tấn công này đã thất bại do các UAV đó bị phòng không Nga bắn hạ hoặc bị hệ thống Silok buộc phải hạ cánh trước khi chúng tiếp cận được căn cứ của Nga.
Phải tới đầu năm 2018, hệ thống Silok mới xuất hiện, chúng được thiết kế dựa trên một số hệ thống gây nhiễu UAV trước đó. Silok được tối ưu hóa để có thể định vị, phát hiện và khi cần thiết có thể gây nhiễu các tín hiệu điều khiển mà UAV tiếp nhận được, hoặc những tín hiệu mà các UAV này chuyển về cho kíp vận hành.
Bên cạnh đó, Moscow đã công khai một số hệ thống gây nhiễu khi đăng cai tổ chức World Cup 2018.
Thông qua những sự kiện trên, người ta biết nhiều hơn về năng lực tác chiến điện tử của Nga. Và khi càng biết nhiều hơn về năng lực gây nhiễu UAV của Nga, lại càng dễ lý giải tại sao Iran có thể vô hiệu hóa một chiếc UAV RQ-170 của Mỹ trong năm 2011.
Một số hệ thống gây nhiễu của Nga đã được nhìn thấy tại Iran vào thời điểm đó, có vẻ là để thử nghiệm. Việc vô hiệu hóa RQ-170 cho người Nga thấy rõ ràng rằng họ đang đi đúng hướng.
Vai trò của Nga trong sự vụ năm 2011 ban đầu được giữ bí mật nhưng được cởi mở dần sau năm 2014, khi Nga một lần nữa triển khai các hệ thống gây nhiễu tới Ukraine và Syria.
Một trong những lý do khiến NATO tin rằng Nga đã tham gia tích cực vào cuộc chiến ở miền đông Ukraine là sự hiện diện của các thiết bị tác chiến điện tử Nga. Có vẻ chúng đã hỗ trợ phía ly khai gây nhiễu và xâm nhập các phương tiện thông tin liên lạc của Ukraine (điện thoại di động, các thiết bị điều khiển UAV, thiết bị điều khiển từ xa).
Thiết bị của Nga cũng từng gây nhiễu UAV Raven phiên bản cũ mà Mỹ cung cấp cho Ukraine. Người Mỹ sau đó đã phải triển khai phiên bản Raven mới nhất với công nghệ kháng nhiễu tới đây.
Việc Nga công khai triển khai các hệ thống gây nhiễu trong điều kiện chiến đấu đã cho phép Mỹ và Israel nâng cao năng lực kháng nhiễu cho các UAV quân sự, vũ khí dẫn đường và các hệ thống sử dụng GPS của họ.
Ngoài công nghệ kháng nhiễu, các UAV của Mỹ còn được trang bị phần mềm bay tự động với khả năng miễn nhiễm cao hơn trước các biện pháp gây nhiễu của đối phương.
Các bài báo gần đây của Nga cũng đề cập tới việc nâng cấp các máy bay tác chiến điện tử Tu-214R và IL-20M1. Bên cạnh đó là các pod tác chiến điện tử trang bị cho những tiêm kích-bom hiện đại nhất.
Nga cũng thừa nhận rằng họ không có khả năng trang trải cho số lượng lớn các pod loại này nên đã bù đắp bằng cách cải tiến các hệ thống gây nhiễu trên mặt đất để hỗ trợ các cuộc không kích trong phạm vi khoảng 100km trên tiền tuyến. Đây được xem là một giải pháp thông minh.
Các nhà báo Nga cũng đề cập rằng từ lâu Liên Xô đã tin EW là một loại vũ khí chính xác trong giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh bởi đối phương sẽ bị tác động bởi các loại khí tài EW mà họ chưa từng gặp phải trước đây.
Song, phía Nga không đề cập rằng, việc họ thử nghiệm sâu rộng các thiết bị EW tại Ukraine và Syria đã mang lại cho các đối thủ tiềm năng những dữ liệu hữu ích về năng lực và cách thức hoạt động của chúng.
Trong những năm gần đây, Bộ Quốc phòng Mỹ gia tăng khẩn cấp ngân sách quốc phòng để đối phó với mối đe dọa từ Nga. Đây không chỉ là mối đe dọa trên lý thuyết, mà rất thực tế bởi các lực lượng Mỹ, Ukraine và Nga đều đã chứng kiến hoặc là bên chịu sự tác động của các hệ thống tác chiến điện tử Nga.