Liên quan đến bạo lực học đường, phóng viên Báo Quảng Trị đã có cuộc trò chuyện với Trưởng Khoa Tâm lý và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng để nghe chia sẻ về góc nhìn của một nhà tâm lý học trước vấn nạn này.
– Xin chào tiến sĩ! Trước hết xin cảm ơn ông đã nhận lời phỏng vấn của phóng viên Báo Quảng Trị. Thưa ông, có thể thấy bạo lực học đường là vấn đề không mới nhưng nó vẫn diễn ra với tần suất ngày càng “dày đặc” và phức tạp hơn. Quan điểm của Tiến sĩ về vấn đề này như thế nào?
– Bạo lực học đường tuy không mới nhưng với tần suất, tính chất, mức độ nguy hiểm ngày càng gia tăng như hiện nay nó đang gây ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, thể chất của học sinh. Nhiều em là nạn nhân của bạo lực học đường đã bị sang chấn tâm lý, rơi vào trạng thái trầm cảm và tệ hơn là tự tìm lối thoát bằng cách… tự tử.
Có thể thấy, bạo lực học đường diễn ra ở mọi lứa tuổi học sinh với các cách thức rất đa dạng từ mức độ nhẹ chỉ là lời nói xúc phạm, cái nhìn không thiện cảm cho đến những hành vi tấn công không chỉ bằng chân, tay mà bằng các dụng cụ gây chấn thương mạnh đến thân thể của các em.
Đặc biệt, đối tượng trong vấn nạn này đang dần trẻ hoá, tập trung nhiều ở học sinh THCS và có dấu hiệu biểu hiện nhiều hơn ở học sinh nữ. Theo nghiên cứu của chúng tôi, học sinh THCS thường là đối tượng chịu tác động nhiều nhất với vấn nạn bạo lực học đường bởi đây là độ tuổi nằm trong nhóm đang phát triển dậy thì, đang có sự thay đổi mạnh mẽ về thể chất và sự phát triển về tâm sinh lý. Các em rất thích thể hiện, hay bốc đồng, chưa có sự nhất quán trong suy nghĩ và hành vi.
Việc phát triển mạnh mẽ thể chất và tâm lý nhưng chưa có nhận thức đúng đắn khiến mỗi khi đứng trước những tác động gây căng thẳng, các em sẵn sàng sử dụng lời nói và những hành động thiếu kiểm soát. Hơn nữa, việc học sinh khi thấy bạo lực học đường xảy ra không những không can ngăn mà còn cỗ vũ, hô hào, quay video để đưa lên mạng xã hội cho thấy các em chưa cảm nhận được hết hậu quả của những hành vi bạo lực mà bạn bè đồng trang lứa hay chính các em gây ra.
– Vậy theo tiến sĩ, vì sao bạo lực học đường ngày càng gia tăng?
– Theo tôi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường gia tăng. Một trong số đó phải kể đến nguyên nhân xuất phát từ trong quá trình phát triển dậy thì của các em, ngoài phải chịu áp lực trong học tập và cuộc sống, các em ít nhận được sự quan tâm, yêu thương, dạy dỗ từ cha mẹ, người thân.
Bên cạnh đó, sự ảnh hưởng của phim ảnh, game bạo lực và các trào lưu trên mạng xã hội với các hành vi lệch chuẩn cũng đã kích động các em từ trong suy nghĩ dẫn đến những hành động bắt chước. Từ đó, các em có suy nghĩ rằng thực hiện các hành vi bạo lực rồi tung lên mạng sẽ thu hút được sự quan tâm, theo dõi của nhiều người và khẳng định được bản thân mà lại không nghĩ đến hậu quả.
Một nguyên nhân nữa không kém phần quan trọng là hiện nay, nhiều học sinh chưa được trang bị các kỹ năng sống cho bản thân như: kỹ năng quản lý cảm xúc; kỹ năng giải quyết xung đột, mâu thuẫn; kỹ năng tìm kiếm sự hỗ trợ…
Việc tổ chức các buổi học ngoại khóa giúp giảm bớt căng thẳng, áp lực học tập cho học sinh – Ảnh: T.P
– Bạo lực học đường được phân thành mấy loại, thưa tiến sĩ?
– Xét về hình thức, có thể phân loại bạo lực thành các loại gồm: bạo lực về thể xác, bạo lực về tinh thần, bạo lực về tài chính và bạo lực liên quan đến các vấn đề về giới tính hoặc tình dục. Trong môi trường học đường, các em thường có biểu hiện bạo lực nhóm, bạo lực ngầm, bạo lực theo kiểu tẩy chay hoặc bạo lực thông qua đối tượng thứ ba. Việc tiếp cận càng sớm khi các em có biểu hiện bạo lực hoặc bị bạo lực sẽ giúp gia đình, thầy, cô giáo và xã hội có biện pháp phòng tránh, ngăn chặn một cách kịp thời, hiệu quả.
– Bàn đến giải pháp, nhiều người vẫn thường hô hào rằng: “Quyết tâm ngăn chặn bạo lực học đường” hay “Đừng để mọi việc lắng xuống, phải giải quyết tận gốc vấn nạn này”… Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề có thể giải quyết trong ngày một, ngày hai. Vậy theo tiến sĩ, chúng ta phải làm gì để có thể ngăn ngừa và giải quyết vấn đề này?
– Chúng ta không thể đơn phương hành động mà cần phải có những giải pháp đồng bộ, cần có sự chung tay, phối hợp chặt chẽ từ phía nhà trường, gia đình và xã hội. Xin được nói thêm rằng, dù là người bạo lực hay bị bạo lực đều đáng thương. Vì vậy, về phía gia đình, các bậc phụ huynh cần quan tâm, theo dõi, tâm sự và nắm bắt biểu hiện tâm lý, các thay đổi trong sự phát triển dậy thì ở các em.
Cố gắng dành nhiều thời gian để trò chuyện, đồng hành với các em. Môi trường gia đình phải là nơi có nhiều sự yêu thương, là tổ ấm hạnh phúc khi các em trở về sau một ngày học tập mệt nhọc. Ngoài ra, các em cần được dạy cách tự phòng vệ, cách kiểm soát cảm xúc và hành vi để không dùng bạo lực bắt nạt bạn bè.
Về phía nhà trường, đây là nơi dễ va chạm của nhiều cá tính, môi trường sống, dễ xảy ra các mâu thuẫn. Do đó, thầy, cô giáo và nhà trường cần có sự quan sát để định hướng và giáo dục học sinh. Cần tổ chức cho các em nhiều hoạt động hơn nữa để giải tỏa các căng thẳng tâm lý trong học tập, đặc biệt cho các em được học các kỹ năng sống; phát huy vai trò của phòng tư vấn tâm lý học đường để kịp thời hỗ trợ các em khi gặp khó khăn trong diễn biến tâm lý.
Cùng với đó, thành lập các câu lạc bộ, thiết kế những chương trình lồng ghép vào các buổi chào cờ đầu tuần để nói chuyện về các chủ đề như: xây dựng tình bạn đẹp, nuôi dưỡng lòng ước mơ, hành động tử tế… theo tôi cũng là việc làm cần thiết. Các nhà trường cũng cần liên hệ mật thiết với gia đình, các tổ chức đoàn thể để trao đổi thông tin, nắm bắt các biểu hiện của học sinh khi có dấu hiệu khác thường. Cha mẹ học sinh cũng phải hợp tác chặt chẽ với nhà trường để cùng hướng đến mục tiêu giáo dục phòng ngừa các hành vi bạo lực có thể xảy ra. Cha mẹ cũng phải tin tưởng giáo viên và nhà trường, trao cho họ các quyền lực mềm để giáo dục con mình.
Về phía chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng hay đơn vị truyền thông cũng cần phải vào cuộc để hỗ trợ nhà trường, gia đình ngăn chặn, xử lý các vụ việc bạo lực học đường xảy ra trên địa bàn; góp phần tuyên truyền đến học sinh văn hóa chuẩn mực, lên án tình trạng bạo lực học đường. Và cần thiết phải kiểm duyệt hệ thống các trang mạng, video không phù hợp, kích động bạo lực.
Tóm lại, mỗi cha mẹ, thầy, cô giáo và cộng đồng hãy dành cho học sinh nhiều sự quan tâm, yêu thương, dành cho các em một môi trường sống bình an, giảm tải các áp lực và sự kỳ vọng quá cao đối với các em. Hãy cho các em một không gian sống hồn nhiên, năng động và nhiều sẻ chia.