Bảo hiểm y tế – điểm tựa cho người yếu thế – Kỳ 1: “Phao cứu sinh” của bệnh nhân nghèo

Là một trong những trụ cột của chính sách an sinh xã hội, chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) ngày càng khẳng định vai trò quan trọng cũng như tính nhân văn trong đời sống. Đặc biệt, đối với người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), tấm thẻ BHYT có ý nghĩa lớn, chia sẻ gánh nặng tài chính khi gia đình có người thân ốm đau, bệnh tật.

Kỳ 1: “Phao cứu sinh” của bệnh nhân nghèo

Những bệnh nhân nghèo đến khám, chữa bệnh không chỉ mang nỗi lo bệnh tật mà còn lo gánh nặng chi phí điều trị. Chính những lúc khó khăn nhất, tấm thẻ BHYT như chiếc “phao cứu sinh”, giúp họ yên tâm chữa trị.

Giúp an sinh cho đồng bào dân tộc thiểu số

10 giờ một ngày cuối tháng 8, chúng tôi có mặt tại Đơn vị chạy thận, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh. Trong số 20 người ngồi tại sảnh chờ có ông Cao Văn Đậm (39 tuổi, ở thôn Bến Khế, xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh) là người ĐBDTTS bị mắc bệnh thận mãn tính, chạy thận 12 năm nay. Ngồi chờ gần 10 phút, ông Đậm nhận từ tay điều dưỡng bộ đồ xanh dành cho bệnh nhân, rồi theo hướng dẫn đến giường được chỉ định để chạy thận. Nằm chờ kỹ thuật viên lắp các dụng cụ để chạy thận, ông Đậm kể, năm 2012, trong một lần đi cắt keo mướn, đang làm ông thấy mệt trong người, tay chân run nên được đưa đến trạm y tế khám, sau đó chuyển tới BVĐK huyện Khánh Vĩnh, kết quả xác định ông Đậm mắc bệnh suy thận mãn tính độ 4. “Lúc nhận kết quả tôi rất sốc, nhưng rồi được các bác sĩ tư vấn, tôi vực dậy tinh thần và chạy thận đến nay đã 12 năm. May mắn là cả gia đình tôi đều được Nhà nước cấp thẻ BHYT nên việc điều trị không tốn chi phí. Tôi chỉ tốn tiền mua dây chạy thận và tiền xăng từ nhà xuống bệnh viện. Bác sĩ cho biết, chi phí mỗi tháng chạy thận khoảng 14 triệu đồng, tôi chạy thận đã 12 năm không tính được hết bao nhiêu tiền. Nếu không có thẻ BHYT, tôi không biết mình cầm cự được bao lâu”.

Ông Cao Văn Đậm chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Ông Cao Văn Đậm chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Sinh con được 5 ngày tuổi, bé bị mắc bệnh vàng da nên mẹ con sản phụ Cao Thị Thao (xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn) vẫn ở tại Khoa Nhi – Chăm sóc sức khỏe sinh sản, BVĐK huyện Khánh Sơn để điều trị. Với sự hướng dẫn của bác sĩ, sản phụ Thao đang thực hiện phương pháp kangaroo da kề da cho con. “Gia đình tôi thuộc hộ ĐBDTTS nghèo nên 5 người trong gia đình đều được Nhà nước cấp thẻ BHYT. Mỗi khi người thân ốm đau, bệnh tật đều tới Trạm Y tế xã để khám, bệnh nặng hơn thì tới bệnh viện. Ở bệnh viện, tôi còn được hỗ trợ 3 bữa ăn từ bếp ăn từ thiện. Điều trị ở đâu cũng không tốn tiền nên với gia đình tôi, thẻ BHYT rất có giá trị” – sản phụ Thao nói.

Tại Khoa Nội, BVĐK huyện Khánh Vĩnh, tuy giữa tuần nhưng có nhiều bệnh nhân nằm điều trị, chiếm tới 80% là ĐBDTTS. Với triệu chứng đau lưng, đau người, chóng mặt, bà Cao Thị Lan (57 tuổi, xã Cầu Bà, Khánh Vĩnh) vào điều trị tại bệnh viện hơn một tuần nay. Tuy thời gian điều trị dài nhưng bà Lan rất yên tâm vì được BHYT thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh. Thuộc nhóm đối tượng được cấp thẻ BHYT miễn phí theo quy định của Nhà nước, những năm qua, bà Lan nghĩ thẻ BHYT chỉ chi trả những bệnh đau ốm với chi phí thấp. Nhưng khi bị bệnh phải điều trị lâu dài, bà mới hiểu rằng tấm thẻ BHYT có giá trị lớn. Đặc biệt, với điều kiện kinh tế còn khó khăn như gia đình bà, nếu bị bệnh mà không được quỹ BHYT chi trả, cuộc sống sẽ còn khó khăn hơn. “Tôi có 2 con gái đều lấy chồng ở riêng, cuộc sống khó khăn. Vợ chồng tôi bệnh đau đều tự chăm sóc nhau. May mắn được Nhà nước cấp thẻ BHYT nên mỗi khi trái gió trở trời đều an tâm đến bệnh viện điều trị” – bà Lan chia sẻ.

Nhân viên Bệnh viện Ung bướu tỉnh chuẩn bị phát thuốc bảo hiểm y tế cho bệnh nhân
Nhân viên Bệnh viện Ung bướu tỉnh chuẩn bị phát thuốc bảo hiểm y tế cho bệnh nhân.

Những năm qua, tỉnh đã quan tâm ban hành những chính sách đặc thù hỗ trợ về BHYT cho người dân. Theo đó, các đối tượng là ĐBDTTS được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng và được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh. Qua đó, giúp ĐBDTTS tiếp cận các dịch vụ khám, chữa bệnh và được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Tại 2 huyện miền núi Khánh Vĩnh và Khánh Sơn, 100% ĐBDTTS được cấp miễn phí thẻ BHYT. Ông Nguyễn Văn Tác – Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Khánh Vĩnh cho biết: “Huyện Khánh Vĩnh có gần 74% dân số là ĐBDTTS, đời sống còn nhiều khó khăn. Bởi vậy, việc ĐBDTTS được cấp thẻ BHYT miễn phí có ý nghĩa rất lớn trong việc hỗ trợ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Từ đầu năm đến ngày 31-7, toàn huyện có 20.546 lượt người ĐBDTTS được khám, chữa bệnh BHYT (nội trú 2.403 lượt, ngoại trú 18.143 lượt). Tổng chi phí khám, chữa bệnh BHYT cho ĐBDTTS gần 4,7 tỷ đồng; trong đó chi phí điều trị nội trú gần 2,5 tỷ đồng và ngoại trú 2,2 tỷ đồng”.

Giảm gánh nặng cho người nghèo

Với dáng đi nặng nề vì biến chứng của bệnh suy thận giai đoạn cuối, ông Phan Văn Trao (thôn Khánh Thành Nam, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm) chậm rãi bước vào Trạm Y tế xã để kiểm tra sức khỏe. Ông Trao chia sẻ: “Mấy hôm nay, huyết áp tôi lại cao, người mệt khó thở nên tôi đến trạm y tế để kiểm tra. Nhờ có thẻ BHYT nên tôi yên tâm về chi phí khám, chữa bệnh”. Ông Trao sống một mình, trước khi phát hiện bệnh, ông là công nhân mỏ đá, không được mua BHYT. Năm 2023, khi phát bệnh, tiền tích góp được sau bao năm lao động chỉ đủ để ông làm phẫu thuật. Sau đó, ông phải chạy thận tại BVĐK tỉnh. Trong những tháng đầu khi chưa có thẻ BHYT, ông phải tốn chi phí chạy thận và khám, chữa bệnh hơn 60 triệu đồng. Hết tiền tiết kiệm, ông đành bán miếng đất của cha mẹ được 150 triệu đồng, bán chiếc xe máy mới mua được 30 triệu đồng để có tiền chữa bệnh. Mắc căn bệnh mãn tính, phải điều trị lâu dài nên số tiền này chỉ như muối bỏ biển. Thấu hiểu hoàn cảnh của ông, UBND xã Suối Cát đã xét duyệt cho ông được hưởng BHYT hộ cận nghèo. “Nhờ có BHYT, hiện nay, mỗi tháng tôi chỉ tốn hơn 2 triệu đồng để điều trị bệnh. Nếu không có sự hỗ trợ này thì việc chữa bệnh của tôi phải dở dang, khó mà duy trì sức khỏe được như hiện nay”, ông Trao nói. Theo số liệu của BHXH tỉnh, năm 2023, quỹ BHYT đã chi cho trường hợp ông Trao hơn 162,5 triệu đồng.

Ông Phan Văn Trao kiểm tra sức khoẻ tại Trạm y Tế xã Suối Cát
Ông Phan Văn Trao kiểm tra sức khỏe tại Trạm Y tế xã Suối Cát.

Sau những đợt hóa trị, xạ trị những khối u sưng to nằm ở vùng cổ và khuôn miệng do ung thư khẩu hầu, bệnh nhân Phan Thị Kim Loan (60 tuổi, thôn Cà Hon, xã Khánh Bình, Khánh vĩnh) đã không còn trạng thái bi quan như những đợt trước. Nằm ở giường bệnh chờ thực hiện hóa trị lần 3 trong đợt điều trị mới nhất, bà Loan chia sẻ: “Cách đây 3 tháng, khuôn mặt của tôi sưng to với nhiều hạch nổi ở cổ, miệng cứng đơ, không cử động được. Vào khám tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh, tôi được chẩn đoán mắc ung thư. Lúc nhận kết quả, tôi đã có ý định không muốn sống vì gia đình nghèo, chỉ có 2 mẹ con nương tựa vào nhau, cuộc sống phụ thuộc vào tiền làm công của con. Do gia đình đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn nên tôi được cấp thẻ BHYT miễn phí, nhờ đó chi phí điều trị không phải đóng. Tôi được biết chi phí mỗi đợt điều trị hơn 20 triệu đồng, đây là đợt thứ 3. So với lần đầu nhập viện, sức khỏe của tôi đã khá hơn, miệng không còn cứng đơ như trước mà đã mở bình thường. Nhờ chính sách hỗ trợ nhân văn này giúp tôi có động lực để điều trị và hy vọng sẽ khỏi bệnh để được sống tiếp cùng con”.

Bệnh nhân Phan Thị Kim Loan điều trị tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh
Bệnh nhân Phan Thị Kim Loan điều trị tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh.

Bị mắc bệnh viêm phổi nặng, nằm điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, BVĐK tỉnh gần 2 năm nay, nhờ có BHYT dành cho hộ cận nghèo mà gia đình bệnh nhân Lê Lệ Mỹ (24 tuổi, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh) không phải tốn nhiều chi phí điều trị. Theo số liệu từ BHXH tỉnh, năm 2023, tổng chi phí BHYT chi trả cho bệnh nhân Mỹ hơn 560 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Thu Ẩn – mẹ của bệnh nhân Mỹ kể, từ khi con bị bệnh bà phải bán mảnh ruộng lấy 100 triệu đồng để xuống đây chăm con. Cũng may, gia đình bà được địa phương đưa vào hộ cận nghèo, được hỗ trợ cấp BHYT nên mới theo điều trị được đến nay.

Trên đây chỉ là một số trường hợp điển hình trong số hàng ngàn bệnh nhân thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, ĐBDTTS được quỹ BHYT chi trả cho quá trình khám, chữa bệnh. Qua đó để thấy, BHYT đã mang lại cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân nghèo, giúp họ yên tâm chữa trị. Theo số liệu của BHXH tỉnh, tính đến ngày 31-7, toàn tỉnh có 12.169 người thuộc hộ nghèo; 27.223 người thuộc hộ cận nghèo và 41.446 người ĐBDTTS tham gia BHYT. Chính sách BHYT đã phát huy hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe cũng như chia sẻ gánh nặng cho gia đình các bệnh nhân khi không may bị ốm đau, bệnh tật.

LY VÂN DUNG

Nguồn Báo Khánh Hòa điện tử: https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/y-te-suc-khoe/202408/bao-hiem-y-te-diem-tua-cho-nguoi-yeu-the-ky-1-phao-cuu-sinh-cua-benh-nhan-ngheo-2181615/