Chủ tịch Kim Jong-un kiểm tra một thiết bị được cho là bom nhiệt hạch hồi năm 2017. Ảnh: KCNA.
Nhật báo JoongAng (Hàn Quốc) đã tiết lộ những thông tin về một cơ sở hạt nhân ngầm bí mật, được cho là yếu tố then chốt khiến hai nước Mỹ-Triều Tiên không đạt được thỏa thuận.
Mỹ tường tận “từng tấc đất” của Triều Tiên?
Nhật Báo JoongAng Hàn Quốc dẫn lời một số nguồn thạo tin cho hay, cơ sở hạt nhân thứ hai mà Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn phá hủy có thể là các cơ sở làm giàu hạt nhân cấp cao bí mật nằm dưới lòng đất tại Bungang, chỉ cách tổ hợp Yongbyon khoảng vài km.
Trong cuộc họp báo công bố kết quả thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội, ông Trump đã tiết lộ rằng Mỹ cần nhiều hơn là việc phá hủy tổ họp hạt nhân Yongbyon, đồng thời khẳng định rằng Mỹ biết tường tận “từng tấc đất” tại Triều Tiên.
Ngoài ra, ông Trump còn cho biết trong cuộc gặp với Chủ tịch Kim Jong-un, phía Mỹ đã “đề cập tới rất, rất nhiều điều [mà ông Trump cho là] khiến [phía Bình Nhưỡng] rất bất ngờ khi biết rằng Washington đã phát hiện ra”.
Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho, người đã tham dự cuộc đàm phán song phương của hai nước tại Hà Nội, cũng đã xác nhận rằng Washington “có thêm một đòi hỏi khác nữa” bên cạnh việc phá hủy cơ sở hạt nhân Yongbyon, và Bình Nhưỡng không thể đồng ý với yêu cầu đó.
Bất đồng xung quanh việc phá hủy cơ sở hạt nhân thứ hai được cho là yếu tố then chốt khiến ông Trump quyết định “bước đi” khỏi bàn đàm phán mà không kí kết bất cứ thỏa thuận nào với ông Kim như kỳ vọng.
Theo các nguồn tin của JoongAng, cơ sở hạt nhân nói trên là một cơ sở chưa được công bố, nằm ở phía Tây Nhà ga Bungang và cùng trong một khu vực với tổ hợp hạt nhân nổi tiếng Yongbyon tại tỉnh Pyongan Bắc.
“Tổ hợp Bungang tọa lạc ở phía Đông Bắc của tổ hợp Yongbyon. Có lẽ Triều Tiên đã xây dựng một nhà máy làm giàu uranium cấp cao ở dưới lòng đất tại địa điểm này để ngăn người ngoài phát hiện”, nguồn tin trên nói.
Cũng theo nguồn tin trên, phía Mỹ đã yêu cầu Triều Tiên cam kết phá hủy cả tổ hợp hạt nhân Yongbyon và tổ hợp Bungang vì cho rằng Bungang chỉ là phần mở rộng của Yonbyon, do hai cơ sở này nằm trong cùng một khu vực.
Tuy nhiên phía Bình Nhưỡng có vẻ đã rất bất ngờ khi biết rằng Washington đã phát hiện ra sự tồn tại của Bungang, và đã từ chối thuận theo yêu cầu phá hủy cơ sở này. Họ khẳng định đây là hai cơ sở riêng biệt dù chỉ nằm cách nhau vài km.
Như vậy, có thể thấy rằng hai nước Mỹ và Triều Tiên có lập trường và quan điểm rất khác biệt về quy mô của tổ hợp Yongbyon.
Vị trí của hai tổ hợp Yongbyon và Bungang. Đồ họa: JoongAng Ilbo.
Cơ sở ngầm cực “khủng” sở hữu hơn 10.000 máy li tâm
Cũng theo nguồn tin trên, các nhà máy thuộc tổ hợp Bungang lớn hơn rất nhiều so với những cơ sở tại tổ hợp Yongbyon mà Bình Nhưỡng từng cho phép Tiến sĩ Siegfried Hecker của Đại học Standford Mỹ tham quan hồi năm 2010.
Tiến sĩ Hecker từng là cựu giám đốc phòng thí nghiệm vũ khí tại New Mexico và là một chuyên gia hàng đầu về chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Ông đã thực hiện 4 chuyến tham quan cơ sở hạt nhân Yongbyon, và kết luận rằng tại đây có khoảng 2.000 máy ly tâm làm giàu uranium đang hoạt động.
Yongbyon cũng được cho là cơ sở sản xuất nhiên liệu phân hạch được sử dụng trong 6 cuộc thử nghiệm hạt nhân từ năm 2006 tới năm 2017.
Còn tại khu tổ hợp Bungang, các quan chức tình báo Mỹ và Hàn Quốc ước tính có đến hơn 10.000 máy li tâm đang hoạt động, con số lớn hơn gấp 5 lần so với tổ hợp Yongbyon.
Khác với plutonium – nguyên liệu đòi hỏi một lò phản ứng và các nhà máy xử lý riêng giống như tại cơ sở Yongbyon – thì việc xử lý uranium có thể được thực hiện bí mật bằng máy li tâm tại các cơ sở nhỏ hơn.
“[Các nhà máy và cơ sở vật chất tại Bungang] lâu đời hơn so với những gì Tiến sĩ Hecker đã tận mắt thấy [tại Yongbyon], nhưng dường như các nhân viên tình báo Mỹ đã dần phát hiện ra cơ sở này do vị trí ngầm của nó”, một nguồn thạo tin nói với JoongAng.
Tổ hợp Bungang hiếm khi được nhắc tới trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Trước đó, cái tên Bungang đã xuất hiện trong một bài viết năm 2010 của tờ Dong-A Ilbo, được đăng tải ngay sau một chuyến thăm tại tổ hợp Yonbyon của Tiến sĩ Hecker.
Theo đó, bài báo của Dong-A đã nhắc tới giả thiết rằng Triều Tiên đang bí mật vận hành một trung tâm xử lý nhiên liệu hạt nhân khác nằm dưới ngọn núi Sowi-ri gần tổ hợp Yongbyon, với tên gọi là khu vực của người lao động Bungang. Trước đó, vào năm 2002, các cơ quan tình báo của Hàn Quốc và Mỹ đã xác nhận Sowui-ri là một trong những nhà máy làm giàu uranium tiềm năng.
Tuy nhiên, các quan chức Triều Tiên đã tránh đề cập tới cơ sở ngầm Bungang, và thay vào đó nhấn mạnh việc các lò phản ứng tại Yongbyon đã không hoạt động trong nhiều tháng nay.
Cụ thể, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc cho rằng Bungang chỉ là tên gọi của một khu vực khác tại tổ hợp Yongbyon, tọa lạc tại một khu vực khác so với những cơ sở hạt nhân chủ chốt tại tổ hợp này và không có nhà máy bí mật nào cả.
Người đứng đầu cơ quan tình báo Hàn Quốc, Suh Hoon, phát biểu trong một cuộc họp kín với các nhà lập pháp Seoul rằng các nhân viên tình báo Hàn Quốc và Mỹ đang “tìm kiếm” bất cứ cơ sở hạt nhân nào khác tại Triều Tiên.
Tuy nhiên, vị này khẳng định rằng 5 lò phản ứng tại Yongbyon đã không hoạt động từ cuối năm ngoái, và phía Triều Tiên cũng không tiến hành thêm bất cứ hoạt động xử lý nhiên liệu nào.
“Bãi thử hạt nhân Punggye-ri cũng không có thêm hoạt động mới nào kể từ khi khu vực này bị dỡ bỏ hồi tháng 5 năm ngoái”, ông Suh nói.
Sau khi cuộc gặp Trump-Kim lần thứ hai kết thúc vô thỏa thuận, truyền thông quốc tế đã sốt sắng tìm kiếm thông tin về các cơ sở hạt nhân mà Mỹ muốn Triều Tiên phá hủy.
Báo The Washington Post (Mỹ) và BBC (Anh) đã đề cập tới một nhà máy làm giàu nhiên liệu hạt nhân bí mật nghi ngờ là tọa lạc tại Kangson. Chuyên gia David Albright đến từ Viện nghiên cứu Khoa học và An ninh Quốc tế cho biết hoạt động làm giàu hạt nhân tại cơ sở này vẫn tiếp tục được tiến hành ngay cả trong khi Bình Nhưỡng và Washington đang đối thoại.
Tuy nhiên, trang 38North lại nghi ngờ về giả thiết trên do họ cho rằng khu vực Kangson không được bảo vệ an ninh, hơn nữa lại quá gần đường quốc lộ nên khó có khả năng đó là một cơ sở hạt nhân ngầm.
Một số khu vực khác như Sakkanmol ở tỉnh Hwanghae Bắc – một trong 13 cơ sở phát triển tên lửa do Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (Mỹ) phát hiện và chưa được Bình Nhưỡng công bố – cũng nằm trong danh sách nghi vấn.