Báo đảng TQ gằn giọng “không cần lùi bước nữa”: Hé lộ thời hạn cuối cùng để Bắc Kinh ra tay ở Hồng Kông

Cảnh sát chống bạo đồng Hồng Kông bắn đạn hơi cay trong một cuộc đụng độ với người biểu tình ở Causeway Bay (Ảnh: Winson Wong/SCMP)

Giới chức cấp cao Trung Quốc đã công khai xác nhận khả năng Bắc Kinh can thiệp trấn áp các cuộc biểu tình ở Hồng Kông nếu cần thiết.

Bắc Kinh nói có sức mạnh dẹp yên tình hình Hồng Kông

Trong cuộc tọa đàm do Văn phòng sự vụ Hồng Kông & Macau (HKMAO), thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, và Văn phòng liên lạc của Bắc Kinh tại Hồng Kông liên danh triệu tập ngày 7/8, chủ nhiệm HKMAO Trương Hiểu Minh thừa nhận Hồng Kông đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ ngày trao trả về Đại lục (1/7/1997).

Ông Trương nói nhiệm vụ cấp thiết hiện nay là kiểm soát bạo lực, khôi phục trật tự và ngăn Hồng Kông trượt sâu vào hỗn loạn.

Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc – gọi phát biểu của ông Trương là “lời cảnh cáo nghiêm khắc” nhằm vào phe đối lập cùng các thế lực quá khích tại Hồng Kông, và là thái độ trấn áp cứng rắn đối với tình trạng bạo loạn.

Trong bài bình luận đăng ngày 7/8, Nhân dân Nhật báo nói chính phủ Trung Quốc “có giải pháp và sức mạnh để nhanh chóng dập tắt những động loạn có thể xảy ra”. Báo đảng Trung Quốc tuyên bố “Không còn đường lui thì không cần phải tiếp tục lui. Đây là cuộc chiến sinh tử liên quan đến tiền đồ và vận mệnh của Hồng Kông. Tà không thắng chính, hãy chờ xem!”

Trong phiên tọa đàm hôm mùng 7, ông Trương Hiểu Minh cảnh báo rằng nếu khủng hoảng leo thang ở Hồng Kông vượt ngoài tầm kiểm soát của chính quyền đặc khu thì Bắc Kinh sẽ không ngồi nhìn. Theo ông, Quân giải phóng nhân dân (PLA) có thể được triển khai để khôi phục trật tự trị an, trong khi luật pháp Trung Quốc có thể được áp dụng đối với Hồng Kông trong tình trạng khẩn cấp.

“Căn cứ Luật cơ bản của Hồng Kông, chính quyền trung ương có đầy đủ biện pháp cũng như sức mạnh để nhanh chóng dẹp yên bất kỳ biến động tiềm tàng nào,” ông Trương nói.

Báo đảng TQ gằn giọng không cần lùi bước nữa: Hé lộ thời hạn cuối cùng để Bắc Kinh ra tay ở Hồng Kông - Ảnh 1.

Ông Trương Hiểu Minh (Ảnh: Winson Wong/SCMP)

Trung Quốc muốn ổn định Hồng Kông trước quốc khánh

Cựu bộ trưởng tư pháp Hồng Kông Elsie Leung, một đại biểu dự tọa đàm, đánh giá ông Trương Hiểu Minh đã thể hiện rất rõ lập trường rằng chính phủ trung ương có quyền can thiệp vào Hồng Kông trong trường hợp cần thiết.

“Bắc Kinh sẽ không để mặc Hồng Kông trong hỗn loạn,” bà Leung nói.

Ip Kwok-him, đại biểu Hồng Kông tại Quốc hội Trung Quốc, dẫn lời ông Trương cảnh báo đặc khu sẽ chịu tổn thất lớn nếu các cuộc biểu tình tiếp diễn, và không thể cho phép tình trạng hiện nay làm gián đoạn lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước CHND Trung Hoa vào 1/10.

“Tôi tin rằng ông [Trương] thể hiện mong muốn rằng hỗn loạn tại Hồng Kông sẽ chấm dứt vào tháng 9, nhưng tất nhiên là càng sớm càng tốt,” Ip nói.

Cho đến nay, ông Trương Hiểu Minh là quan chức cấp cao nhất của chính phủ Trung Quốc thừa nhận khả năng có sự can thiệp của Bắc Kinh đối với tình hình ở Hồng Kông.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho hay, người biểu tình Hồng Kông đưa ra 5 yêu cầu đối với chính quyền Trưởng đặc khu Carrie Lam: Rút lại hoàn toàn dự luật cho phép dẫn độ tội phạm hình sự về Đại lục; Tiến hành điều tra độc lập để xem xét toàn bộ tranh cãi và cáo buộc về các hành động bạo lực của cảnh sát; không buộc tội những người biểu tình bị bắt giữ; rút lại tất cả diễn đạt đề cập các cuộc biểu tình là “bạo động”; khởi động lộ trình cải cách chính trị bị đình trệ.

Theo các đại biểu tại tọa đàm ở Thâm Quyến, ông Trương Hiểu Minh bác bỏ toàn bộ yêu cầu trên, nhưng để ngỏ khả năng lập ra một ủy ban điều tra sau khi trật tự được lập lại.

Trong khi biểu tình không có dấu hiệu hạ nhiệt, chính quyền bà Carrie Lam còn gặp rắc rối trước vấn nạn tin tức giả (fake news) lan rộng một cách thường xuyên trên mạng Internet. Giới chức Hồng Kông đang phải ra sức chống lại thông tin sai lệch rằng thành phố đã áp đặt lệnh giới nghiêm, các binh sĩ PLA cải trang thành cảnh sát Hồng Kông, hay thông tin bà Lam đi nghỉ suốt một tuần,…

Trong bài xã luận ngày 7/8, tờ Thời báo Hoàn Cầu – thuộc quản lý của Nhân dân Nhật báo – viết: “Chúng tôi mong rằng tình hình Hồng Kông không đi đến mức độ buộc trung ương phải ra tay; toàn thể người dân Hồng Kông và chính quyền đặc khu sẽ cùng đứng lên gánh vác sứ mệnh tự trị để chống lại phần tử bạo lực, gìn giữ trật tự của Hồng Kông”.