Ngày 31/3, dưới sự chủ trì của đồng chí Phan Đình Trạc – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Ban Nội chính Trung ương – Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tổ chức giao ban trực tuyến với Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các tỉnh, thành phố và Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy Quý I/2023.
Đồng chí Nguyễn Trung Kiên – Ủy viên BTV Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì tại điểm cầu Phú Thọ.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ.
Trong Quý I, các Tỉnh ủy, Thành ủy đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương của Trung ương về thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng tiêu cực cấp tỉnh. Chỉ trong thời gian ngắn, 63/63 Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã được thành lập và đi vào hoạt động với cơ cấu, thành phần theo quy định. Theo đó, các địa phương trong cả nước đã khởi tố mới 512 vụ án/ 1283 bị can phạm tội về tham nhũng; số vụ án có cán bộ, đảng viên bị khởi tố do hành vi tiêu cực là 225 vụ án/835 bị can. Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã chỉ đạo rà soát, quyết định đưa 327 vụ án, 179 vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trên địa bàn vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Tại Hội nghị, các đại biểu nghe lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương quán triệt nội dung, giá trị cốt lõi của cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiến hành thảo luận, phân tích tình hình, các vấn đề nhạy cảm tác động tới an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội thời gian qua, đồng thời, đưa ra những kiến nghị cụ thể nhằm thực hiện tốt công tác nội chính trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khẳng định: Chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các cấp và đáp ứng kỳ vọng, mong mỏi của cán bộ, đảng viên, nhân dân; có tác dụng khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Những kết quả đạt được của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh vừa qua có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện quyết tâm chính trị, ý thức trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, từ đó khẳng định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là hoàn toàn đúng đắn.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ.
Thay mặt Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Nội chính Trung ương, đồng chí Phan Đình Trạc ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những kết quả của Ban Chỉ đạo, Ban Nội chính cấp tỉnh đạt được trong thời gian vừa qua. Đồng chí đề nghị, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phải thực sự là một tập thể mạnh, đoàn kết, thống nhất cao, gắn bó chặt chẽ. Mỗi thành viên của Ban Chỉ đạo phải hết sức gương mẫu, công tâm, trong sạch, không bị cám dỗ bởi bất cứ lợi ích nào và cũng không ngại bất cứ lực cản không trong sáng nào. Đồng thời, cần phát huy bài học kinh nghiệm sâu sắc qua tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 – 2022, đó là phát huy nhân tố hàng đầu về vai trò gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của người đứng đầu, để làm chỗ dựa vững chắc, sự đảm bảo về mặt chính trị tạo động lực to lớn cho công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đồng chí Phan Đình Trạc cũng lưu ý một số nội dung khác cho Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực như: Cần tổ chức công việc thật chặt chẽ, làm việc nghiêm túc, khoa học, nề nếp, kỷ luật, kỷ cương; phối hợp công tác nhịp nhàng, đồng bộ; tuyệt đối tránh tình trạng hình thức, tắc trách, được chăng hay chớ; lúc ra mặt thì rầm rộ nhưng sau đó thì thưa thớt, nguội lạnh dần. Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương, nhưng để tạo chuyển biến rõ nét, đột phá, với kết quả cụ thể, thực chất thì cần chọn trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những khâu yếu, việc khó, điểm nghẽn, những vấn đề bức xúc dư luận xã hội địa phương quan tâm…