Ẩn bên dưới những mái nhà tạm bợ có thể là một đứa trẻ mồ côi vì cha mẹ đã bị bắt hay đã chết, một người mới ra tù, một người bị nhiễm HIV hay một con nghiện đang đói thuốc, đó là những gì còn lại ở những bản làng êm đềm nép dưới màu xanh mướt của rừng già sau khi cơn “lốc trắng” quét qua.
Khi chúng ta đang chờ đợi một bản án được tuyên cho ông trùm ma túy Văn Kính Dương và đồng phạm vào ngày 14/5, thì một bộ phận người trẻ vẫn đang lên mạng thể hiện sự “tôn sùng”, ví hắn như một tấm gương “dám nghĩ dám làm, con người luôn hướng đến điều cao cả, tốt đẹp…?!”
Thậm chí những “fan” này còn so “thành tích” khủng trong đường dây ma túy của Văn Kính Dương là một sự “tái hiện lại lịch sử thế giới”, sánh ngang với ông trùm ma túy khét tiếng người Colombia – Pablo Escobar. Họ nói ông trùm ma túy hành động nghĩa hiệp, không giết người, chỉ “giỏi buôn bán”, nhưng người ta quên mất nỗi kinh hoàng mà ma túy gây ra cho xã hội còn kinh khủng hơn một vụ giết người.
Ma túy – cái chết trắng đến từ từ, để lại hậu quả lâu dài và những nỗi đau âm ỉ. Có một bản làng ở miền Tây Nghệ An đã bị “kết án” như thế khi cơn lốc ma túy quét qua, để lại cho nơi đây những mảnh đời bất hạnh.
Nơi đây có địa hình sông núi hiểm trở, rừng rậm bạt ngàn tiếp nối sang nước bạn Lào. Hầu hết cư dân ở đây là dân tộc thiểu số, trình độ dân trí và kinh tế chưa cao, cuộc sống còn nhiều khó khăn.
Thung lũng đẹp như trong tranh, xanh mướt và êm đềm, nhưng ẩn bên trong đó là những bão táp, tàn tích và nỗi đau mà cơn lốc ma túy đã để lại cho bản làng.
Lợi dụng những điều này, các ông trùm ma túy xuyên quốc gia đã dụ dỗ những thanh niên bản làng rơi vào cạm bẫy ma túy, từ đó thao túng, điều khiển họ như những con rối trong đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy của mình. Dần dần, những bản làng yên bình nằm sâu dưới rừng già trở thành ổ nghiện, chợ ma túy.
Bản làng bị kết án
Bản Xốp Mạt (Lượng Minh, Tương Dương, Nghệ An) từ những năm 90 của thế kỷ trước đã nổi lên như một thủ phủ ma túy của cả vùng. Bản nằm dựa lưng vào dãy Pù Lôm hùng vĩ, nhìn ra dòng Nậm Nơn hiểm trở, có đường tiểu ngạch dẫn sang Lào, lại có đường độc đạo nối ra QL 7 đi về xuôi, cách trung tâm huyện xã.
Bản làng nằm hòa mình vào rừng núi.
Ở đây đời sống đồng bào còn khó khăn, hiểu biết hạn chế, lợi dùng những yếu tố này, các ông trùm đã sớm biến nơi đây thành điểm tập kết và trung chuyển ma túy lý tưởng. Ma túy từ Tam Giác Vàng, qua Lào, về đến Việt Nam sẽ được đưa về đây trước khi xé lẻ ra bán trong nước hoặc vận chuyển đi nước khác.
Thanh niên và đàn ông trong bản gần hết đều rơi vào cạm bẫy nghiện ngập, trở thành “nô lệ” cho những ông trùm. Những khoản tiền công rất ít ỏi, chỉ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn để vận chuyển cả kg ma túy đi hàng chục km, thế nhưng đói thuốc, họ vẫn bán mạng làm liều.
Mãi đến năm 2012, sau hàng chục năm bị ma túy tàn phá thì bản làng này mới được “cứu rỗi”. Chính quyền đã quyết định chuyển cả bản ra gần trung tâm xã để cách ly con đường độc đạo nối sang Lào, cách ly người dân với ma túy.
Theo thông tin từ chính quyền cung cấp, thời điểm cao điểm nhất, xã Lượng Minh có hơn 250 người nghiện được xác định, hầu hết những người nghiện đều nghèo, không có tiền sử dụng ma túy, dẫn đến phải vận chuyển “hàng” thuê cho các ông trùm.
Một mái nhà tạm cao hơn đầu người một chút được dựng lên trong khi chờ nhà nước hỗ trợ. Ba thế hệ xuất hiện nhưng không nhìn thấy một người đàn ông nào.
Có những giai đoạn, người bên ngoài vào xã hoặc là tội phạm, hoặc người nghiện vào mua ma túy, hoặc là công an vào bắt tội phạm. Hàng chục người ở xã có tiền án, tiền sự, có người vào tù ra tội nhiều lần.
Hiện nay, chỉ tính riêng bản Xốp Mạt đã có 13 người đang thi hành án phạt tù, có 3 người vừa mãn hạn về địa phương. Nhiều người đã chết do xốc thuốc, do HIV, nhiều gia đình tan cửa nát nhà, nhiều trẻ em, phụ nữ trở thành cô nhi, quả phụ.
Người phụ nữ đang nấu xôi, nướng mấy con cá nhỏ và nhặt rau vặt cho bữa tối. Gia đình chị là một trong những hộ nghèo nhất bản, sắp được nhà nước hỗ trợ xây cho một căn nhà mới.
Mặc dù năm nay bản không ghi nhận có trường hợp con nghiện nào đang ở địa phương, tuy nhiên những tàn tích mà cơn “lốc trắng” để lại đã biến nơi đây có lúc được mệnh danh là bản mồ côi, bản không chồng.
Đến nay, cái danh thủ phủ ma túy vẫn ám ảnh mảnh đất này mà như một vị cán bộ xã chia sẻ rằng “con nghiện các nơi vẫn vì cái danh tiếng đó mà lui tới”. Hậu quả cơn “bão trắng” như một bản án đã được tuyên đối với mảnh đất này, chưa biết bao giờ sẽ mãn hạn.
Phạt tù: Những bản án “nhẹ nhàng” ở nơi chuyện đi tù đã quá nhiều
Bản Xốp Mạt nằm trên vách núi, sát mép thung lũng sông Nậm Nơn, ánh mặt trời phải leo qua dãy núi cao mới xuyên qua lớp sương mờ, rọi sáng bản làng. Nắng chiều cũng sớm tắt khi mặt trời qua khuất bên kia đỉnh Pù Lôm, bỏ lại dưới khe núi những hơi thở chậm chạp của cuộc sống.
Dưới đỉnh Pù Lôm, nhịp sống diễn ra chậm chạp, ở đây, người phụ nữ phải làm hầu hết mọi công việc.
Chia sẻ với Pv., trưởng bản Lô Văn Phê cho biết, hiện bản chỉ có 44 hộ nhưng kể ra không biết bao nhiêu cảnh đời đã tan nát vì ma túy. Ngay cạnh sát vách nhà vị trưởng bản này có 3 gia đình thì hai gia đình cả vợ và chồng đều đã chết vì nhiễm HIV, để lại 3 đứa trẻ mồ côi phải sống nương nhờ ông bà ngoại và họ hàng. Một gia đình khác cả vợ lẫn chồng đều phải vào tù vì buôn ma túy, hiện chồng đã mãn hạn về còn vợ vẫn đang trong thời gian thi hành án.
Hiện bản đang có 13 người phải chấp hành án phạt tù. Nhiều người đã mãn hạn tù về địa phương nhưng không còn nhà cửa, gia đình ly tán. Có gia đình, chồng buôn ma túy bị bắt, vợ lại theo chân chồng bị bắt, con cái phiêu bạt không biết nơi nào. Có gia đình, chồng chết vì ma túy, vợ con đều theo nhau vào nhà đá cũng vì ma túy.
Dân bản chỉ sống chủ yếu bằng chăn thả bò, lợn, dê, tuy nhiên chia đầu người không đủ mỗi người một con.
Điều trăn trở nhất của vị trưởng bản này là những người đi tù về rồi tái phạm rất nhiều, có người đi tù 3, 4 lần. Những người thi hành án xong về nhà thì không có công ăn việc làm. Bản vốn đã nghèo lại bị ma túy tàn phá, có thời điểm cả bản chỉ có 1 hộ duy nhất thoát nghèo.
Theo chỉ dẫn của người dân, Pv. tìm đến một căn nhà tuềnh toàng ở cuối bản. Gọi là căn nhà nhưng thực chất nó chỉ hơn túp lều một chút, không có khả năng che chắn gió, không có khả năng che mưa nắng và không có bất kỳ đồ đạc gì ngoài một cái chai đựng nước uống và một cái nồi kê trên 2 hòn gạch để nấu cơm.
Ngôi nhà của một người mới thi hành án phạt tù trở về địa phương.
Một người đàn ông đang cởi trần nằm trên cái giường tre không có chiếu ở trong nhà. Trong nhà sặc mùi rượu, người đàn ông giới thiệu tên, cho biết năm nay ông đã 58 tuổi, mới thi hành án phạt tù về địa phương.
“Mình mua ma túy về dùng, hôm đó có bạn (nghiện) đói thuốc đến nhà, cứ nằm vật vờ nên mình đưa thuốc cho nó dùng, đúng lúc công an vào nên bị bắt. Mình bị tuyên 14 năm tù, thi hành án xong năm 2017.
Sau khi thi hành án phạt tù 14 năm trở về, người đàn ông không có việc làm, sống lay lắt trong căn nhà tạm bợ, chiếc giường không có chiếu, không có bất kỳ tài sản nào đáng giá.
Về thì vợ con bỏ đi rồi, còn một mình thôi, nhà cũng không còn nữa, mình dựng nhà này ở. Bây giờ mình chăn dê hộ người ta, sống nhờ trợ cấp của nhà nước”, người đàn ông chia sẻ.
Trước khi Pv. ra khỏi nhà, người đàn ông còn khẳng định một câu chắc nịch rằng “bây giờ mình làm gì cũng được, quyết không làm chuyện phạm pháp nữa đâu”. Hi vọng những lời khẳng định này là thật chứ không phải được nói trong lúc say, cũng hy vọng những người thi hành án tù xong về cũng có suy nghĩ như người đàn ông này.
Những “bản án chung thân” được tuyên khi còn chưa lọt lòng
Trong bản làng bất hạnh này, không thiếu những đứa trẻ đã không còn bố mẹ, có đứa bố mẹ bị bắt, có đứa bố mẹ đã chết. Có đứa bất hạnh hơn, bố mẹ nhiễm HIV, sinh ra đã mang căn bệnh thế kỷ, rồi bố mẹ lại chết phó mặc các em cho xã hội.
Những đứa trẻ bất hạnh sớm biết hoàn cảnh của mình, dù ở đây mọi người đùm bọc, hòa đồng, nhưng sự thiếu thốn mọi thứ luôn hiện lên trong ánh mắt các em. Cùng cảnh ngộ, những đứa trẻ này sớm lại gần nhau để trở thành những nhóm bạn thân, đỡ đần nhau trong cuộc sống.
L.A., M.N và P.C. là ba đứa trẻ có cùng cảnh ngộ mồ côi bố mẹ, các em lại cùng tuổi nên đã sớm trở thành một nhóm bạn thân.
Nhắc đến những hoàn cảnh đáng thương trong bản, người ta nói nhiều đến P.T.. Bé gái năm nay 11 tuổi, bố mẹ em đều đã chết vì HIV. Em không được thừa kế bất kỳ cái gì ngoài căn bệnh thế kỷ mà bố mẹ để lại từ khi mới lọt lòng.
Bố mẹ mất, P.T. và chị gái về ở với ông bà ngoại, thế nhưng ông bà ngoại cũng rất khó khăn, không có tiền và khả năng nuôi các em, cũng không có điều kiện xuống thành phố lấy thuốc hãm bệnh cho em từng tháng.
Rất xinh đẹp nhưng P.T. có phần chậm chạp hơn các bạn cùng trang lứa.
Có lẽ may mắn lớn nhất của cuộc đời bé gái này là được bà Lương Thị Hồng, nguyên trạm trưởng trạm y tế xã mang về nuôi nấng. Dù không máu mủ ruột rà, bà Hồng vẫn cho hai chị em P.T. ăn học đầy đủ. Hằng tháng bà vẫn cất công đi hơn 200km xuống thành phố lấy thuốc hãm bệnh cho em. Đã 8 năm nay, em được một tay người phụ nữ này nuôi nấng, chăm bẵm dù trong mình mang căn bệnh mà nhiều người ngại đến gần.
Vì hoàn cảnh, những đứa trẻ bị ma túy “kết án” từ thuở mới lọt lòng này có phần rụt rè, ngại tiếp xúc với người lạ. Các em sợ hãi, bỏ chạy khi có người hỏi đến. P.C. năm nay đã lớp 7, thế nhưng khi có người hỏi, em đã chạy một mạch trốn biệt tăm. Hỏi ra thì mới biết rằng em sợ bị người lạ bắt cóc, có lẽ cậu bé bị ám ảnh bởi điều gì đó.
M.N. cũng là một đứa trẻ mồ côi, vì thiếu sự chăm sóc chu đáo, sức khỏe của em rất yếu, em gần như không làm được công việc gì cả.
Bố mẹ mất từ nhỏ vì HIV, M.N. về ở với bà ngoại. Trong một lần đi qua cầu treo, em bị rơi xuống sông, từ đó sức khỏe của cô bé yếu đi trông thấy. Hiện tại, thân hình em phát triển không bình thường, đầu và bụng to bất thường khi tay chân lại rất yếu đuối. Bà ngoại M.N. cho biết chỉ cần đi bộ một quãng là em đã thở hổn hển rồi, dù đã lớp 7 nhưng em không phụ giúp gia đình được bất kỳ việc gì cả.
Lặng lẽ dưới thung lũng mờ sương này là một bản làng bị “kết án”, những con người tội lỗi đã phải lĩnh án và những đứa trẻ tội nghiệp đã bị “tuyên án’ từ khi mới lọt lòng. Ma túy đi qua, quét sạch những sự yên vui, nó để lại, gieo thêm vào cuộc sống những sự tang tóc, đau thương mà chưa biết bao giờ mới dứt.