Bản di chúc viết sẵn của mẹ “chú lính chì” Thiện Nhân

Tôi sẽ tìm lại một khu rừng, mở mắt dậy lần cuối trong căn nhà gỗ bé xíu, chờ bình minh hiện lên trên con hồ nhỏ.

7 cái dây coin platinum nút cho động mạch chủ khỏi vỡ bung đã nằm trong não tôi từ nhiều năm. Di chúc cho 3 cậu con trai Thiên Minh, Hải Minh, Thiện Nhân tôi cũng đã viết trước khi vào ca nút mạch sinh tử đó.

Chính vì vậy, nếu chỉ còn một ngày để sống tôi không cần lo viết di chúc nữa. Bởi những gì một người mẹ di chúc lại dặn dò 3 đứa con trai bé bỏng yêu thương nhau không bao giờ là cũ. 

Bản di chúc viết sẵn của mẹ chú lính chì Thiện Nhân - Ảnh 1.

Trong bản di chúc ấy, riêng cậu Út Thiện Nhân, thì được dặn thêm:“…Còn Thiện Nhân là bé nhất, ở cạnh mẹ ít nhất nên thiệt thòi nhất. Mẹ thương con nhất trong mấy anh em. Thiện Nhân nhạy cảm, thông minh, tinh lanh nhưng con nhớ không được hư nhé.

Con phải nghe lời các anh, chăm sóc các anh cho mẹ nghe chưa. Con phải học thật giỏi, thật thành đạt, phải là chàng trai mạnh mẽ, đầy lòng nhân ái, sẵn lòng giúp đỡ mọi người dù bất cứ kết quả chữa bệnh của con được tới đâu…”.

Đấy là nguyên văn đoạn di chúc tôi viết năm 2012. Nhưng bây giờ, nếu bảo tôi có muốn chỉnh sửa gì không thì chắc chắn tôi sẽ xóa đi hai 3 từ “học thật giỏi”. Tôi không muốn gây áp lực cho con và cũng biết rằng học giỏi không phải là tất cả.

Tôi có thói quen trong hoàn cảnh nào cũng chọn làm điều tốt nhất có thể rồi bước tiếp, không mất thời gian cho việc quay đầu lại “giá như” hay ân hận. Mỗi ngày của tôi là đi làm văn phòng, nuôi dạy 3 đứa con rồi đùa nghịch với chúng.

Tiếp đến là dành một phần năng lượng đeo đuổi hành trình phẫu thuật “Thiện Nhân và những người bạn”, viết lách và yêu đương. Với tôi thế là đủ.

Bản di chúc viết sẵn của mẹ chú lính chì Thiện Nhân - Ảnh 2.

Khi ra khỏi nhà vào buổi tối, dù là đi có việc tôi vẫn thường nói với bọn trẻ :“Mẹ mặc thế này được chưa, mẹ đi chơi đây nhé”. Bọn trẻ sẽ góp ý mẹ thay cái váy nào hợp hơn, đi cùng đôi giày nào thì mới chất.

Sau khi hài lòng với người mẹ xinh đẹp của chúng, thì chúng sẽ bảo “mẹ đi chơi đi, đi thoải mái đi, mẹ không cần lovề đâu”. Và tôi hiểu, với các con tôi, mẹ chúng vui vẻ hạnh phúc là điều làm chúng vui nhất.

Vậy chỉ còn một ngày để sống, tôi sẽ có nguyên ngày đó để sống thật “vô trách nhiệm” nhất và chỉ rong chơi. Tôi sẽ ra đi thoải mái, không cần lo về đâu – các con tôi cũng đã dặn như thế.

Khi chúng ta đã chấp nhận và đeo theo mình rất nhiều trách nhiệm trong suốt cuộc đời này, thì “vô trách nhiệm”cũng là một thứ nhân quyền mà chúng có thể sử dụng một lần trong ngày cuối cùng của mình.

Tôi sẽ:

– Kệ các con đói, không thèm nấu cho chúng ăn, trước sau gì chúng cũng không đói mãi, những đứa trẻ thông minh và háu ăn ấy sẽ tự biết làm.

– Không nhấc bất cứ cuộc gọi nào vì quá ghét các kiểu chuông kêu, các kiểu giục giã.

– Thôi không lo nghĩ chuyện mấy đứa trẻ con ở đâu đó còn đang chờ được phẫu thuật. Một ngày thì đâu có giải quyết được gì trong chúng còn cần phải nhiều nhiều kỳ mổ nữa.

– Lờ tịt luôn mấy chuyện yêu đương, đừng trông đợi người nào khác vì mình mà hy sinh hay chết thay.

Tôi sẽ tìm lại một khu rừng, mở mắt dậy lần cuối trong căn nhà gỗ bé xíu, chờ bình minh hiện lên trên con hồ nhỏ. Bình minh là thời khắc đẹp nhất bắt đầu của một ngày, kết thúc của một đêm dù nắng đẹp hay bão dông. Tôi sẽ ra đi như thế.

Sau những năm tháng chiến đấu miệt mài với số phận để giành lại cuộc sống và nhiều thứ quý giá nhất cho Thiện Nhân, Trần Mai Anh đã cùng nhà hảo tâm Greig Craft và bác sĩ Roberto De Castro, lập ra Chương trình Thiện Nhân và Những người bạn (TN&F) để tổ chức phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ em không may mắn.

TN&F đã được sự góp mặt tình nguyện của hàng chục bác sĩ khắp thế giới. Từ tháng 8-2011 đến nay, TN&F đã khám tư vấn 1.500 ca, phẫu thuật 410 ca, tổ chức nhiều hội thảo trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực tiết niệu, tái tạo bộ phận sinh dục…

Trần Mai Anh còn vận động rất nhiều nhà hảo tâm khác giúp đỡ về kinh tế (chu cấp hàng tháng) đối với nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên nhiều tỉnh thành cả nước.