Bạch Long Vĩ – Hòn đảo bí ẩn và diệu kỳ giữa trùng khơi

Qua 30 năm, huyện đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) đã mang dáng dấp một đô thị thu nhỏ hiện hữu với nhiều điều thú vị. Nhưng Bạch Long Vĩ không phải là nơi dễ đến, dễ đi. Hành trình từ đất liền ra đảo với khoảng thời gian từ 6-7 giờ lênh đênh trên biển, đối với những cơn say sóng giữ dội nên ngay cái với những người dân đất Cảng, Bạch Long Vĩ vẫn ẩn chứa những điều bí ẩn và kỳ diệu, thôi thúc một sự khám phá nơi mảnh đất tiền tiêu của Tổ quốc mình…

Bứt phá diệu kỳ nơi đảo xa 

Là đảo đá nằm giữa trùng khơi, trong một thời gian dài, đảo chỉ là nơi tránh trú bão của ngư dân. Tới đầu thế kỷ 20, đảo bắt đầu có người tới sinh cơ lập nghiệp.

Huyện đảo Bạch Long Vĩ nằm trên 1 trong 8 ngư trường lớn của Vịnh Bắc Bộ, có nguồn tài nguyên sinh vật biển phong phú. Đây cũng là chỗ dựa để ngư dân yên tâm khai thác hải sản xa bờ, vào tránh trú gió, làm hàng. Do đó, mặc dù có diện tích không lớn nhưng huyện đảo có vị trí chiến lược, tầm quan trọng đặc biệt về quốc phòng – an ninh và trong phát triển kinh tế biển.

x4
Ngọn hải đăng cùng hình ảnh lá cờ Tổ quốc đánh dấu chủ quyền biển đảo

Ông Trần Quang Tường, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vĩ cho biết, ngày 09/12/1992, Chính phủ ban hành Nghị định số 15/CP do Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký, chính thức thành lập huyện Bạch Long Vĩ, trực thuộc thành phố Hải Phòng.

Ngày 18/2/1993, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng ra Quyết định số 428 về việc thành lập Đảng bộ huyện Bạch Long Vĩ trực thuộc Thành ủy Hải Phòng.

Sau khi có Quyết định thành lập Đảng bộ huyện Bạch Long Vĩ, ngày 26/2/1993, UBND TP Hải Phòng ra Quyết định số 537 về việc thành lập UBND lâm thời huyện Bạch Long Vĩ.

Đến ngày 26/3/1993, đội ngũ cán bộ huyện lâm thời đi tàu HQ 675 của Vùng 1 hải quân ra đảo. Ngày 27/3, Huyện ủy lâm thời, UBND huyện lâm thời đã tổ chức Lễ ra mắt chính thức tại Nhà truyền thống của Trung đoàn 952.

Bạch Long Vĩ cần trở thành trung tâm tìm kiếm cứu nạn, hậu cần nghề cá và phát triển du lịch Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, Bạch Long Vĩ cần hướng đến ba mục tiêu lớn: Trở thành trung tâm tìm kiếm cứu nạn kết hợp trung tâm hậu cần nghề cá, ngư trường lớn của vịnh Bắc bộ; trở thành điểm du lịch truyền thống kết hợp du lịch trải nghiệm; đồng thời phấn đấu trở thành trung tâm nuôi trồng thủy sản công nghệ cao.

Năm 1993, lớp thanh niên đầu tiên ra đảo, chỉ có một dãy nhà dành cho bộ đội, đất đai cằn cỗi, chỉ có cát, sỏi và xương rồng, nước ngọt khan hiếm. Ngày đầu, với 25 cán bộ và 62 đội viên thanh niên xung phong ra xây dựng huyện đảo, đến nay hệ thống chính trị của huyện được thành lập khá đầy đủ.

Chưa có điện, tối đến đèn dầu tù mù, sóng biển ầm ào làm cho nỗi nhớ nhà của những cư dân trẻ nhân lên gấp bội. Tàu từ đất liền ra đảo lúc đó 1 năm chỉ có 1 đến 2 chuyến, cả đội phải thay nhau về.

Khó có thể kể hết những gian truân thời gian đầu, nhưng rồi với sức trẻ, anh chị em trong đội động viên nhau, bởi đã xác định ra đảo là quyết tâm bám trụ, xây dựng đảo giàu đẹp…

x1

Đoàn công tác của Thành ủy Hải Phòng trong chuyến thăm và làm việc với huyện Bạch Long Vĩ.

Ông Tường chia sẻ, đến nay huyện đã thực hiện tuyển 9 đợt dân ra đảo. Huyện có hơn 300 hộ dân, việc làm và đời sống nhân dân cơ bản ổn định và phát triển; 100% hộ dân được sử dụng điện, nước ngọt, có sử dụng điện thoại, máy thu hình và phương tiện thông tin truyền thông, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 50 triệu đồng; từ năm 2004 đến nay huyện không còn hộ nghèo (theo tiêu chí mới). Đã có nhiều đôi nam nữ xây dựng gia đình tại đảo và yên tâm lập nghiệp.

Có trên 100 cháu đã sinh ra và lớn lên ở đảo. Một số cháu bé theo bố mẹ ra đảo từ ngày đầu nay đã xây dựng gia đình, có 8 cháu đã được tuyển vào làm việc tại cơ quan, đơn vị sự nghiệp ở huyện. Ngân hàng Chính sánh TP đã thành lập Tổ giao dịch tại huyện, cho các hộ dân vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh, cải tạo công trình vệ sinh, nước sạch, với số vốn trên 6 tỷ đồng…

Ở Bạch Long Vĩ, trước đây điện và nước ngọt là hai thứ quý và hiếm nhưng cho đến nay toàn huyện đảo đã được dùng điện lưới 24/24. Đảo“vô thủy”, đảo hoang xưa giờ đã có một hồ nước ngọt với tổng dung tích 45 nghìn m3 cùng hệ thống thủy lợi, bảo đảm đủ cung cấp nguồn nước ngọt cho toàn huyện đảo. Những bãi cát xưa khô cằn, sỏi đá, giờ mọc lên nhiều công trình như trường học, bệnh xá quân dân y, nhà khách, trạm Kiểm ngư, Cảnh sát biển, Ban Chỉ huy quân sự huyện, khu công viên Liên đội TNXP, những cột tiếp sóng cao vút phủ sóng liên lạc một vùng biển, đảo rộng lớn, cạnh đó là ngọn hải đăng miệt mài chiếu sáng dẫn đường cho tàu bè qua lại bất chấp bao nhiêu lần mưa giông, gió bão…

Qua gần 30 năm hình thành và phát triển, đến nay kinh tế huyện đảo đã đạt được những kết quả quan trọng, tổng giá trị các ngành kinh tế liên tục tăng trưởng khá qua các năm Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo phát triển khá toàn diện các lĩnh vực kinh tế; trong đó, tập trung cao vào khai thác các tiềm năng lợi thế của huyện, chú trọng đẩy mạnh phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, khai thác và nuôi trồng thủy sản, tiến tới phát triển du lịch…Tổng huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt trên 2.500 tỷ đồng…

Rưng rưng những viên gạch ghi dấu chủ quyền 

Trên đảo, ngoài nghĩa trang Liệt sỹ huyện đảo Bạch Long Vĩ tưởng nhớ tới công lao to lớn của các Anh hùng Liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do Tổ quốc là khu Chùa Bạch Long, nơi gửi gắm đời sống tâm linh, tinh thần của nhân dân huyện đảo và ngư dân khai thác thủy sản trên ngư trường nơi đây… Bởi khi đặt chân đến đảo ai cũng hỏi, đã đến Lầu Phật, đã tới thăm khu đền và chùa chưa?

Chùa được khởi công xây dựng năm 2008 thể theo nguyện vọng của nhân dân, thể hiện chính sách tôn giáo rộng mở của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Chùa được khánh thành năm 2009. Chùa được thiết kế với diện tích 300m2 trên khuôn viên hơn 1.000m2.

Cùng với khung cảnh trên đảo không gian chùa rợp bóng cây xanh. Dù không hề dễ trồng, nhưng cây cối trên đảo, và nhất là trong khu vực đền, chùa vẫn đẹp rực rỡ. Cây cối ra hoa, kết trái thể hiện cho sức sống bền bỉ, chịu nắng gió, mưa giông của các chiến sĩ và người dân trên đảo.

x2

Bạch Long Vĩ là một trong 8 ngư trường lớn của Vịnh Bắc bộ, nhìn từ trên cao giống đuôi của một con rồng.

Theo người dân nơi đây, chỉ cần một trận bão, mọi thứ hoa màu, cây cối đều có thể bị tàn phá. Bởi thế, cây cối ở khắp đảo cứ phải trồng đi trồng lại. Có những cây bàng phải mất 10 năm vẫn chưa vươn lên cao được, nhưng cây ở miền tâm linh thì luôn bền bỉ cùng với thời gian.

Nhìn vào những bông hoa, nhưng cây quả sạm đi vì gió cát nhưng vẫn ra hoa kết trái, luôn tràn đầy sức sống… Đó là cả một miền tâm linh của toàn bộ những người dân bám biển, bám đảo cùng với những lực lượng vũ trang trên đảo. Và đó cũng là món quà vô giá dành cho cả những người khách đến với đảo xa qua mỗi chuyến tàu hiếm hoi hàng năm.

Trong những năm qua, Chùa Bạch Long không chỉ góp phần làm phong phú đời sống tinh thần và giữ gìn văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, mà trở thành một trong những biểu tượng gắn với chủ quyền của Tổ quốc.

Những ngày mùng 1, ngày rằm và các ngày lễ Tết, chùa Bạch Long là nơi người dân của đảo và các ngư dân đến chiêm bái, cầu mong sự an lành, cuộc sống ấm no, biên giới an bình, tránh được những trận gió bão khốc liệt…

Cùng với Chùa Bạch Long, địa điểm tâm linh ở huyện đảo Bạch Long còn có đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Lầu thờ Phật đã tạo thành quần thể di tích văn hóa đặc biệt của đảo. Ngôi đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo nằm sát âu tàu trên đảo.

Lầu Phật tọa lạc trên đỉnh Bạch Long, thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Lầu Phật được khởi công xây dựng năm 2012 từ nguồn kinh phí cung tiến của các nhà hảo tâm, Lầu Phật được làm bằng hoàn toàn gỗ lim, cao hơn 7m tọa lạc trên đỉnh núi Bạch Long, một vị trí linh thiêng, kỳ bí.

Bà con nhân dân huyện đảo chia sẻ, để đánh dấu chủ quyền linh thiêng của Tổ quốc, mỗi viên gạch lát tại đây đều được khắc dòng chữ: “Nước CHXHCN Việt Nam”. Những viên gạch đó cùng từng xe cát, từng viên sỏi đều có công sức của toàn bộ lực lượng vũ trang và người dân trên đảo. Đó là cách để những công dân trên đảo thể hiện chủ quyền biển đảo, thể hiện tình yêu quê hương của mình.

Theo Hoà thượng Thích Quảng Tùng, Trưởng Ban ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hải Phòng, Chùa Bạch Long nơi đây với mỗi mái chùa, ngọn tháp, viên gạch không chỉ mang đời sống tâm hồn thẳm sâu của người Việt, mà còn được coi là hình ảnh thân yêu về quê mẹ của mỗi người con rời xa đất liền ra đảo…

Đến thăm Đảo Bạch Long Vĩ, khách phương xa có dịp lễ Chùa Bạch Long, thắp một nén nhang thành kính dâng hương để thấy lòng mình thanh thoát, tĩnh tại và an lành, cầu nguyện cho quốc thái, dân an…

Có thể nói, sự cách biệt địa lý, không gian cũng như ý nghĩa đặc biệt về quốc phòng, an ninh đã tạo nên một Bạch Long Vĩ đầy ấn tượng. Để đi được tới Bạch Long Vĩ là một hải trình dài đằng đẵng trên những con tàu lớn vượt qua bao lớp sóng biển trùng khơi, thôi thúc một sự trải nghiệm, một hành trình rất dài từ đất liền ra đến đảo…

Bạch Long Vĩ là tên gọi đã có từ lâu dời xuất hiện từ truyền thuyết một con rồng trắng từ trên trời đáp xuống và lưu lại ở vùng biển Quảng Ninh – Hải Phòng và đảo Bạch Long vĩ là cái đuôi con rồng thiêng đó. Nhìn từ trên cao hòn đảo này có hình dạng giống đuôi của một con rồng. Bạch Long Vĩ là hòn đảo xa bờ nhất của Việt Nam trên vịnh Bắc Bộ, cách đất liền khoảng 140 km, có diện tích khoảng 2,5km2 khi thuỷ triều lên và 4km2 khi thuỷ triều xuống…

Dù là đơn vị hành chính cấp huyện nhưng Bạch Long Vĩ lại không có đơn vị hành chính cấp xã, phường mà chỉ có các tổ dân phố. Viện KSND, TAND huyện Bạch Long Vĩ có lẽ là những cấp Tòa, Viện “nhàn nhất” trong hệ thống tư pháp Việt Nam bởi gần như cả năm họ… “thất nghiệp”. Chưa từng có vụ trộm cắp, cướp giật nào xảy ra ở huyện từ ngày thành lập tới nay.

Một điểm đặc biệt nữa là dân số ở đảo Bạch Long Vĩ có tuổi đời rất trẻ, độ tuổi trung bình của người dân nơi đây còn chưa tới 40, người có số tuổi cao nhất chưa đến 50. Và hơn 20 năm qua, các cơ quan, đơn vị trên đảo vẫn duy trì nghi thức chào cờ vào 7h sáng bất kể nắng, mưa…thể hiện một tình yêu biển, yêu đảo, yêu Tổ quốc luôn cháy trong tim mỗi người. Hòa quyện vào mảnh đất này là hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc tung bay trong gió cùng tiếng sóng biển rì rào… rưng rưng trong mỗi chúng ta một niềm cảm xúc, tự hào khó tả…