Theo bác sĩ Lương, quy trình bảo dưỡng, sửa chữa, bàn giao hệ thống RO sau sửa chữa tại BVĐK Hoà Bình hoàn toàn không có từ trước đến nay nên bác sĩ không thể có hành vi cẩu thả.
Ngày 12/9, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình hoàn tất bản kết luận điều tra bổ sung lần hai vụ án liên quan đến sự cố chạy thận khiến 9 người tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Tại bản kết luận điều tra bổ sung lần này, bác sĩ Hoàng Công Lương (32 tuổi) bị đề nghị truy tố tội Vô ý làm chết người, thay vì tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng như bản kết luận điều tra bổ sung trước đó.
Liên quan đến việc này, bác sĩ Hoàng Công Lương cho biết, ngày 15/9, anh đã gửi đơn khiếu nại tới Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hòa Bình; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hoà Bình liên quan đến trách nhiệm hình sự của mình.
Theo BS Lương, nguyên nhân gây tử vong cho người bệnh trong vụ án đã được cơ quan chuyên môn có kết luận do tồn dư hoá chất Axit Flohydric (HF) trong hệ thống nước RO sau bảo dưỡng, sửa chữa; hoàn toàn không có mối quan hệ nhân quả liên quan tới công tác khám và ra y lệnh lọc máu của bác sĩ điều trị.
BS Lương cho rằng, quy trình bảo dưỡng, sửa chữa, bàn giao hệ thống RO sau sửa chữa tại BV Đa khoa tỉnh Hoà Bình hoàn toàn không có từ trước đến nay nên bác sĩ không thể có hành vi cẩu thả nào trong quy trình đó.
Hoạt động lọc máu thận nhân tạo tại BV Đa khoa tỉnh Hoà Bình, ngoài việc thăm khám người bệnh đủ sức khoẻ lọc máu và quan sát đồng hồ đo độ dẫn điện báo chỉ số an toàn, bác sĩ điều trị không có bất kỳ cách gì để nhận biết hệ thống RO sử dụng không an toàn, càng không thể nhận biết đồng hồ có khả năng sai số.
Cũng theo BS Hoàng Công Lương, tại thời điểm xảy ra sự cố, do Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh Hoà Bình cũng như BVĐK tỉnh Hoà Bình đều không ban hành bất kỳ văn bản nào quy định về quy trình vận hành, sử dụng, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO, bác sĩ điều trị phải báo cáo trưởng khoa và phải có ý kiến chỉ đạo của trưởng khoa mới cho phép bác sĩ ra y lệnh lọc máu, nên không thể buộc trách nhiệm đối với BS Lương về lỗi cẩu thả làm chết người.
“Kết luận tôi có lỗi cẩu thả do không thấy trước được hậu quả chết người từ việc sử dụng nguồn nước RO không an toàn khi chưa có ý kiến chỉ đạo của trưởng khoa là không có căn cứ“, bác sĩ Lương trình bày.
Bác sĩ Lương nêu rõ, anh không ký, không được giao thực hiện, không nhìn thấy hợp đồng sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO số 2 nên không biết các bên giao kết hợp đồng.
BS Lương không đồng ý với Bản kết luận điều tra bổ sung lần 2 kết luận bổ sung một nguyên nhân khác gây ra hậu quả làm chết người trong vụ tai biến chính là tình trạng bố trí nhân lực không đầy đủ và cần thiết. Cả 2 nguyên nhân tồn dư hoá chất sau sửa chữa hệ thống RO và bố trí nhất lực đều không liên quan đến công việc điều trị của bác sĩ.
Ngoài ra, bác sĩ Lương cũng kiến nghị thêm một số vấn đề và đề nghị cơ quan chức năng xem xét thấu đáo, toàn diện, khách quan vụ án để có phán quyết đúng đắn.
Diễn biến tố tụng từ phiên tòa sơ thẩm
Từ ngày 15 đến 30/5/2018, TAND TP Hòa Bình xét xử 3 bị cáo vụ chạy thận làm 9 bệnh nhân tử vong. Đại diện VKS đề nghị tuyên phạt Hoàng Công Lương 30-36 tháng tù treo, Trần Văn Sơn 4-5 năm tù và Bùi Mạnh Quốc 5-6 năm tù.
Ngày 5/6, HĐXX tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều tình tiết quan trọng.
Ngày 4/7, Công an tỉnh Hòa Bình khởi tố thêm 2 bị can: Hoàng Đình Khiếu (cựu phó giám đốc) và Trần Văn Thắng (cựu trưởng phòng Vật tư BV đa khoa tỉnh Hòa Bình) về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngày 25/7, Sở Y tế Hòa Bình thu hồi chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh đối với BS Hoàng Công Lương .
Ngày 23/8, CQĐT tiếp tục khởi tố ông Trương Quý Dương (cựu giám đốc BV đa khoa tỉnh Hòa Bình) về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngày 24/8, CQĐT Công an tỉnh Hòa Bình quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can đối với Hoàng Công Lương từ tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng thành vô ý làm chết người.