Mới đây (7/1), UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành văn bản số 50/UBND-KSTT về việc cho phép được sử dụng thêm con dấu thứ 2 để thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “5 tại chỗ”(Tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả).
Theo đó, chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Ninh được thực hiện theo Quyết định số 299/QĐ-UBND ngày 01/9/2021 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc phê duyệt Đề án “Thực hiện cơ chế “5 tại chỗ” và quy trình điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công tinh và Trung tâm Hành chính công cấp huyện trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Cùng với đó là Quyết định số 1691/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh về việc phê duyệt danh mục thủ tục hành chính thực hiện tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu, trả kết quả tại Trung tâm Hành chính công cấp huyện (đợt 1).
Văn bản nêu rõ, UBND tỉnh Bắc Ninh cho phép UBND các huyện, thành phố và các phòng, ban chuyên môn trực thuộc có thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế “5 tại chỗ” được sử dụng thêm con dấu thứ 2 (dấu tròn, ướt) để giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “5 tại chỗ” (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu, trả kết quả) tại Trung tâm Hành chính công cấp huyện.
Cũng tại văn bản, tỉnh Bắc Ninh yêu cầu UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm liên hệ với Công an tỉnh Bắc Ninh để được hướng dẫn, thực hiện thủ tục làm con dấu thứ 2. Việc sử dụng, quản lý con dấu thứ 2 thực hiện theo quy định hiện hành.
Trước đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1200/QĐ-UBND phê duyệt 122 danh mục thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của 10 Sở, ban ngành thuộc tỉnh thực hiện “5 tại chỗ” tại Trung tâm Hành chính công tỉnh và 01 danh mục TTHC thực hiện tại Trung tâm Hành chính công cấp huyện.
Theo đó, sở Thông tin và Truyền thông (07 thủ tục) và sở Tư pháp (01 thủ tục) là 2 đơn vị tiên phong đi đầu trong việc giải quyết Thủ tục hành chính theo nguyên tắc”5 tại chỗ” bắt đầu từ ngày 01/10/2021.
Việc thực hiện tại chỗ toàn bộ quy trình giải quyết thủ tục hành chính toàn bộ quy trình từ tiếp nhận hồ sơ đến khi trả kết quả được thực hiện khép kín tại trung tâm, giúp nâng cao tính minh bạch, phòng ngừa nhũng nhiễu, gây phiền hà, tiêu cực.
Đồng thời, tạo sự đổi mới, đột phá trong hoạt động giải quyết TTHC. Đồng thời tạo sự chuyển biến cơ bản trong quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với tổ chức, cá nhân, tăng hiệu quả làm việc trong quá trình giải quyết các TTHC.
Đây cũng là điều kiện thuận lợi để phát huy quyền dân chủ của người dân, tăng cường giám sát, đóng góp ý kiến đối với quy định trong các TTHC, góp ý về tinh thần, thái độ và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.
Theo Gia Hải (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)
https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/bac-ninh-su-dung-con-dau-thu-2-de-thuc-hien-5-tai-cho-d174548.html