Dù là người sở hữu kênh Youtube đang nổi tiếng nhất nhì cộng đồng mạng thời gian gần đây nhưng dường như bà Tân vẫn chưa quen lắm việc mình trở thành “gương mặt của công chúng”.
Khi xe dừng ở thôn Chùa, vừa cất tiếng hỏi nhà bà Tân Vlog, chúng tôi đã được hàng xóm của người phụ nữ mới được tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập là “Người phụ nữ là nông dân nhận được nút vàng YouTube trong thời gian nhanh nhất Việt Nam” chỉ đường rất cặn kẽ. Khi chúng tôi đến nhà, bà Tân đang mải mê nấu ăn, chuẩn bị cho vlog tiếp theo. Xung quanh là một loạt “các cháu” ngồi ở sân để đợi gặp thần tượng.
Bà Tân niềm nở chào, mời chúng tôi vào uống trà, ăn vải đặc sản Bắc Giang quê mình, “cảm ơn các cháu hôm nay đến chơi nhà bà” giống như nhiều người dân thôn quê khác, nhưng vẫn thoáng thấy trong đôi mắt bà có sự cảnh giác, ái ngại nhất định.
Có lẽ, những ồn ào chê bai đến cùng với sự nổi tiếng bất ngờ đã khiến người đàn bà thôn quê ấy chưa thích nghi kịp, và theo một lẽ thường, bà bật “chế độ cảnh giác” với những người lạ đến với mình vì tò mò hoặc khai thác thông tin.
Trò chuyện với chúng tôi một hồi, khi “chế độ phòng vệ” hạ dần xuống, người đàn bà ấy không giấu nổi con người chân mộc và gần gũi của mình.
Bà Tân người bé nhỏ, đã xấp xỉ lục tuần, là nông dân ở một làng quê thuần chất, có một cuộc đời bình dị như nhiều phụ nữ nông thôn khác chúng ta vẫn gặp. Nhưng có hai điều thú vị ở bà mà tôi phát hiện ra, đó là sự mạnh mẽ, tự tin đến bền bỉ và tinh thần cầu thị, không ngại thử cái mới.
Vừa thoăn thoắt nhổ mấy luống lạc ngoài vườn, vừa thủng thẳng kể chuyện ngày cũ, kể về những tháng ngày lam lũ mà giọng bà Tân nhẹ thinh như thể kể chuyện người ta. Ngoài 30 tuổi mới lấy chồng, ở thời bà Tân, thế là muộn. Bà bảo, nhờ mai mối mà bà có chồng, rồi sinh con, nuôi con lớn, cho con đi học, chăm chồng bệnh…, cuộc đời cứ thế tuần tự diễn ra.
“Người ta hỏi bác bé thế này có chồng không, bác bảo có chứ, muộn một tí nhưng vẫn có chồng. Người ta lại hỏi thế bé vậy có đẻ được con không, đẻ được tuốt. Rồi người ta lại hỏi thế con có thông minh không, nhìn hai thằng thì biết…” – bà Tân kể, không quên nhấn mạnh rằng chưa bao giờ nghĩ mình bé nhỏ mà không làm được việc gì.
Nguồn năng lượng – cục pin vĩnh cửu giúp người phụ nữ bé chỉ cao 1,1m, nặng 32kg gồng gánh cuộc sống, nuôi 2 con khôn lớn, làm ruộng, cất nhà, chăm chồng 57 ngày thập tử nhất sinh ở bệnh viện rồi ra đi… là hai cậu con trai. Bà giải thích rất đơn giản, rằng cuộc sống khó khăn quá, muốn lo cho con cái học hành tử tế thì phải cố mà gồng gánh, mong cho lợn gà không ốm, lớn nhanh để có tiền, chứ khóc lóc hay buồn rầu thì chẳng giải quyết được gì.
Ngay cả căn nhà ba tầng khang trang nơi cả nhà đang ở, bà Tân khoe, xây ròng rã 9 năm, từ 2008 đến 2107 mới xong. Năm thì làm móng nhà, xây 1 tầng, năm đổ mái, xây tầng hai, thành hình vài năm rồi mới sơn phết hoàn thành… Cứ thủng thẳng mà xây, phần vì chẳng vội vàng, phần vì không có nhiều tiền nên có sao sống vậy. Rồi đến tuổi chạm mốc gần 60, bà có mảnh ruộng mảnh vườn để cày cấy, cái nhà to để ở, có hai con trai hiếu thảo yêu thương mình, các con cũng có một chút gọi là thành đạt, còn cầu vọng gì hơn?
Và rồi bà quyết định chơi lớn một lần. Sau khi tham gia vài lần ở vai trò “diễn viên” bất đắc dĩ trong một số clip của Hưng – con trai lớn của mình, bà Tân tự đề nghị con hãy lập cho bà một kênh riêng. Mục đích ban đầu, bà tâm sự, chưa phải để kiếm tiền hay nổi tiếng, mà là vì đi ra đồng, ra chợ thấy làng trên xóm dưới người ta khen mình đóng hay, hài hước, nên bà cũng muốn thử “ra riêng”.
Thế là từ một người đàn bà cả cuộc đời gắn bó với ruộng đồng, cái cuốc, nuôi lợn chăm gà, bà Tân có thêm một nghề mới trong thời công nghệ: làm Vlog. Cũng có một chút bỡ ngỡ khi lần đầu gặp máy quay, có cảnh phải quay lại vài đúp khi giới thiệu nhầm, thay vì “siêu cay” thì nói nhịu thành “siêu tốc”, nhưng có vẻ bà Tân thích ứng nhanh với lĩnh vực mới này.
Bà cũng rất bắt trend khi nấu những món lạ như lẩu Thái, trà sữa trân châu, sữa tươi trân châu đường đen, mì cay… – những món ăn quen thuộc với giới trẻ nhưng lạ lẫm với phần lớn người lớn tuổi và người nông thôn. Không để những cái mới mẻ ấy làm khó mình, bà Tân và các con lùng sục internet, tìm công thức và hướng dẫn nấu ăn để hoàn thành tốt phần việc của mình trong Vlog, lần nào cũng “quay một đúp ăn ngay” và không bỏ phí nguyên liệu bao giờ.
Từ Vlog đến con người bà Tân đều đậm chất hồn hậu của người thôn quê. Những gì bà Tân đem đến trong clip của mình không có gì trau chuốt, nhưng nó mang lại niềm vui thông qua sự giản dị đời thường, chân thật mà nhiều người đang khao khát tìm kiếm. Đó là nguồn năng lượng tích cực, không cần lên gân, không mang quá nhiều triết lý hay suy ngẫm như ai đó kỳ vọng, nhưng ở góc độ nào đó, thực sự truyền cảm hứng để người ta thấy rõ rằng không bao giờ là muộn cho một sự bắt đầu mới.
Trước thành công nhanh kỉ lục của người phụ nữ U60, bên cạnh những lời tán thưởng, cũng có nhiều lời chỉ trích nhắm vào bà Tân Vlog cũng như kênh Youtube của bà. Có những người đã buông lời sắc mỏng cho rằng bà Tân chỉ là một “con rối”, một “công cụ” để các con trai bà kiếm tiền, rằng đã có một chiến lược truyền thông đầy toan tính khi ở kênh Hưng Vlog, người ta đã quen mặt bà Tân, sau khi bà làm kênh riêng, con trai bà cũng xuất hiện, nên việc một phần lớn fan của Hưng Vlog theo dõi thêm kênh của bà Tân cũng chẳng có gì lạ.
Hưng biết hết tất cả những lời ấy, và tâm sự rằng, đó đúng là điều Hưng trăn trở nhất khi bắt tay vào xây dựng kênh riêng cho mẹ. “Khi nghe những bình luận không hay, mình cũng buồn nhưng không vì thế mà nhụt chí. Mình sẽ cố gắng làm ra những sản phẩm tốt hơn, nội dung ý nghĩa hơn để thuyết phục những người comment không tốt đó”.
Hưng không né tránh việc mình hậu thuẫn rất nhiều cho ước mơ và đam mê mới của mẹ, không phủ nhận việc muốn tạo thành một gia đình vlog – nơi những câu chuyện bình dị ở nông thôn, hoặc những tình huống vui cười sẽ được kể trong vlog của ba mẹ con. Hưng cũng không giấu giếm ước mơ muốn mẹ có thu nhập từ Youtube để đỡ vất vả làm việc nặng nhọc… nhưng anh không chịu được ai đó cho rằng mình đem mẹ ra câu view, kiếm tiền.
Với Hưng, điều thay đổi lớn nhất trong cuộc đời anh cho đến lúc này, đó là khởi nghiệp và hỗ trợ mẹ khởi nghiệp với Youtube. “Trước đây, cuộc sống của mình khá bình thường, ngày ngày đi làm, bù đầu với công việc như một guồng quay lặp lại, không có nhiều niềm vui như bây giờ. Mẹ cũng bận bịu với việc đồng áng, gặt cấy thuê, xách vữa phụ hồ cả ngày, tốt về ngủ chứ cũng không có nhiều thời gian bên nhau.
Còn hiện tại, mình sống và làm việc ở nhà, ngày nào nhà cũng rộn ràng vì có người đến chơi, quan trọng nhất là được ở gần mẹ, được thấy mẹ cười nhiều hơn. Cả hai mẹ con có nhiều thời gian bên cạnh nhau hơn, gắn bó với nhau hơn vì không chỉ sống chung mà còn làm việc chung, trở thành “đối tác” trong công việc”.
Và thế là, bữa tối không chỉ là giờ cơm mà còn là giờ họp mặt, lên ý tưởng xem ngày mai sẽ làm món gì, lên danh sách chi tiết đồ cần mua. Buổi sáng, thay vì người vào công ty, người ra đồng thì mấy mẹ con chia nhau người đi chợ chuẩn bị nguyên liệu nấu nướng, người chuẩn bị máy quay, đồ đạc rồi người nấu nướng, người quay dựng…
Đó không chỉ là sự sum vầy, hỗ trợ người ta nhìn thấy trong các clip được quay dựng trên một kênh Youtube, đó là tình cảm và sự hiếu thảo của hai người con dành cho mẹ. Người ta sẽ không ngờ vực động cơ của sự hỗ trợ nữa, nếu nhìn thấy cách mẹ con họ trò chuyện, nhìn nhau.
Bà Tân, người đàn bà nông thôn không ăn nói hoa mỹ bao giờ xúc động kể lại: “Hai con bác lúc nào cũng quan tâm, thương yêu mẹ, lúc nào cũng mong mẹ giữ được sức khỏe, không bao giờ làm bác buồn đâu. Tính bác thì ham làm, hai con cũng kêu mẹ bỏ bớt ruộng đi, nhưng bác vẫn lủi đi làm, cho nhà có cái rau sạch, cơm dẻo mà ăn chứ!”.
Nhưng có một điều mà bà nhắc đi nhắc lại với chúng tôi, đó là niềm vui, là sự hạnh phúc khi các con tự bảo nhau chăm chút việc nhà, cùng mẹ phát triển kênh Youtube. Không vui sao được khi xưa con bé, mẹ dìu dắt, nhẫn nại từng miếng ăn, giấc ngủ, và giờ mẹ già, món quà mà Hưng và Hậu dành lại cho mẹ, cũng chính là thời gian, là sự lắng nghe, hỗ trợ không toan tính?