Không giống những người khác, mẹ của Đức Phật qua đời ngay sau khi sinh ra Ngài không lâu, nên những lần Ngài gặp mẹ cũng thật đặc biệt.
Những người đã từng tìm hiểu về cuộc đời của Đức Phật đều biết rằng Ngài là Thái tử Siddhartha Gautama, sống vào thế kỷ thứ 5 hoặc thứ 6 TCN ở một vùng đất có tên là Lumbini, ngày nay thuộc Nepal. Ngài là con trai của Đức vua Suddhodana và Hoàng hậu Maya Gotami.
Tuy nhiên, sau khi sinh ra Thái tử Gautama được 7 ngày thì Hoàng hậu Maya qua đời, vì thế, Thái tử lớn lên trong sự chăm sóc và tình yêu của người dì ruột Pajapati Gotami, em gái Hoàng hậu Maya.
Hoàng hậu Maya và Đức Phật. (Ảnh minh họa: Internet)
Trong tiếng Phạn, cái tên Maya nghĩa là Tình yêu, còn Siddhartha nghĩa là Toại nguyện và nó cũng có liên quan mật thiết đến những câu chuyện xảy ra trong cuộc đời của Đức Phật.
Trong những bài viết về Đức Phật, hình tượng Hoàng hậu Maya hiện lên không nhiều. Tuy nhiên, trong việc tìm kiếm nhiều hơn thông tin về bà, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra những câu chuyện về Maya, không chỉ với tư cách là một Hoàng hậu, mà còn là một người mẹ vô cùng vĩ đại và cũng rất đời thường, dù sau khi qua đời, đã trở thành chư thiên, nương tựa ở cõi trời.
Dưới đây là 3 câu chuyện về những lần Đức Phật được gặp mẹ khi Ngài đã chọn đi theo con đường của Phật pháp và rời xa chốn cung điện giàu sang.
Lần gặp mẹ thứ nhất của Đức Phật: Bên bờ sông Nairanjana
Sau khi qua đời, Hoàng hậu Maya được tái sinh vào cõi trời, trở thành một chư thiên. Khi Thái tử Gautama bước vào giai đoạn tu khổ hạnh, vì nhịn ăn, Ngài đã trở nên kiệt sức. Lúc này, các sứ giả đã báo tin cho bà, rằng đứa con trai mà bà yêu quý đang chết dần chết mòn.
Hoàng hậu Maya sinh ra Thái tử Siddhartha Gautama ở Khu vườn Lumbini. (Ảnh minh họa: Internet)
Nghe được tin dữ, Hoàng hậu Maya ngay lập tức đi đến bờ sông Nairanjana, nơi Thái tử đang nằm bất động trên mặt đất.
Đau đớn như đứt từng khúc ruột, bà vừa khóc vừa hát cho con những lời ca dịu dàng:
Con trai, khi ta sinh ra con, ở Khu vườn Lumbini
Không cần ai trợ giúp, con đã tự đi được 7 bước, như 1 chú sư tử
Con nhìn ra 4 hướng và nói rằng, “Đây là kiếp cuối cùng của ta”.
Giờ những lời nói này sẽ không bao giờ trở thành hiện thực.
Giờ ta sẽ nhờ ai giúp được con trai ta đây?
Giờ ta sẽ khóc trong đau đớn với ai đây?
Ai sẽ giúp đứa con trai duy nhất của ta sống lại đây?
Đột nhiên, Thái tử Gautama tỉnh dậy trong sự sững sờ, bối rối và hỏi người phụ nữ đứng trước mặt mình là ai. Một lần nữa, Hoàng hậu Maya trả lời qua những câu hát:
Con trai, ta chính là mẹ con đây
Ta đã mang trong mình hình hài quý giá của con trong 10 tháng
Ta đang khóc trong nỗi tuyệt vọng
Thái tử Gautama liền trấn an mẹ mình và nói rằng những lời tiên tri về số phận của Ngài nhất định sẽ trở thành sự thực, rằng bà không nên tuyệt vọng, trái lại, nên vui mừng vì chẳng bao lâu, con trai của bà sẽ trở thành Đức Phật.
Được Thái tử trấn an, Hoàng hậu Maya đi vòng quanh con 3 lần, rải những cánh hoa lên người Ngài và trở về cõi trời.
Lần gặp mẹ thứ 2: Thái tử Gautama tới cõi trời Trayastrimsha để gặp mẹ
Lúc này, Thái tử Gautama đã sắp đi đến đoạn cuối của cuộc đời mình. Ngài đã đi thuyết pháp không mệt mỏi ở khắp chốn nhân gian trong hơn 40 năm, cứu độ được biết bao nhiêu chúng sinh khỏi những nỗi khổ đau, giúp họ từ bỏ con đường sai trái mà chọn cách hướng thiện để có được cuộc sống thanh thản, không ưu phiền.
Đức Phật tới thăm để bày tỏ sự biết ơn với mẹ và thuyết pháp cho mẹ ở cõi trời Trayastrimsha. (Ảnh minh họa: Internet)
Tuy nhiên, trong lòng của Đức Phật luôn canh cánh một nỗi niềm, đó là Ngài vẫn chưa có cơ hội thể hiện tình cảm của mình với mẹ. Một trong những mong muốn cuối cùng của Ngài là được thuyết pháp cho mẹ như một sự bày tỏ lòng biết ơn của Ngài trước công sinh thành của Người.
Chính vì thế, trước khi qua đời, Ngài đã đến thăm mẹ ở cõi trời Trayastrimsha trong 3 tháng để thể hiện sự kính trọng với bà và thuyết pháp cho bà.
Trong thời gian này, Maya đã được con thuyết pháp, giác ngộ và trở thành Phật tử, chính thức cắt bỏ mối quan hệ mẹ – con giữa họ.
Khi nhìn những giọt nước mắt lăn trên má mẹ mình, Đức Phật đã nói rằng trên đời sự chia ly là điều không thể tránh khỏi, và cõi Niết bàn đang chờ Ngài, đã đến lúc Ngài rời đi.
Lần thứ 3 gặp mẹ của Đức Phật: Tại cõi Niết bàn
Có một số nguồn viết rằng người cuối cùng tới tiễn đưa thân thể của Đức Phật trước khi được đưa đi hỏa táng là tín đồ Mahakasyapa của Ngài, rằng đôi chân của Ngài đã xuất hiện bên dưới tấm vải liệm để các Phật tử có thể bày tỏ sự tôn kính với Ngài, nhưng cũng có một số nguồn viết rằng chính bà Maya mới là người cuối cùng nhận được vinh dự đó.
Bà Maya tới tiễn đưa Đức Phật lần cuối. (Ảnh minh họa: Internet)
Trong cuốn kinh Mahamayasutra cũng có viết rằng ở Kushinigar có một ngọn tháp thờ (stupa) ở gần khu vực hỏa táng được xây dựng để kỷ niệm chuyến thăm viếng con trai cuối cùng của bà Maya.
Sau khi biết tin con trai đã chết, bà Maya nhanh chóng xuất hiện trước quan tài của con, gần như ngất đi vì đau đớn. Bà chạm vào chiếc áo cà sa của con cùng chiếc bát khất thực ở gần đó. Đột nhiên, nắp quan tài bật mở, và Đức Phật bỗng nhiên ngồi dậy.
Những vầng hào quang bao quanh Ngài và tỏa sáng rực rỡ. Tái hợp với mẹ lần cuối, Đức Phật đã tôn vinh bà Maya là một người mẹ, một người phụ nữ tuyệt vời, đáng kính trọng, và an ủi bà bằng câu nói cuối cùng: “Xin Người đừng khóc, tất cả những điều này đều tuân theo Phật pháp”.
Đạo lý từ 3 lần gặp mẹ của Đức Phật
Mặc dù những câu chuyện kể trên đều ít nhiều mang những yếu tố thần thoại, hoang đường, nhưng đạo lý của chúng thì không hoang đường chút nào.
Dù bà Maya đã rời xa cõi trần, nương nhờ ở cõi trời, nhưng bất kỳ khi nào biết con gặp khó khăn, trái tim của người làm mẹ vẫn cảm thấy như có ngàn vạn mũi dao đâm vào, và tìm đủ mọi cách để giúp con, đau đớn khi phải rời xa con, dù biết đó là quy luật tất yếu của cuộc đời.
Câu chuyện cũng cho thấy sự hiếu thảo và lòng kính trọng vô hạn của Đức Phật dành cho mẹ.
Dù Ngài đã tu hành đắc đạo, trở thành Phật, thì trước tiên, Ngài vẫn là một người con, suốt đời không quên công ơn sinh thành của mẹ và nhất định phải gặp mẹ trước khi chết để bày tỏ tấm lòng của mình.
Cổ nhân đã dạy, trong trăm nết thiện chữ HIẾU đứng đầu, chính vì vậy, dù là ai thì cũng cần đặt chữ hiếu lên hàng đầu.
Không phải cứ đáp ứng đầy đủ các nhu cầu vật chất cho cha mẹ mới là có hiếu. Điều mà cha mẹ nào cũng mong ở con mình, đó là sự yêu quý, hiếu kính và lễ phép. Chỉ cần một nụ cười, một sự sẻ chia, quan tâm của con cũng đủ để cha mẹ mỉm cười hạnh phúc.
Theo Tricycle