Đó là câu chuyện nói về số phận của một bà lão 85 tuổi, hơn nửa thế kỷ nay mặc kệ nắng mưa, lủi thủi mưu sinh trên vỉa hè Sài Gòn để kiếm từng đồng chăm lo cho người em gái mù lòa từ nhỏ.
Hình ảnh một cụ bà cùng chiếc xe đạp cũ, tóc đã bạc trắng đầu, lê từng bước chân chậm chạm trên vỉa hè, hàng ngày ngồi nép vào một góc đường Lê Lai (quận 1, TP.HCM) nhộn nhịp người qua lại đã quá quen thuộc với người dân ở đây.
Người ta gọi bà với cái tên thân quen là bà Hai (85 tuổi, ngụ đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 3). Vào cái tuổi gần đất xa trời này, đáng lẽ ra phải được con cháu chăm lo, an dưỡng tuổi già, đằng này, hàng ngày bà Hai vẫn lủi thủi mưu sinh trên vỉa hè, mặc kệ nắng mưa.
Bà Hai cùng chiếc xe đạp cũ mưu sinh trên vỉa hè Sài Gòn hơn 60 năm nay.
Bà Hai kể lại, từ năm 1912, cha mẹ của bà quê ở Bắc Ninh vào Sài Gòn sinh sống, một thời gian sau thì qua Campuchia làm ăn và sinh ra bà cùng người em gái. Tuy nhiên, số phận nghiệt ngã đã lấy đi đôi mắt của người em gái nhỏ từ khi mới sinh ra, phải sống trong cảnh tăm tối.
Đã 85 tuổi nhưng bà vẫn phải kiếm sống hàng ngày để lo cho người em gái bị mù.
Chiếc xe đạp cũ là phương tiện duy nhất để bà Hai mưu sinh hàng ngày.
Đến năm 1968, gia đình bà phải chạy giặc và trở về Sài Gòn, ban đầu sinh sống tại đường Lê Lai (quận 1) bây giờ, sau đó chuyển qua đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3). Đến khi cha mẹ mất đi, chỉ còn hai chị em nương tựa nhau trong căn nhà nhỏ của cha mẹ để lại.
Để mưu sinh hàng ngày, bà Hai ra vỉa hè đường Lê Lai bán áo quần từ khi mới hơn 20 tuổi, hàng ngày phơi nắng, dầm mưa kiếm từng đồng chăm lo cho em gái.
Bà Hai chấp nhận ở giá, không muốn lấy chồng để có thể chăm sóc em gái bị mù.
Hàng ngày bà thường bán từ 5 giờ chiều tới khuya tại góc đường Lê Lai, quận 1.
“Biết em không thể nhìn thấy, lòng tôi chua xót vì em chịu nhiều thiệt thòi quá. Tôi chỉ nghĩ rằng mình phải thay cha mẹ chăm sóc em. Trong đầu chẳng hề nghĩ đến chuyện tương lai, hạnh phúc. Cứ như vậy, hai chị em nương tựa nhau mà sống”, bà Hai tâm sự.
Bà bán thuốc lá trên vỉa hè, mỗi ngày chỉ lời vài chục ngày đồng.
Năm tháng trôi qua, bà Hai không rời em nửa bước, tuổi thanh xuân của bà, cũng không ít người con trai ngỏ lời, nhưng bà nguyện ở vậy để chăm sóc người em gái mù lòa năm nay cũng hơn 60 tuổi. “Nguyện hy sinh đời mình để chăm lo cho em, vì chỉ sợ đi lấy chồng rồi, không ai lo cho em nữa”, bà Hai nói với vẻ đượm buồn.
Ngày xưa bà bán áo quần vỉa hè, nhưng thấy ít người mua nên đã chuyển qua bán thuốc lá cũng nhiều năm nay. Đồ đạc cũng chả có gì nhiều, chỉ có vài hộp thuốc lá để trong túi, cùng 3 chiếc ghế nhựa để làm sạp bán hàng.
Ánh mắt đượm buồn của bà Hai khi nhớ lại quá khứ.
Khách hàng của bà thường là người quen, hoặc vài người khách du lịch.
Hàng ngày, bà chăm lo việc ăn uống cho em gái, dọn dẹp nhà cửa, đến 5 giờ chiều bắt đầu chuẩn bị đồ đạc rồi đạp xe ra vỉa hè để bán. Quãng đường từ nhà ra nơi bà bán chỉ vài cây số, nhưng phải mất gần 1 giờ đồng hồ để di chuyển bằng xe đạp vì tuổi bà đã già, mắt lại kém.
Ngồi trò chuyện, bà rơm rớm nước mắt khi nhớ lại quá khứ, nhớ lại tuổi thanh xuân cực khổ của mình. Hơn nửa thế kỷ mưu sinh trên vỉa hè Sài Gòn, bà chứng kiến hết những thay đổi của phố thị.
Sạp hàng của bà chỉ đơn giản bằng 2 cái ghế nhựa, vài hộp thuốc lá.
60 năm nay bà nép mình ở góc đường đẻ mưu sinh, kiếm tiền chăm lo cho e gái bị mù.
“Mọi thứ thay đổi nhiều, người đông đúc, hàng hóa cũng nhiều hơn, nhưng tôi chỉ có thể bán vài gói thuốc lá để kiếm sống tạm thôi, chứ chả có tiền nhiều mà buôn bán thứ khác. Hôm nào may được nhiều người mua thì lời vài chục ngàn, có chút tiền mua đồ ăn cho hai chị em”, bà Hai chia sẻ.
Hỏi bà vì sao không vào nhà dưỡng lão để đỡ vất vả, bà nói: “Nhiều người già yếu, phải đi xin ăn hay vào nhà dưỡng lão, nhưng tôi không muốn xin không của ai cả. Tự mình làm, được bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu, đến khi nào ông trời không cho sức để làm nữa thì thôi”, bà cười vui vẻ.
Mẩu bánh mì bà mua để lót dạ buổi tối.
Anh Lộc, một người dân gần đó cho biết, bà Hai đã bán ở đây mấy chục năm nay, từ khi anh còn nhỏ. Số bà vất vả, không có con cháu, còn phải chăm lo cho em gái bị mù, nhìn thấy bà nắng mưa ngoài vỉa hè mấy chục năm nay, ai cũng thương.
Để chăm sóc em gái bị mù từ nhỏ, bà Hai nguyện ở giá, không muốn lấy chồng.
Vài người khách quen thường xuyên mua giúp bà.
“Mới cách đây máy hôm, bà bị người ta lừa mất 500 ngàn, vì đêm tối, mắt bà lại kém. Người ta tới mua bao thuốc lá, đưa cho bà tờ tiền giả 500 ngàn,rồi bà thối lại tiền thật. Sau đó mới phát hiện là tiền giả, không dùng được”, anh Lộc bức xúc kể lại.
Những lúc vắng khách, bà tranh thủ đi nhặt ve chai để bán kiếm thêm tiền.
Hàng ngày bà thường bán từ 5 giờ chiều tới đêm khuya mới về, ngoài những lúc có khách mua, bà Hai cũng tranh thủ đi loanh quanh nhặt thêm ve chai, giấy vụn để bán kiếm thêm ít đồng mỗi ngày. Nhìn dáng vẻ khắc khổ, gương mặt đầy nếp nhăn của thời gian, nhiều người không khỏi xót xa cho bà cụ.
Vẻ mặt u buồn của bà khi nghĩ tới chuyện chật vật mưu sinh hàng ngày.
Giữa dòng người tấp nập, bà vẫn cô độc ngồi nép mình bên vỉa hè, đôi mắt bà nặng trĩu khi gần hết đêm vẫn chả bán được bao nhiêu. Càng về khuya, đường càng vắng vẻ, người ta chỉ thấy dáng vẻ một bà cụ lưng đã còng từng bước chân chậm chạp, lê đi trên vỉa hè rồi dần khuất trong ánh đèn mờ phố thị theo tiếng cọc cạch của chiếc xe đạp cũ.