Theo cô Hoàng Thị Thương, sau khi nghe cô chia sẻ về 3 điều liên quan đến cách dạy của Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục, các phụ huynh đã hoàn toàn thoải mái, tin tưởng.
Học Tiếng Việt 1 – CNGD, kết thúc năm học biết đọc, viết và hiểu kiến thức ngữ âm
Chia sẻ với PV, cô giáo Hoàng Thị Thương, giáo viên Trường Tiểu học cơ sở Bình Minh (Khoái Châu, Hưng Yên) cho biết, những ngày qua, có rất nhiều thông tin chưa thực sự chuẩn xác về chương trình Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên khiến cô không thể ngồi yên.
“Trước những thông tin đó, đầu tiên tôi lựa chọn cách im lặng. Im lặng ở đây không phải đồng ý hay sợ hãi mà thật sự rất buồn.
Buồn vì văn hoá thông tin của chúng ta bây giờ không có định hướng rõ ràng, trong khi có người cứ chia sẻ video, ý kiến về một thông tin mới nhưng lại chưa hiểu gì, cứ a dua theo“, cô Thương chia sẻ.
Với niềm tin nếu có cơ hội được tìm hiểu rõ về thông tin chính thống, mọi người sẽ không còn “ném đá” chương trình, cô Thương bắt đầu hành động từ chính phụ huynh của lớp 1D, nơi cô đang giảng dạy vì họ đứng ở “tâm bão” của mạng xã hội.
“Tôi trao đổi việc này với phụ huynh ngay ở buổi họp đầu năm, nhưng chưa bao giờ thấy nó quan trọng và cấp bách như vậy“, cô Thương bày tỏ.
Ảnh cắt từ clip một buổi dạy Tiếng Việt 1-CNGD
Cô giáo này nói thêm, trong phần trao đổi với phụ huynh, cô đã nêu rõ 3 điều chính liên quan đến cuốn sách.
Thứ nhất, về chương trình Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục đây không phải là chương trình mới và càng không phải làm thay đổi tiếng Việt.
Tiếng Việt 1 – Công nghệ Giáo dục rất khoa học, dạy trẻ lĩnh hội kiến thức theo một quy trình công nghệ, rất bài bản, dựa trên những việc làm có thật của học sinh và các em chủ động lĩnh hội kiến thức.
Thứ hai, về một số ý kiến cho rằng dùng mô hình vuông, tam giác, hình tròn thay thế chữ viết, cô Thương khẳng định với các phụ huynh là hoàn toàn sai.
“Tôi nói rõ, mọi người hãy đặt mình vào vị trí của một đứa trẻ ngày đầu đến trường, các em như những trang giấy trắng, chưa biết chữ.
Vậy tại sao lại chỉ vào chữ tháp (các hình ô vuông, tròn – PV) và yêu cầu học sinh đọc được? Mục đích của bài học này là để học sinh hiểu được tiếng có từ đâu.
Tiếng từ chính lời nói hàng ngày và lời nói được tách ra thành nhiều tiếng, có lời nói có 2 tiếng như “bố ơi”, hay có lời nói có 4 tiếng, như “con đi học ạ”, có lời nói có nhiều tiếng như “Tháp Mười đẹp nhất bông sen. Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ…“”, cô Thương giải thích.
Về việc tại sao học sinh chỉ vào hình vuông lại đọc được, cô Thương cho rằng, trên lớp cô giáo đã dạy học sinh học thuộc lòng, giống như cô giáo mầm non dạy trẻ biết hát, đọc thơ khi chưa biết chữ.
“Xuất phát từ lời nói (quen thuộc), tách ra thành tiếng, rồi đến các âm được ghi bằng các chữ cái. Sau 14 tiết học về tiếng, học sinh lại học âm và chữ như bình thường“, cô Thương nêu rõ.
Thứ ba, về mối quan hệ âm chữ, cô Thương chỉ rõ, âm là cái có trước, là đối tượng của tiếng Việt còn chữ có sau, là vật thay thế cho âm.
“Trong chương trình Tiếng Việt năm 2000, dạy chữ trước rồi mới dạy âm, do đó, học sinh biết 1 chữ ghi 1 âm.
Còn chương trình Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục dạy âm trước rồi mới dạy chữ, khi đó, học sinh biết 1 chữ ghi 1 âm và 1 âm ghi bằng 1, 2, 3 hay 4 chữ khác nhau. Ví dụ, âm /c/ ghi bằng 3 chữ: c, k, q theo Luật Chính tả.
Học sinh học Tiếng Việt 1 – Công nghệ Giáo dục sau khi kết thúc năm học không chỉ biết đọc, biết viết mà còn hiểu được kiến thức ngữ âm (nguyên âm, phụ âm, âm chính, âm đệm…). Vậy học sinh được thêm nhiều thứ hơn“, cô Thương lý giải.
Cô giáo này nhấn mạnh, kết thúc buổi họp, phụ huynh hoàn toàn thoải mái, tin tưởng vào chương trình Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục và đã biết cách dạy con ở nhà, bản thân họ cũng như trút được tâm sự suốt những ngày qua.
Giáo viên chân chính phải phát huy tích cực, giảm tối đa hạn chế chương trình
Cô giáo Hoàng Thị Thương chia sẻ thêm, thời gian đầu, những giáo viên lớp 1 có khi hạ bát cơm xuống để nghe điện thoại của phụ huynh hỏi về cách dạy con và có những bài dạy đầu, các cô đã “oà khóc vì đã cố gắng hết sức rồi mà vẫn không dạy hết bài”.
Sau này, qua nghiên cứu, các cô đã tìm ra được nhiều biện pháp hữu hiệu để dạy cho học sinh các bài khó, bài dài, kể cả dạy các bài 4 vần, 6 vần trong 1 tiết.
“Bất kì một chương trình nào cũng có mặt tích cực, hạn chế và Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục không nằm ngoài quy luật đó.
Tuy nhiên, nghệ thuật của người giáo viên chân chính là làm thế nào để phát huy những mặt tích cực và giảm đi tối đa các hạn chế của chương trình mà mình thực hiện.
Ví dụ một số từ và bài đọc trong sách Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục mà mọi người cho là phản khoa học khi có cách xưng hô mày – tao. Đó là cách xưng hô không tốt, nhưng trong thực tế và chúng ta thường lấy cái đẹp, cái hay để dạy trẻ vậy tại sao không thử lấy cái bị coi là xấu để giáo dục lại học sinh là không nên làm như vậy“, cô Thương nói.
Cô nhấn mạnh, để thực hiện tốt chương trình Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục không chỉ cần sự nỗ lực, cố gắng, nhiệt huyết của giáo viên, học sinh mà còn sự phối hợp của chính phụ huynh.