Thân hình gầy gò chỉ vỏn vẹn 25kg nhưng đã gần 30 năm qua, bà Hường vẫn sớm hôm bên gánh chè để trang trải cuộc sống cho gia đình, dẫu vậy sự lạc quan của người phụ nữ ấy luôn khiến người xung quanh phải ngưỡng mộ.
“Ông bà anh chị em thông cảm, em bị giãn dây thanh quản không nói được! Xin cảm ơn!” – dòng chữ được in đậm treo trước xe thay cho lời thông báo của bà cụ bán chè ở Sài Gòn.
Gần 30 năm nay, xe chè cũ kỹ của bà Hường đã chẳng còn xa lạ với người dân quận 4, lúc người ta thấy bà ở góc đường này, khi thì thấy bà trong ngõ hẻm khác, cứ thế tháng tháng năm năm tần tảo bán từng ly chè để chăm lo cho gia đình của mình.
Gánh chè gần 30 năm của bà Hường.
Xe chè của bà cụ “da bọc xương”
“Ngày xưa tui rao chè hay lắm đó cậu. Mọi người hay chọc là bà Hường có giọng rao giống y chang Lệ Thuỷ. Vậy đó mà rao từ ngày nay sang ngày khác riết rồi bây giờ nói hết nổi luôn” – bà Hường thều thào, khó khăn tâm sự. Đã vài năm nay bà không thể nói chuyện bình thường, mỗi lần miễn cưỡng một câu dài thì cổ họng sẽ rất đau.
Bà Hường chỉ nặng 25kg nhưng ngày nào cũng bán buôn từ trưa đến tối mịt.
Sức khoẻ ngày một xuống dốc bởi vô số bệnh của tuổi già nhưng bất kể ngày nắng hay ngày mưa bà Hường vẫn một mình đẩy xe chè khắp các ngỏ hẻm từ trưa đến khuya muộn. Thành ra chỉ vừa bước qua tuổi 62 mà trông bà đã còm cõi như bà già 80. “Tui nặng có 25 ký và 200 gram thôi đó cậu” – bà nói.
9 năm trước con trai lớn đột ngột qua đời vì bạo bệnh, con trai thứ hai đi làm bảo vệ đồng lương ít ỏi không phụ giúp được nhiều cho bố mẹ nên hai ông bà vẫn tảo tần sớm hôm để duy trì kinh tế gia đình. Mấy năm gần đây, ông cũng yếu dần nên bà Hường trở thành trụ cột chính trong gia đình, bao nhiêu lo toan đổ lên vai người phụ nữ ấy khiến bà chẳng có thời giờ để nghỉ ngơi.
Món chè do mẹ truyền dạy giúp bà nuôi sống gia đình bao nhiêu năm qua.
Bà Hường lắc đầu bảo: “Giờ ăn gì cũng không thấy ngon, ngày nào cũng ăn chút cháo để có sức đi bán rồi thôi“, nói rồi bà tranh thủ múc chè vào ly để sẵn bán cho khách. Đôi bàn tay yếu ớt mấy năm trước bị tai nạn nhưng không đủ tiền để phẫu thuật nên để lại dị tật, dẫu vậy đôi bàn tay ấy vẫn chưa ngày nào ngơi nghỉ trên bước đường mưu sinh.
Đôi tay gầy yếu tần tảo sớm hôm.
Đồng tiền mình tự kiếm ra mới quý
Không ít vị khách ghé vào mua rồi gởi cho bà Hường ít tiền để trang trải cuộc sống, tuyệt nhiên bà không nhận số tiền đó. Mỗi ly chè bà bán với giá 10.000 – 15.000 đồng thì luôn lấy đủ nhiêu mà thôi. Chắc cũng vì vậy mà người ta yêu quý bà.
Bà Hường cười rồi nói chậm rãi: “Tiền mình làm ra mới quý chứ cậu. Sau này lỡ mà không đủ sức đi bán chè nữa thì tui cũng kiếm cái bao, cái móc để đi nhặt ve chai tự kiếm sống, chứ không muốn ngửa tay xin tiền người ta”.
Cuộc sống dẫu có vất vả nhưng bà vẫn luôn suy nghĩ tích cực.
Chưa bao giờ bà than khổ hay mệt mỏi, bởi với người phụ nữ nhỏ nhắn này, ngày nào còn đủ sức khoẻ đi khắp các ngả đường, bán từng ly chè thì ngày đó vẫn còn hạnh phúc. Nhưng có lẽ hạnh phúc lớn nhất của bà lúc nào đó là đứa cháu nội – cậu cháu chăm ngoan mà bà luôn mỉm cười khi nhắc đến.
Cuộc đời đâu lấy đi của ai tất cả, cứ tin rằng ở hiền rồi sẽ gặp lành.
Bà Hường luôn tin rằng ở hiền rồi sẽ gặp những điều lành.