Dù rất thông cảm với những người kinh doanh quán ăn nhậu khi doanh thu bị sụt giảm sau nghị định xử phạt nồng độ cồn, nhưng phần lớn dư luận hoàn toàn ủng hộ việc xử phạt thật nghiêm những người đã uống rượu bia còn lái xe, coi thường tính mạng bản thân và những người xung quanh.
Thời gian này, dạo quanh một số phố nhậu có tiếng ở Hà Nội, cảnh tượng những bộ bàn ghế “nằm” trơ trọi không người, bắt đầu xuất hiện với mật độ tăng dần. Không còn sự tấp nập, tiếng cụng ly tới tấp, người nói kẻ cười, lượng khách hàng có xu hướng giảm, mặc cho nhân viên các quán hàng nhiệt tình vẫy gọi hơn trước gấp rất nhiều. Nguyên nhân xuất phát từ Nghị định 100/2019/NĐ-CP mới ban hành đầu năm 2020, trong đó luật Phòng chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực.
Nghị định mới bổ sung hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển xe đạp, xe thô sơ; điều chỉnh mức xử phạt đối với một số hành vi, nhóm hành vi đặc biệt là các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn; những hành vi liên quan đến nguyên nhân gây tai nạn giao thông tăng nặng mức xử phạt. Thực tế, sau khoảng 1 tuần thực hiện Nghị định 100, lực lượng chức năng đã xửu phạt gần 2.000 trường hợp lái xe ô tô, xe máy vi phạm nồng độ cồn. Cũng từ đó người dân ý thức hơn trong việc sử dụng rượu bia, kéo theo tình trạng các quán nhậu, quán lẩu trở nên ế ẩm.
Chúng tôi ghi nhận tại phố lẩu có tiếng Phùng Hưng vào khoảng 21h tối 8/1, một cửa hàng chỉ có 2 khách hàng, nhóm nhân viên ngồi nói chuyện rôm rả “giết” thời gian.
Tương tự tình trạng trên tại một cửa hàng lẩu – các món nhậu khác. Dù một số chủ hàng bắt đầu tung ra các “chiêu” kéo khách, hỗ trợ khách hàng an tâm ăn nhậu trong khi vẫn đảm bảo tuân thủ luật giao thông, tuy nhiên số lượng khách vẫn liên tục giảm mạnh, có nơi giảm 40%, thậm chí 80% và tính tới phương án “phá sản”.
Trên phố Hào Nam (quận Đống Đa, Hà Nội) thật khó để bắt gặp một cửa hàng thực sự đông khách vào thời điểm này. Trái ngược với cảm xúc “bất lực” của các chủ cửa hàng kinh doanh đồ ăn thức uống, thì phần lớn dư luận đồng thuận ủng hộ những điều chỉnh trong xử lý lỗi vi phạm quy định về nồng độ cồn và hy vọng sự đổi mới này sẽ góp phần kéo giảm tai nạn giao thông.
Phố Nguyễn Thái Học với những “gánh” lẩu vỉa hè cũng trở nên thưa thớt.
Dọc phố Láng Hạ (quận Đống Đa), bàn ghế và bếp lẩu đã chuẩn bị sẵn sàng, nhưng thực khách thì vẫn chưa thấy đâu. Một chủ cửa hàng than vãn, “Uống 1-2 ly rượu cũng phạt 7-8 triệu, giam xe, tước bằng 22-24 tháng, nên người dân bắt đầu có xu hướng… ngại nhậu. Trước kia từ 18h là quán tôi đã kín bàn, nhưng bây giờ dù đã 21h bàn ghế vẫn trống hoác thế kia”.
Quán bia hơi trên phố Nguyễn Xiển (quận Hà Đông) cũng không nằm ngoài “lời nguyền”.
Chị Hương (48 tuổi) nói, “Chỉ một lon bia thôi cũng đã tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn. Nhiều người còn hay có văn hoá “ép” người khác uống, dẫn đến nhiều trường hợp không mong muốn, như đánh nhau, cãi vã, tai nạn. Năm vừa qua, tình trạng say xỉn điều khiển phương tiện giao thông không kiểm soát tăng cao, trong khi chế tài chưa đủ mạnh. Cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ những sửa đổi đúng đắn của Nghị định mới”.
“Rất thông cảm với những người kinh doanh quán ăn nhậu khi doanh thu bị sụt giảm, nhưng tôi hoàn toàn ủng hộ việc xử phạt thật nghiêm những người đã uống rượu bia còn lái xe. Cần duy trì và thực hiện nghiêm việc xử phạt này trên phạm vi cả nước để ổn định trật tự xã hội và giảm thấp các vụ tai nạn giao thông do tác hại từ rượu bia. Rất mong mọi người cùng đồng lòng thực hiện “Đã uống rượu bia thì không lái xe”” – anh Tuấn (30 tuổi) nêu quan điểm.
Theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, khi lái xe có nồng độ cồn trong máu, hơi thở sẽ bị xử phạt nặng. Mức xử phạt cao nhất (khi nồng độ cồn trên 0,4 mg/lít khí thở) đối với người điều khiển xe ô tô từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng.
Đối với người điều khiển xe mô tô từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400-600 nghìn đồng.
Minh Nhân – Ảnh: Phương Thảo , theo Trí Thức Trẻ