Khu đất vàng 6.000m2 qua tay nhiều chủ, được Sabeco chuyển giao cho Công ty Cổ phần Sabeco Pearl trước khi rơi vào tay tư nhân.
Cựu phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín và 4 bị can khác vừa bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố do có những hành vi “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” liên quan khu đất vàng 6.000m2 ở địa chỉ 2-4-6 Hai Bà Trưng (phường Bến Nghé, quận 1).
Mảnh đất nói trên nằm ở vị trí đắc địa, trung tâm thành phố với 4 mặt tiền được Bộ Tài chính cho phép Sabeco sử dụng để xây dựng trụ sở văn phòng tổng công ty và trung tâm thương mại dịch vụ văn phòng.
Sau đó, UBND TP HCM cho phép Công ty cổ phần đầu tư Sabeco Pearl làm chủ đầu tư dự án trên không thông qua đấu thầu theo đề nghị của Sở KH&ĐT mà không qua ý kiến của Bộ Tài chính.
Khu đất vàng lọt vào tay tư nhân
Cụ thể, hồi tháng 6/2015, ông Nguyễn Hữu Tín lúc đương nhiệm chức phó chủ tịch UBND TP HCM ký quyết định cho Sabeco Pearl thuê đất 50 năm trả tiền một lần để xây dựng dự án khu phức hợp 6 sao, trung tâm hội nghị, hội thảo và cao ốc văn phòng cho thuê với mức đầu tư 2.400 tỷ đồng.
Như vậy, ông Tín thuận chủ trương cho công ty Sabeco Pearl làm chủ đầu tư dự án tại lô đất này, sau đó Sở TN&MT lập tờ trình (do ông Đào Anh Kiệt làm giám đốc sở thời điểm đó) UBND thành phố cho công ty này thuê đất. Trong khi đó, giá đất để đóng tiền sử dụng đất là giá đất được duyệt với mục đích giao đất cho Công ty Sabeco, không phải duyệt để cho Công ty Sabeco Pearl thuê đất.
Việc cựu phó chủ tịch TP HCM chuyển dự án từ Sabeco cho Sabeco Pearl là chưa đúng quy định pháp luật. Ngoài ra, việc cho thuê đất 50 năm trả tiền một lần với giá do cơ quan chức năng thẩm định mà không qua đấu giá quyền sử dụng đất là sai Luật đất đai.
Cựu phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín.
Hồi đầu tháng 2, Kiểm toán Nhà nước ban hành báo cáo kiểm toán liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước của Sabeco vào năm 2016. Qua đó, đơn vị này chỉ ra sai sót hàng chục tỷ đồng liên quan đến việc thoái vốn của Sabeco tại Sabeco Pearl.
Được biết, Công ty cổ phần Đầu tư Sabeco Pearl có vốn điều lệ 567 tỷ đồng, bao gồm 4 cổ đông. Trong đó, Sabeco hợp tác với nhóm các nhà đầu tư bằng cách góp 18% vốn đều lệ bằng tiền mặt, cộng với 8% giá trị được hưởng lợi thế từ khu đất vàng 6.000m2. Đồng thời, Sabeco sẽ nhận kết quả kinh doanh tương ứng với số vốn góp bằng 26% vốn điều lệ.
Ba cổ đông đồng sáng lập gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hà An sở hữu 25,5% cổ phần, Công ty Cổ phần Đầu tư Mê Linh sở hữu 25,5%% cổ phần và Công ty Cổ phần Attland sở hữu 23% cổ phần.
Ngày 30/5/2016, Hội đồng quản trị Sabeco đã thông qua phương án thoái vốn tại Sabeco Pearl bằng việc bán toàn bộ vốn đầu tư của doanh nghiệp bằng hình thức bán đấu giá cạnh tranh cho các cổ đông còn lại.
Qua đàm phán, Attland đã mua toàn bộ cổ phần của Sabeco và nắm tới 49% cổ phần tại Sabeco Pearl, hai cổ đông khác nắm số cổ phần còn lại. Kiểm toán Nhà nước cho rằng việc thoái vôn này có nhiều vi phạm.
Ông chủ bí ẩn đứng sau
Đến tháng 6/2018, ba cổ đông còn lại cũng thoái sạch vốn khỏi Công ty Sabeco Pearl, toàn bộ số cổ phần của công ty này rơi vào tay các cá nhân là ông Ngô Văn An (nắm 98,53% vốn điều lệ) va 2 cá nhân khác.
Đến tháng 10/2016, Sabeco Pearl đã đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư Quảng trường Mê Linh, nâng vốn điều lệ lên gần 1.020 tỷ đồng. Thời điểm này, ông Nguyễn Như Pho lên làm Chủ tịch HĐQT công ty thay cho ông Bùi Cao Nhật Quân.
Tuy nhiên, khoảng 1 tháng sau đó, ông Ngô Văn An (SN 1977) lên thay thế vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Quảng trường Mê Linh.
Thời điểm đó, ông An còn đứng tên hàng loạt doanh nghiệp nghìn tỷ khác như: Công ty cổ phần Đầu tư Mê Linh Square, Công ty cổ phần đầu tư Trade Wind, Công ty cổ phần Đầu tư Golden Hill, Công ty TNHH quản lý tài sản & BĐS Alpha King, Công ty cổ phần quản lý phát triển dự án Đông Sài Gòn.
Khu đất vàng 6000m2 tại địa chỉ 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1) bị bỏ hoang.
Trong các công ty mà ông Ngô Văn An đứng tên Chủ tịch HĐQT, có Công ty Cổ phần Đầu tư Mê Linh Square có vốn điều lệ hơn 3.000 tỷ đồng nhưng ông này không phải là cổ đông sáng lập cũng không có cổ phần. Ba cổ đông sáng lập công ty trên gồm Trương Kiến Anh (chiếm 30%), Diệp Nhâm Quang Vinh (chiếm 30%) và Trương Thôi Chánh (40%).
Tương tự, công ty Cổ phần Đầu tư Golden Hill được thành lập với vốn điều lệ 100 tỷ đồng cũng do 3 cổ đông sáng lập gồm các ông: Bùi Đức Dũng (40%), Tất Thành Chí (30%) và Lương Minh Hán (30%).
Đến tháng 11/2017, Golden Hill sáp nhập với Công ty TNHH đầu tư xây dựng Ngân Bình và tăng vốn điều lệ lên 2.798 tỷ đồng . Khi các cổ đông thoái hết vốn, ông An giữ chức Tổng giám đốc công ty.
Tuy nhiên, sau đó 3 cổ đông ngoại: Ford Master International Limited, Golden Hill Investment Company Limited và Quality Plus Developments Limited mua lại cổ phần. Ông Chan Min Simon thay thế ông An đại diện pháp luật.
Riêng lô đất 6.000m2 ở số 2-4-6 Hai Bà Trưng từng được quảng bá sẽ xây dựng khu phức hợp căn hộ thương mại, văn phòng, khách sạn 6 sao quy mô 2 tòa tháp đôi cao 36-48 tầng. Tuy nhiên, hiện khu đất vẫn bỏ hoang, bốn bề rào chắn.