8/3 ở “xóm bà bầu” Sài Gòn: Những người phụ nữ gian nan đi tìm thiên chức làm mẹ và tình người trong con hẻm hy vọng

Không biết từ lúc nào, cái gánh nặng con cái luôn bị đổ hết lên đôi vai yếu ớt của người phụ nữ, để rồi có những người đi suốt cuộc đời, hy sinh hết tất cả chỉ để tìm cho mình một đứa con.

Qua con đò này là đến chân núi, người có tiền thì đi cáp treo với giá 200 ngàn/lượt, ai tiết kiệm thì men theo bậc thang cấp để lên chùa. Tiếc tiền nên bà Thu gắng từng bước lên gặp thánh thần, dẫu cái tuổi 60 khiến đôi chân ngày một nặng nhọc. Leo được nửa đường thì bà già ngã quỵ, không còn thở nổi. Bà móc điện thoại ra gọi cho con gái: “Mẹ sắp chết rồi con ơi!”.

Nhưng chết ở đây thì đâu có cam lòng, bà già đứng dậy tiếp tục đi, cuối cùng cũng lên đến đỉnh núi. Đứng trước tượng phật, người phụ nữ hom hem chắp tay khấn vái cho cô con gái của mình – đứa con gái đi lấy chồng đã 3 năm vẫn chưa có một mụn con nào, đang phải sống những tháng ngày bị nhà chồng dày vò, nặng nhẹ.

Không biết trời có chứng, phật có thấu hay không nhưng hễ ai mách chỗ này linh thiêng, chỗ kia nhiệm màu bà Thu đều lặn lội đến để xin cho con. Bạn biết không? Nếu trên cuộc đời này có một ai đó vì chúng ta mà trèo non, lội suối thì đó chỉ có thể là mẹ, cha.

8/3 ở xóm bà bầu Sài Gòn: Những người phụ nữ gian nan đi tìm thiên chức làm mẹ và tình người trong con hẻm hy vọng - Ảnh 1.

Bà Thu và bà Thiêm – hai người mẹ lặn lội từ Nghệ An vào Sài Gòn để chăm sóc cho con gái trong xóm bà bầu.

Xóm bà bầu – Những phận đàn bà không con

Sinh ra trên đời, mang phận đàn bà đôi khi đã là một cái nợ. Không biết từ lúc nào mà gánh nặng con cái luôn đè lên đôi vai của người phụ nữ trong gia đình. Người xưa có câu “Tam niên vô tự bất thành thê”, quan niệm vợ chồng hiếm muộn lỗi nằm ở người vợ từ bao năm nay đã in sâu vào tâm khảm của người Việt, để rồi người phụ nữ cứ mãi day dứt với cái thiên chức cao quý của mình – làm mẹ.

Con hẻm gần bệnh viện phụ sản Từ Dũ (TP.HCM) lâu nay được người dân gọi với cái tên thân thương: xóm bà bầu, nơi đây là xóm trọ của hàng trăm đôi vợ chồng hiếm muộn từ khắp mọi miền đất nước.

8/3 ở xóm bà bầu Sài Gòn: Những người phụ nữ gian nan đi tìm thiên chức làm mẹ và tình người trong con hẻm hy vọng - Ảnh 2.

Các cặp vợ chồng vẫn thường đến những chốn tâm linh để cầu sinh con cái.

Con gái của bà Thu (60 tuổi, Nghệ An) lấy chồng đã hơn 3 năm vẫn chưa sinh đứa con nào, đi khám bác sĩ thì biết được nguyên nhân là do phía người chồng. Dù thực tế là vậy nhưng cô gái vẫn sống trong sự giày vò của nhà chồng. Thương con, bà Thu quyết định lên Hà Nội làm giúp việc kiếm tiền để con gái đi thụ tinh nhân tạo.

“Làm được bao nhiêu tôi đưa hết cho con gái để dành dụm đi bệnh viện. Chồng và hai đứa con trai tôi không thích điều đó, họ nhiều lần lớn tiếng, kể ra thì xấu hổ nhưng vợ chồng tôi gần như tan vỡ. Nhưng làm mẹ ai nỡ bỏ con” – bà Thu lau vội dòng nước mắt.

Những người phụ nữ nông thôn với vẻ hiền lành, khắc khổ. Họ chưa từng làm qua cái gì lớn lao như người khác. Họ cũng chỉ làm ruộng, công nhân, giúp việc nhà… Nhưng bên trong luôn tiềm ẩn một món vũ khí phi thường và mạnh mẽ đó là tình mẫu tử.

Chi phí cho cái hành trình đắt đỏ này là vô chừng khi là 200 – 300 triệu, lúc thì lên đến cả tỷ đồng nhưng không phải ai cũng may mắn đậu thai. Rất nhiều gia đình phải bán đất, bán nhà, cầm cố tài sản hay vay mượn tiền khắp nơi để theo đuổi cái hy vọng mong manh, mờ ảo này.

“Vào chăm sóc cho vợ, anh bị công ty đuổi việc. Anh mất việc, mất nhà, mất đất nhưng có được con thì coi như không mất gì hết, không gì quý bằng” – anh T, một người đàn ông nuôi vợ suốt hai năm ở con hẻm này kể lại.

8/3 ở xóm bà bầu Sài Gòn: Những người phụ nữ gian nan đi tìm thiên chức làm mẹ và tình người trong con hẻm hy vọng - Ảnh 3.

Sự thinh lặng của người đàn ông, giọt nước mắt của người phụ nữ ở xóm bà bầu như một lời tuyên chiến với cuộc đời. Chúng tôi đi tìm con và sẽ chờ đợi đến cùng.

Tình người trong hẻm hy vọng

Bà Thiêm (58 tuổi, Nghệ An) có lẽ là bà mẹ đặc biệc nhất nhì trong xóm trọ này, vượt qua những định kiến của xã hội bà mẹ chồng lặn lội từ Nghệ An vào Sài Gòn chăm sóc cho con dâu hơn 1 năm nay để tìm cháu nội.

“Con cô nó kêu cô leo lên trời cô cũng leo. Chưa biết leo kiểu gì những cũng bắt thang lên cái đã.” Cô Thiêm vừa nói vừa cười, cái điệu vui vẻ vừa gần lại vừa xa. Tết năm nay cô xa nhà, Sài Gòn thì làm gì có Tết cho hai mẹ con cô.

8/3 ở xóm bà bầu Sài Gòn: Những người phụ nữ gian nan đi tìm thiên chức làm mẹ và tình người trong con hẻm hy vọng - Ảnh 4.

Con dâu bà Thiêm đã 7 năm kể từ về làm dâu vẫn không có con, thế nhưng bà không hề oán trách, mà lại thương con dâu rất nhiều.

Dẫu vậy, con hẻm kì lạ ấy tưởng buồn mà lại không buồn. Người ta chắp vá niềm vui của những người không may mắn với nhau. Mỗi nhà một ít, mỗi người một “nhúm” vậy mà thành ra nghĩa tình. Ở đây ai cũng nghèo, nhưng hễ nhà này có món gì ngon sẽ đem cho nhà kia một ít, đôi vợ chồng nào “hoàn thành nhiệm vụ” sẽ tặng lại những món đồ của mình cho cặp vợ chồng còn ở lại. Ngoại trừ nỗi đau, sự bất hạnh ở họ còn có một điểm chung đó là niềm hy vọng.

8/3 ở xóm bà bầu Sài Gòn: Những người phụ nữ gian nan đi tìm thiên chức làm mẹ và tình người trong con hẻm hy vọng - Ảnh 5.

Những căn phòng trọ chật hẹp là nơi ở tạm bợ cho những gia đình hiếm muộn.

Một đời sống vì con

Sài Gòn khắc nghiệt, nhưng không thiếu những trái tim ấm nồng. Bà Thu xúc động kể lại câu chuyện khiến bà cứ nhớ mãi: “Bữa đó tôi còn có 20 ngàn trong túi, muốn ra mua cho con gái tô mì. Mà ngặt nỗi người ta bán mỗi tô 25 ngàn. Vét sạch túi cũng không có đủ nên năn nỉ là bán cho phần 20 ngàn, ít ít thôi cũng được. Nhưng người bán nhất quyết không chịu. Lát sau lấy tiền trở ra để mua thì bà chủ nói là: lúc nãy có cô kia đã trả cho bà rồi. Tôi chạy về kể với con gái, nhưng luôn day dứt vì không biết cô ấy là ai, làm sao để cảm ơn”.

Tôi định nói với bà Thu rằng người Sài Gòn cũng như cô thôi, cho ai cái gì họ không nghĩ đâu. Cô dành cả đời cho con cháu, cũng có bao giờ nghĩ phần mình. Không ai nói với bà Thu, bà Thiêm là tại sao phải hy sinh? Nhưng khi đã mang thiên chức làm mẹ, thì cả đời còn lại họ sống cho “tụi nó” chứ không phải cho mình.

8/3 ở xóm bà bầu Sài Gòn: Những người phụ nữ gian nan đi tìm thiên chức làm mẹ và tình người trong con hẻm hy vọng - Ảnh 6.

Dù có mất hết tất cả, nhưng các bà mẹ không bao giờ bỏ rơi con mình.

“Ví dầu cầu ván đóng đinh

Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi

Khó đi mẹ dắt con đi

Con đi trường học, mẹ đi trường đời…”

Nếu có nỗi mong mỏi nào lớn lao và sâu đậm nhất, tôi nghĩ đó là điều mà những bà mẹ mong cho con mình được hạnh phúc, hoặc đơn giản là mong cho nó được trở thành một người mẹ như mình đã từng. Bao dung và vĩ đại.

Ngày 8/3, xin cảm ơn những người phụ nữ, những bà mẹ đã luôn hy sinh tất cả cho thiên chức của mình.