Ăn sống ngày càng trở nên phổ biến hơn, nhất là khi chúng ta đang rất thích trải nghiệm và trong lĩnh vực ẩm thực cũng không ngoại lệ.
Nếu như bạn đang sẵn lòng muốn ăn sống thử một loại thực phẩm nào đó nhưng còn phân vân nên tránh những thực phẩm nào thì danh sách liệt kê dưới đây sẽ giúp bạn.
Thịt gà
Một trong những điều mà chúng ta đều biết đó là thịt gia súc và gia cầm không phải là thực phẩm nên ăn sống, nhưng tại sao vẫn có nhà hàng phục vụ món này dưới tên gọi là torisashi hay sashimi thịt gà?
Và tất nhiên là nó được chế biến bởi các đầu bếp đã được đào tạo vậy nó có an toàn?
Hoàn toàn ngược lại, Tiến sĩ Lauri Wright, trợ lý giáo sư về y tế công cộng tại Đại học Nam Florida cho biết trên tờ Healthline rằng món ăn này cực kỳ nguy hiểm, thuộc top những thực phẩm gây ngộ độc.
Cô cho biết: “ăn sống thịt gà chỉ làm tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn Salmonella và Campylobacter mà thôi, thịt gà hoàn toàn không an toàn để có thể ăn sống.”
Trung tâm kiểm soát dịch bệnh, Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo thịt gà nên được chế biến đạt nhiệt độ thịt là 165oC.
Trong khi đó món torisashi chỉ đơn thuần được làm khô với nhiệt trong vỏn vẹn không quá 10 giây, không đủ thời lượng lẫn nhiệt lượng để tiêu diệt các vi khuẩn gây hại.
Nếu bạn không muốn bị buồn nôn, nôn mửa, đau bụng và tiêu chảy thì đừng đánh cược với một miếng thịt gà sống.
Thịt bò xay
Trong khi chúng ta không cần đắn đo quá nhiều khi ăn một miếng bít tết sống với mù tạt thì món thịt bò xay lại là một vấn đề hoàn toàn khác.
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cảnh báo mức độ nguy hiểm khi ăn thịt bò xay bởi nguy cơ nhiễm khuẩn, đặc biệt là nhiễm vi khuẩn E.coli.
Bởi vì E.coli có thể tồn tại trong tủ lạnh lẫn tủ đông mặc dù nó không thể nhân lên ở nhiệt độ dưới 6oC, nhưng việc chế biến thịt bò xay ở nhiệt độ cao đủ để tiêu diệt E.coli là điều cần thiết (theo khuyến cáo của bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ là 70oC).
Nếu bạn vẫn chưa bị thuyết phục thì đây là một thông tin sẽ làm thay đổi ý kiến của bạn.
Một nghiên cứu được đăng tải trên trang Consumer Reports cho thấy rằng khoảng 207kg thịt bò xay được phân tính thì đều chứa vi khuẩn Enterococcus và/hoặc E.coli dấu hiệu cho biết sự tạp nhiễm với chất thải, hay nói một cách đơn giản là toàn bộ thịt bò xay đều có chứa phân, lý do này đủ để bạn tránh ăn thịt bò xay sống ra rồi chứ?
Sữa tươi chưa qua xử lý
Sữa tươi chưa qua xử lý có thể chứa các vi khuẩn, vi-rút và ký sinh trùng gây hại, các sinh vật này sẽ bị tiêu diệt trong quá trình tiệt khuẩn, theo CDC nguy cơ nhiễm khuẩn từ sữa tươi chưa qua xử lý cao gấp 150 lần so với sữa đã qua xử lý.
Từ năm 2007 đến 2012, sữa tươi chưa qua xử lý đã gây ra 81 vụ nhiễm khuẩn hàng loạt trên 26 bang của nước Mỹ, nguyên nhân được xác định do các vi khuẩn như Campybacter, E.coli, Salmonellla và Listeria có trong sữa tươi chưa qua xử lý.
Theo FDA, sữa đã qua xử lý không làm giảm đi giá trị dinh dưỡng cũng như gây ra chứng không dung nạp lactose hoặc các triệu chứng dị ứng mà như nhiều người thường nghĩ.
Điều quan trọng hơn cả, việc uống sữa chưa qua xử lý có thể làm bạn tử vong hoặc tối thiểu cũng khiến bạn gặp phải những vấn đề sức khỏe, bởi bản thân sữa chưa qua xử lý luôn chứa các nguồn nguy hại gây bệnh.
Khoai tây
Thực tế có những người thích ăn vặt khoai tây sống hơn là đã được nấu chín, liệu thói quen này có an toàn? Và câu trả lời là… nên tránh ăn sống khoai tây.
Lý do đầu tiên, khoai tây sống có chứa loại tinh bột “trơ”, cơ thể chúng ta không phân giải được, nghĩa là chúng không bị tiêu hóa vì vậy chúng nghèo về mặt dinh dưỡng.
Hơn nữa, thành phần không tiêu hóa được sẽ chu du khắp hệ tiêu hóa, gây ra chướng bụng, đầy hơi, co thắt đường tiêu hóa.
Lý do thứ hai, khoai tây sống chứa các enzyme bất hoạt các chất ức chế chất kháng dinh dưỡng (Chất kháng dinh dưỡng (Antinutrient) là các hợp chất tự nhiên hoặc tổng hợp được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm (đặc biệt là ngũ cốc , đậu, đỗ và các loại hạt) ảnh hưởng đến việc hấp thụ các vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng khác.) khiến cơ thể khó tiêu hóa các loại thực phẩm khác.
Lý do cuối cùng, nếu khoai tây không được gọt vỏ và rửa sạch, vi khuẩn ở lớp vỏ có thể vẫn còn tồn tại, và chắc chắn là bạn không nên ăn chúng đâu.
Còn khoai tây xanh thì sao?
Cho dù là ăn sống hay đã được nấu chín, tuyệt đối không nên sử dụng những quả khoai tây có màu xanh vì hàm lượng solanine cao tồn tại trong những quả khoai tây này sẽ đầu độc cơ thể gây buồn nôn, tiêu chảy, nhức đầu, và tệ hơn có thể dẫn đến tử vong.
Rau mầm
Kể từ năm 1998, hơn 30 đợt bùng phát ngộ độc thực phẩm có liên quan đến rau mầm. Vậy tại sao loài rau giàu dinh dưỡng này lại gây ra quá nhiều phiền toái?
Rau mầm được trồng trong môi trường ẩm ướt và các loài vi khuẩn như E.coli và Salmonella phát triển mạnh trong những điều kiện này.
Các loài vi khuẩn này không thể dễ dàng rửa trôi, và mặc dù có vài cách sơ chế được thẩm định là có thể làm giảm đi số lượng vi khuẩn có hại, nhưng bởi vì vi khuẩn không thể được nhìn hoặc ngửi thấy nên rất khó để có thể làm sạch hoàn toàn.
Theo CDC, tốt nhất bạn nên tránh ăn rau mầm sống. “Bất kể nơi chúng được phục vụ, rau mầm sống là một nguồn thực phẩm có thể gây ngộ độc”, cơ quan này cho biết. “Những người chọn ăn rau mầm nên nấu chín kỹ để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn”
Xúc xích
Về mặt công nghệ, xúc xích đã được chế biến trong quá trình sản xuất.
Tuy nhiên, nếu bạn đang có thói quen bỏ qua bước làm nóng chúng trở lại khi vừa mới lấy ra từ tủ lạnh để rút ngắn thời gian phục vụ cho những đứa con đang đói bụng của mình thì bạn nên cân nhắc lại. Bởi nguy cơ nhiễm khuẩn Listeria từ các que xúc xích không được làm nóng là hoàn toàn hiện hữu.
Vi khuẩn Listeria monocytogenes có thể được tìm thấy trong các loại thịt chế biến, như xúc xích, và theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), loại vi khuẩn này có thể tiếp tục phát triển ngay cả khi các thực phẩm này được làm lạnh, chúng phải được hâm nóng cho đến khi đạt trạng thái “hấp nóng” để tránh các nguy cơ nhiễm khuẩn.
Nhiễm khuẩn Listeria có thể gây ớn lạnh, sốt, đau lưng, nhức đầu, đau bụng, tiêu chảy và thậm chí sảy thai. Trong thực tế, FDA đã khuyến cáo, “Nếu không thể hâm nóng xúc xích, đừng ăn chúng.”
Trứng
Như một thực phẩm ưa chuộng của dân gym, ăn một đến hai quả trứng sau khi tập luyện cung cấp lượng protein cần thiết cho cơ bắp. Tuy nhiên trứng phải được chế biến mới thật sự an toàn và lợi ích.
Trứng là một nguồn protein dồi dào và theo tờ Healthline, một nghiên cứu cho thấy 90% protein trong trứng được hấp thu khi nấu chín, so với chỉ 50% được hấp thu khi nó còn sống.
Và mặc dù hàm lượng một số chất dinh dưỡng sẽ bị giảm nhẹ trong quá trình chế biến, tuy nhiên sự khác biệt về mặt hấp thu protein giữa 2 trạng thái thì khó có thể bỏ qua, vì đây là lý do khiến hầu hết mọi người chọn trứng cho bữa ăn của mình.
Bên cạnh khía cạnh protein, trứng sống còn ẩn chứa nguy cơ gây nhiễm độc Salmonella, đó là lý do tại sao nên chế biến trứng trước khi sử dụng.
Và như hầu hết các thực phẩm dễ gây các vấn đề cho sức khỏe, những người “bụng yếu” chắc chắn nên tránh các dạng thực phẩm như sinh tố có trứng sống.
*Theo mashed