Trẻ em Nhật Bản nói riêng, người Nhật Bản nói chung luôn nằm trong top người có sức khỏe hàng đầu thế giới. Sau đây là bí quyết tại sao trẻ em Nhật Bản lại có sức khỏe tốt như vậy.
Chủ đề làm thế nào để thế hệ con em chúng ta có thể sống lâu và khỏe mạnh luôn là một trong những chủ đề nóng, gây nhiều tranh cãi cho các nhà khoa học.
Theo một nghiên cứu về sức khỏe được công bố trên tạp chí The Lancet – tuần san báo chuyên về y khoa hàng đầu thế giới, phần lớn trẻ em Nhật có cuộc sống khỏe mạnh và sống thọ.
Kể cả khi bệnh béo phì và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở trẻ em tăng vọt, thì tỉ lệ người dân Nhật mắc hai bệnh này vẫn thấp hơn hẳn.
Cách ăn uống và thói quen sinh hoạt của họ là một trong những bí quyết chính.
Trẻ em Nhật Bản có sức khỏe hàng đầu thế giới (Ảnh minh họa)
1. Thực đơn phong phú có chọn lọc, đầy đủ dinh dưỡng
Nguồn thức ăn đa dạng với thực phẩm lành mạnh giúp trẻ khỏe mạnh hơn rất nhiều (Ảnh minh họa)
Ăn uống theo phong cách Nhật Bản hiệu quả ở chỗ vừa nhanh no mà vẫn cung cấp đủ dinh dưỡng. Khi cha mẹ bổ sung đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể bé, cảm giác thèm ăn của bé sẽ giảm đi.
Thực đơn của bé cần có những thực phẩm có nguồn gốc thực vật như trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên chất và chất béo lành mạnh (như mỡ cá giàu Omega 3 rất tốt cho tim) và các món ăn ít đường, muối.
Thực đơn này tương đối ít calo, giảm khả năng trẻ mắc bệnh béo phì và các bệnh liên quan đến lượng mỡ trong cơ thể, giúp bé có một cơ thể khỏe mạnh và ít bị bệnh hơn.
Một bí mật trong cách ăn uống của người Nhật đó là họ ăn cơm nhiều hơn bánh mì hoặc mì ống. Lý do là vì loại gạo hạt ngắn của Nhật với đặc trưng có màu trắng hoặc nâu, ăn rất ngon, hạt cơm mịn và rất nở, có mức calo thấp hơn bánh mì.
Loại gạo này giúp trẻ em có thể thay thế các thực phẩm ít lành mạnh hơn và giảm tổng lượng calo tiêu thụ.
2. Thường xuyên có những bữa cơm gia đình
Nên có ít nhất 1 bữa cơm gia đình một ngày để trẻ cảm nhận được tình cảm gai đình (Ảnh minh họa)
Chuyên gia dinh dưỡng Tomomi Takahashi của Trường mẫu giáo Kaji Sakura (Hokkaido- Nhật Bản) khuyên cha mẹ không nên cố ép con ăn, hãy tạo cảm giác thoải mái để bé có cảm giác thích ăn và thoải mái khi ăn.
Hãy để trẻ thấy cách bạn ăn và thưởng thức bữa ăn. Và đặc biệt hãy chú trọng việc ngồi ăn cùng con ít nhất 1 bữa/ngày.
Cảm nhận niềm vui khi được ăn cùng với con, nói chuyện với con về thói quen ăn uống, và hãy ăn cùng nhau để tạo bầu không khí gia đình thực sự.
3. Khuyến khích trẻ ăn những món ăn mới
Thường xuyên đưa ra nhiều lựa chọn về đồ ăn để bé cảm thấy thoải mái khi ăn (Ảnh minh họa)
Sở thích của bé thường thay đổi theo thời gian. Nếu bạn cảm thấy bé không mấy “mặn mà” với rau củ hay đồ ăn lành mạnh, đừng nên cảm thấy áp lực hay nản lòng mà hãy nhẹ nhàng hướng bé ăn những món này bằng sự lựa chọn đa dạng hơn.
Đưa ra nhiều lựa chọn hấp dẫn làm tăng ham muốn thử loại đồ ăn mới cho trẻ, theo đó từ từ hướng bé theo thực đơn lành mạnh hơn và làm bé thích thú hơn khi ăn các món ăn đó.
Cha mẹ nên kiên nhẫn và tránh nản lòng hay mất bình tĩnh, nhất là sau một hai lần đầu bé không chịu ăn.
4. Chia nhỏ khẩu phần ăn nhưng hãy chú ý đến chất dinh dưỡng
Tiến sĩ Jennifer Orlet Fisher, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và giáo dục về bệnh béo phì, cho rằng trẻ em thường sẽ không ăn những thức ăn đã được để sẵn trên bát đĩa lớn dành riêng cho bé.
Thay vào đó, hãy sắp xếp thức ăn của bé ra những đĩa nhỏ và để bé tự mình lấy thức ăn. Việc đó không những khiến bé có cảm giác thoải mái khi ăn, bé có thể ăn no và ngon miệng hơn mà còn làm bé thấy tự giác và có trách nhiệm.
5. Để bé được chơi đùa thoải mái
Thật khó có cách nào để trẻ em ngừng dán mắt vào các trò chơi điện tử hoặc nhiều thú vui công nghệ khác trong khi trẻ em cần tối thiểu 60 phút một ngày để vận động thể dục thể thao để làm tăng cảm giác vui vẻ.
Cha mẹ hãy thử tìm những hoạt động mà có thể làm cùng với bé, như cùng bé đi bộ đến trường hay cùng chơi với bé trong công viên. Việc này sẽ tạo cho bé một cảm giác vui vẻ và gần gũi hơn.
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết việc hoạt động thể chất trẻ em từ 5 đến 17 tuổi là rất cần thiết, góp phần vào sự phát triển của xương, cơ và khớp, cũng như giúp cho hệ tim mạch được khỏe mạnh, và cải thiện việc kiểm soát các triệu chứng lo lắng và trầm cảm, và tạo cơ hội cho trẻ tự thể hiện, giao tiếp xã hội và hòa nhập.
Mọi đứa trẻ đều thích chơi đùa, chạy nhảy. Hãy để chúng tự do chơi đùa trong môi trường an toàn. Chạy nhảy sẽ giúp bé học tập tốt hơn, cải thiện khả năng tập trung cũng như cảm thấy hạnh phúc hơn.
Và điều quan trọng là, thói quen lành mạnh này sẽ đảm bảo một cuộc sống khỏe mạnh, dài lâu cho các bé.
6. Nghiêm khắc với bé khi cần thiết
Hãy giải thích cho bé lỗi sai để bé hiểu tại sao bạn giận dữ (Ảnh minh họa)
Một số cha mẹ cảm thấy không thoải mái, thậm chí là sẽ thấy ân hận khi nghiêm khắc với bé. Tuy nhiên, đối với người Nhật, họ thường khá nghiêm khắc với con mình, nhất là với các bấn đề liên quan đến thực phẩm và thói quen sinh hoạt.
Nhưng thay vì nghiêm khắc một cách độc đoán, hãy giải thích cho bé tại sao bạn lại nghiêm khắc, và hướng dẫn bé đi theo các quy tắc cụ thể đã đề ra và thống nhất.
Hãy quyết đoán, nhưng không nên độc đoán và quá cứng nhắc. Hãy để bé hiểu tại sao bạn lại nghiêm khắc. Điều này góp phần tạo thói quen sống lành manh và có nền nếp cho trẻ ngay từ nhỏ.
*Theo Rd