Dưỡng sinh là việc quan trọng nhất trong quá trình chăm sóc sức khỏe. Có 3 thời điểm phù hợp nhất để bạn làm việc này. Nếu làm tốt thì sẽ giảm được bệnh tật một cách tối đa.
Trong những năm qua, từ “dưỡng sinh” hay “chăm sóc sức khỏe” đã đọng lại trong tai chúng ta, nhiều người đã khá quen thuộc với khái niệm chăm sóc sức khỏe chủ động, mọi người đều có ít nhiều kiến thức về sức khỏe hoặc đã bước vào giai đoạn của việc ưu tiên cho sức khỏe.
Tuy nhiên, nhiều người không biết chính xác làm thế nào để giữ được sức khỏe, thậm chí có một chút bối rối. Trên thực tế, ngoài việc ưu tiên thời gian rảnh để ngủ suốt cả ngày, chúng ta nên chú ý đến sức khỏe mọi lúc, mọi nơi có thể.
Có 3 thời điểm quan trọng nhất trong một ngày phù hợp với việc chăm sóc sức khỏe chủ động, người nào làm tốt được việc này thì sẽ giữ được sự khỏe mạnh, ít ốm đau bệnh tật, đặc biệt là vào mùa đông.
1, Dưỡng sinh vào buổi sáng
(1) Dậy sớm
Tất cả chúng ta đều nói một câu cửa miệng quen thuộc rằng “ngủ sớm dậy sớm rất tốt cho sức khỏe”, nhưng không phải ai cũng thực hiện được điều này. Và nếu bạn muốn giữ sức khỏe, bạn thực sự cần phải làm điều đó.
Một điều gây khó khăn cho bạn chính là người hiện đại thường có thói quen thức khuya và đi ngủ muộn, hoặc thậm chí thức qua đêm nên việc nhắc nhở bản thân thức dậy sớm đã trở nên rất không thực tế.
Người lớn có thể ghi nhớ thời gian cần và đủ để ngủ là khoảng 7-8 giờ mỗi đêm. Đối với những người đi ngủ trong khoảng thời gian 11 giờ đêm, tốt hơn là nên thức dậy lúc 6 giờ sáng. Còn đối với những người ngủ khoảng 12 giờ thì tốt hơn nên thức dậy lúc 7 giờ sáng.
Bạn hãy căn giờ của mình làm sao để đảm bảo việc ngủ đủ giấc, sâu giấc và thức dậy trong trạng thái thoải mái nhất.
(2) Từ từ hãy rời khỏi giường
Trong hầu hết các trường hợp, nhiều người thường thức dậy là vội vàng thay quần áo hoặc vệ sinh cá nhân. Họ không có đủ thời gian để ăn sáng, hoặc ngấu nghiến ăn bữa sáng trong vội vã.
Cách ăn uống và sinh hoạt vội vã một cách nhanh chóng này khiến cơ thể khó thích nghi ngay lập tức, ảnh hưởng đến công việc bình thường của các cơ quan khác nhau trong cơ thể và sự điều hòa bình thường của nội tiết. Làm như vậy trong thời gian dài sẽ gây ra rối loạn chức năng của hệ thống tuần hoàn và hệ tiêu hóa, và gây ra một loạt các bệnh.
Vì vậy, khi bạn thức dậy vào buổi sáng, hãy nằm nghỉ ngơi trên giường cho đến khi cảm thấy tỉnh táo rồi mới rời khỏi giường. Từng bước một, bạn tiến hành làm các việc khác trong buổi sáng cho đến khi cơ thể thích nghi với nhịp độ nhanh của những hoạt động ban ngày.
Tránh sự thay đổi đột ngột từ trạng thái tĩnh sang trạng thái động sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe và không đảm bảo tốt việc dưỡng sinh.
(3) Loại bỏ chất thải, khí thải
Sau cả đêm dài nghỉ ngơi, hoạt động của toàn bộ các mô và cơ quan của cơ thể chậm lại, và một số chất thải được tạo ra bên trong cơ thể và cần phải được đào thải khỏi cơ thể.
Do đó, khi bạn thức dậy vào buổi sáng, bạn nên đi tiểu tiện và đại tiện, rồi mở cửa sổ để thông gió, xả khí thải tồn dư trong nhà, để không khí trong lành từ bên ngoài tràn vào, sau đó uống một cốc nước ấm để thanh lọc cơ thể, vệ sinh cá nhân và dọn dẹp phòng ngủ của bạn.
(4) Ăn sáng
Nhiều người trẻ muốn ngủ muộn hơn sau một đêm thức khuya nên họ có xu hướng ăn bữa sáng qua loa hoặc thậm chí không ăn sáng. Điều này có hại cho sức khỏe về lâu dài.
Bạn nên tạo ra cho mình một nguyên tắc, bắt buộc bản thân phải chú ý lên lịch ăn sáng, nếu có thể, bạn nên ăn một bữa sáng thật sự đa dạng, để đảm bảo đủ năng lượng cho một ngày dài và có một hiệu suất làm việc hay học tập đều hiệu quả hơn.
(5) Tập thể dục nhiều hơn
Chúng ta đều biết rằng vận động thể dục thể thao đều đặn có thể giúp con người khỏe mạnh và tăng tuổi thọ. Hầu hết không khí buổi sáng đều khá trong lành. Người cao niên về hưu có thể đi dạo quanh hồ, công viên và quảng trường sau khi ăn sáng.
Ngoài ra, bạn có thể đi dạo ở những nơi có không khí trong lành và thử các môn thể thao khác.
2, Dưỡng sinh vào buổi trưa
Sau một buổi sáng bận rộn, bạn nên duy trì ý thức ăn uống phong phú hơn một chút vào buổi trưa, để bạn có thể làm việc hiệu quả hơn vào buổi chiều.
Ngoài ra, sau bữa trưa, bạn nên nghỉ ngơi hợp lý. Những người có điều kiện có thể nằm xuống và ngủ một lúc, và những người không có điều kiện có thể nằm hoặc ngồi nghỉ ngơi thư giãn một lúc.
Đặc biệt là người già, trẻ em, học sinh, nhân viên văn phòng, v.v., thì rất nên duy trì giấc ngủ trưa. Bởi vì việc ngủ trưa ngắn đó không chỉ có thể cải thiện hiệu quả công việc vào buổi chiều, mà còn tốt cho sức khỏe của bạn. Nhưng nếu bạn chưa từng có thói quen ngủ trưa, bạn có thể bỏ qua lời khuyên này.
3, Dưỡng sinh vào buổi tối
Vào buổi tối, đó thường là thời gian giải trí và thư giãn nhất trong ngày. Sau cả ngày dài làm việc, cuối cùng bạn cũng có thời gian nghỉ ngơi tốt cho riêng mình. Vì vậy, điều quan trọng nhất trong chăm sóc sức khỏe vào buổi tối là duy trì tâm trạng vui vẻ và thư giãn, loại bỏ sự căng thẳng trong công việc và những vấn đề của cuộc sống.
Trước hết, bữa tối nên chuẩn bị tốt hơn, nhưng không nên ăn quá nhiều cá và thịt, hãy cố gắng ăn uống thanh đạm và lành mạnh với những thực phẩm tốt cho sức khỏe.
Khi cơ thể nhận được đầy đủ các chất dinh dưỡng mà bạn đã ăn vào ban ngày thì bạn có thể thư giãn và ăn uống nhẹ nhàng hơn vào ban đêm.
Đối với bệnh nhân mắc các bệnh về tim mạch và mạch máu não, hãy cố gắng ăn ít thực phẩm giàu chất béo và cholesterol và ưu tiên ăn nhiều món từ nguồn gốc thực vật vào bữa tối.
Lời khuyên quan trọng dành cho bạn là không nên nằm trên ghế sofa và xem TV hoặc chơi điện thoại di động sau bữa tối. Bạn có thể trò chuyện với gia đình và bạn bè, thư giãn và đi dạo để hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động tốt nhất.
Cuối cùng, đừng đi ngủ quá muộn, cố gắng ngủ trước 11 giờ, nếu bạn không nghỉ ngơi đủ, sẽ ảnh hưởng đến công việc của ngày hôm sau.
*Theo Health/TT
Vân Hồng, theo Trí Thức Trẻ
http://ttvn.vn/doi-song/3-thoi-diem-vang-de-duong-sinh-nguoi-nao-tan-dung-duoc-thi-do-bi-benh-tat-tan-cong-820192811203721563.htm