Vốn đầu tư phát triển của khu vực nhà nước giải ngân đạt thấp, vốn từ ngân sách Nhà nước tăng 3,2% so với quý I/2018. Vốn trung ương quản lý giảm 30,5% so với cùng kỳ năm trước, theo đó, Thủ tướng chỉ đạo kiên quyết không chấp nhận thực tế này, các Bộ phải giải trình và có giải pháp mạnh để khắc phục.
Phát biểu tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối ngày 2/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã điểm lại một số nội dung về tình hình kinh tế vĩ mô.
Theo ông Dũng, GDP Quý I/2019 đạt ở mức cao, tăng 6,79% thể hiện kinh tế trong nước đang tiếp tục ổn định hơn, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng rõ nét hơn, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện.
Kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2019 giảm 0,21%% so với tháng trước (cùng kỳ tăng 8,7%). CPI bình quân quý I năm 2019 tăng 2,63% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,2%, tuy thấp hơn cùng kỳ năm 2018, nhưng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước, trong đó, ngành chế biến chế tạo tăng 11,1%. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt là ngành thủy sản tăng trưởng khá – 5,1% so với cùng kỳ (cao nhất trong 9 năm trở lại đây).
Tổng cầu tiếp tục tăng mạnh, là điểm sáng trong bức tranh kinh tế, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng (đã loại trừ yếu tố giá) tăng 9%, cao hơn mức 8,9% của cùng kỳ năm 2018.
Xuất khẩu Việt Nam tiếp tục tăng mạnh, tháng 3/3019 ước đạt 22,40 tỷ USD, tăng 61,1%, đặc biệt khu vực kinh tế trong nước đạt 17,05 tỷ USD, tăng 9,7% (cùng kỳ tăng 18,9%); 3 tháng đạt 58,51 tỷ USD, tăng 4,7%. Tháng 3 xuất siêu 1,56 tỷ USD (con số mới nhất vừa được Tổng cục Hải quan công bố)…
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Dũng, tình hình kinh tế xã hội cũng nổi lên một số vấn đề.
Ví dụ như vốn đầu tư phát triển của khu vực nhà nước giải ngân đạt thấp, vốn từ ngân sách Nhà nước tăng 3,2% so với quý I/2018. Vốn trung ương quản lý giảm 30,5% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là dự án lớn của các bộ như GTVT, NN&PTNT, TNMT, VHTT&DL.
Bộ trưởng Dũng cho biết Thủ tướng đã chỉ đạo kiên quyết không chấp nhận thực tế này, các Bộ phải giải trình và có giải pháp mạnh để khắc phục.
Khu vực nông nghiệp của Việt Nam cũng đang gặp khó khăn, cùng với dịch tả lợn châu Phi là tình hình hạn hán ở ĐBSCL, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ trong khi giá cả nhiều loại nông sản bấp bênh, có xu hướng giảm giá.
Khu vực công nghiệp và dịch vụ thì đang tăng chậm lại (công nghiệp và xây dựng tăng 8,63% – cùng kỳ năm 2018 tăng 9,70%; dịch vụ tăng 6,5% – cùng kỳ năm 2018 tăng 6,70%).
Tín dụng tăng trưởng thấp, hết quý I mới tăng 2,38%, trong khi mục tiêu cả năm là 14% tức là bình quân mỗi quý phải tăng 3,5%.
Mặt khác, Bộ trưởng cho biết việc thực thi Luật Quy hoạch tác động đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, nhiều quy hoạch hết hiệu lực, quy hoạch tích hợp mới chưa ban hành và dự đoán còn mất nhiều thời gian để hoàn thiện, ban hành các quy hoạch tích hợp này.
“Nhiều vấn đề xã hội nổi cộm như trên đã báo cáo, nhất là về môi trường, rác thải nhất là rác thải nhựa là vấn đề lớn cần giải quyết”, ông nói.
Bên cạnh đó, dẫn ra báo cáo của PCI 2018, Bộ trưởng nói rằng Việt Nam cần tiếp tục lưu ý nâng cao tính liêm chính, minh bạch; tăng cường chất lượng đào tạo lao động, cải thiện dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, thuế, hải quan…
Về nhiệm vụ thời gian tới, theo Bộ trưởng, Thủ tướng đã nhấn mạnh tinh thần bứt phá hơn, quyết tâm hơn để hoàn thành toàn diện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2019, đúng như tinh thần là năm 2019 phải tốt hơn 2018.