3 người đàn ông quan trọng nhất trong ngành AI vừa nhận Giải thưởng Turing danh giá kèm 1 triệu USD

Họ là những người đặt viên gạch nền quan trọng, và chính họ cũng tỏ ra đôi chút lo lắng về tương lai của AI.

Tuần vừa rồi, Giải thưởng Turing trị giá 1 triệu USD đã có chủ. Nếu như bạn chưa rõ: người ta vẫn hay gọi đây là “giải Nobel cho ngành máy tính”, và những cá nhân vinh dự nhận giải là Yanh LeCun, Geofrey Hinton và Yoshua Bengio vì những cống hiến mang tính tiên phong trong ngành trí tuệ nhân tạo.

Đằng sau thành công của họ là một câu chuyện dài đáng kể và đáng nghe.

3 người đàn ông quan trọng nhất trong ngành AI vừa nhận Giải thưởng Turing danh giá kèm 1 triệu USD  - Ảnh 1.

Từ trái sang phải: Yanh LeCun, Geofrey Hinton và Yoshua Bengio.

Thập niên 80, các nhà nghiên cứu hứng thú vô cùng với khái niệm mới toanh về mạng neural, một mạng máy tính nhân tạo có cơ chế hoạt động tương tự với não người. Ý tưởng nền móng không xoay quanh việc theo sát một chuỗi những quy tắc thông thường, mà để mạng neural tự “học” theo cách một con người sẽ học: tự nhìn ngắm thế giới và biết nhiều hơn qua trải nghiệm.

Họ có thể khởi động hệ thống mà không cần lập trình sẵn những khái niệm, không cần đưa ra kết luận cho các dữ liệu liên quan tới thế giới xung quanh cỗ máy hay cách vận dụng những dữ liệu ấy.

Nhưng sau nhiều năm nghiên cứu, lĩnh vực này không đạt được kỳ vọng. Cách thức “học” của máy không hoàn chỉnh, hiệu năng kém hơn nhiều những cỗ máy trí tuệ nhân tạo tuân theo một bộ quy tắc cụ thể. Đến thập niên 90, lĩnh vực AI tìm tới những hướng đi khác.

3 người đàn ông quan trọng nhất trong ngành AI vừa nhận Giải thưởng Turing danh giá kèm 1 triệu USD  - Ảnh 2.

Hinton, LeCun và Bengio không từ bỏ ý tưởng cũ. Họ tiếp tục tinh chỉnh mạng neural, và đạt được những tiến bộ đáng kể, ví dụ như việc thêm các “lớp phủ” cho AI – một cấu trúc cho phép sắp xếp các “neuron thần kinh” của máy để tăng hiệu năng. Sau nhiều tháng ngày nghiên cứu, họ khẳng định được rằng mạng neural chính là tương lai của ngành AI; chúng “chỉ” cần siêu máy tính đủ mạnh và một lượng lớn dữ liệu để hoạt động hiệu quả.

Ta không có máy tính đủ mạnh để vận dụng tối đa sức mạnh của neural network cho tới đầu thập kỷ này. Khi có những siêu máy tính đầu tiên, các hệ thống trí tuệ nhân tạo bắt đầu có những đột phá.

Đột nhiên, AI và mạng neural có thể nhận diện hình ảnh, dịch thuật, nhận dạng giọng nói, chơi game, nghiên cứu sinh học, thậm chí tạo ra những văn bản văn học đủ để thuyết phục người khác rằng có người đứng đằng sau viết nên.

3 người đàn ông quan trọng nhất trong ngành AI vừa nhận Giải thưởng Turing danh giá kèm 1 triệu USD  - Ảnh 3.

Ta bắt đầu tìm ra những cách tinh chỉnh mạng neural mới để hệ thống hiệu quả hơn. Mẫu AI do Hinton, LeCun và Bengio dần khẳng định được chỗ đứng cao nhất trong ngành trí tuệ nhân tạo. Đến ngày hôm nay, LeCun đã là phó chủ tịch và giám đốc khoa học AI cho Facebook, Hinton làm việc cho Google Brain và công tác tại Đại học Toronto, Bengio thành lập trung tâm nghiên cứu tại Đại học Montreal.

Trên khắp thế giới, ngành AI bắt đầu phát triển với hàng ngàn nhà nghiên cứu mới, hàng tỷ USD được đổ vào ngành nghề đầy triển vọng, ta khám phá ra hàng loạt công dụng mới của AI. Chẳng lạ lùng gì khi Yanh LeCun, Geofrey Hinton và Yoshua Bengio bước lên nhận Giải thưởng Turing danh giá.

Những câu hỏi mới đặt ra cho ngành nghề vừa xuất hiện

Dọc quá trình phát triển tưng bừng của AI là một loạt những câu hỏi về tương lai. Người ta bắt đầu nghĩ tới sự cần thiết của những bộ luật áp dụng lên AI, những ảnh hưởng có thể có lên xã hội hiện đại.

Có nhiều lý do để đặt câu hỏi, nhưng lý do chính để lo lắng là tốc độ phát triển của AI quả thực … thần kỳ. Mười năm trước, người ta an tâm khi biết AI tiên tiến – thứ con người phải dè chừng – phải cả thế kỷ nữa mới xuất hiện.

Ngày nay, có những thiết bị AI chỉ nằm gọn trên tay người dùng. Những hệ thống AI có khả năng gây lo lắng đã gõ cửa nhà chúng ta, không rõ một hệ thống AI vượt khả năng con người trong nhiều lĩnh vực đang ở cách thời điểm hiện tại bao xa.

3 người đàn ông quan trọng nhất trong ngành AI vừa nhận Giải thưởng Turing danh giá kèm 1 triệu USD  - Ảnh 4.

LeCun, Bengio và Hinton đều nhìn vào vấn đề đạo đức AI bằng con mắt nghiêm trọng. LeCun không tỏ rõ lo lắng về tương lai nhân loại bị AI tiêu diệt, nhưng vẫn cho rằng cần người giám sát tiến trình phát triển của trí tuệ nhân tạo. Hinton, người bi quan nhất trong “bộ ba nguyên tử”, thì đưa ra lo ngại về việc hoặc chiến tranh hạt nhân, hoặc một thảm họa toàn cầu gì đó sẽ diễn ra trước khi AI có cơ hội nắm quyền.

Trong cuốn sách Những Kiến trúc sư của Sự thông minh, Bengio nói:

Nếu ở thế kỷ 19, ta có thể nhìn trước tương lai để biết được kết cục của Cách mạng Công nghiệp, có lẽ ta đã biết để mà tránh hậu quả.

Vấn đề ta đối diện lần này đây, ta sẽ không có tới một thế kỷ để biết được kết quả của quá trình phát triển hiện tại, và những hậu quả có khi còn để lại ảnh hưởng sâu sắc hơn trước. Tốt nhất là ta nên nghĩ tới hậu quả dần đi“.

Ta không thể đoán trước tương lai. Nhưng mười năm qua, chứng kiến tốc độ phát triển của AI, ta cũng mường tượng ra phần nào thế giới tương lai rồi. Điều hợp lý nhất có thể làm là hãy chèo lái quả tên lửa siêu tốc mang tên AI đi đúng hướng, để nó tới được miền đất hứa mà ta vẫn mơ tới.