PGS.TS Lê Văn Quảng đưa ra khuyến cáo, ngoài 50 tuổi, cứ khoảng 6 tháng đến 1 năm, nam giới cần tầm soát ung thư phổi một lần. Đặc biệt với người hay hút thuốc lá, thuốc lào nhiều.
15 tuổi đã mắc ung thư phổi do thường xuyên phải tiếp xúc với khói thuốc lá
Bệnh nhi 15 tuổi (Hà Nội) cách đây 3 năm được chẩn đoán mắc ung thư phổi, sau 2 năm điều trị bệnh nhân đã tử vong. Nguyên nhân khiến thiếu niên mắc bệnh của những người ngoài 50 tuổi là do bệnh nhi thường xuyên phải tiếp xúc với khói thuốc thụ động. Trong gia đình bệnh nhân có người hút thuốc lá.
Từ nguyên nhân khiến con nhỏ mắc bệnh, gia đình chỉ biết ân hận vì chính sự chủ quan của người lớn đã làm con phải chết oan.
Khói thuốc lá chính là thủ phạm khiến nhiều cháu thiếu niên mắc căn bệnh người lớn
Phó giáo sư Quảng khẳng định, gần như tất cả trường hợp mắc ung thư phổi đều liên quan đến hút thuốc lá. Với trẻ em, phụ nữ không hút thuốc trực tiếp nhưng lại chịu tác động của khói thuốc thụ động.
Bác sĩ cũng cung cấp thêm thông tin, trong những năm gần đây, tỷ lệ mắc gia tăng ở bệnh nhân trẻ tuổi.
Trước kia, bệnh nhân ung thư phổi thường gặp ở người trên 50 tuổi, thì gần đây bệnh nhân ung thư phổi xuất hiện ở nhóm tuổi rất trẻ. Tại BV K (Tân Triều) đã ghi nhận nhiều ca bệnh có tuổi đời dưới 30 tuổi, trường hợp trên là một trong những ví dụ.
Hơn 20 nghìn ca tử vong do ung thư phổi mỗi năm
Số liệu mới nhất về căn bệnh ung thư nói chung cho thấy, năm 2018, cả nước ghi nhận 164.671 ca mắc mới ung thư, 114.871 trường hợp tử vong do ung thư. Hơn 300.000 người đang sống chung với bệnh ung thư.
Riêng bệnh ung thư phổi, PGS.TS Lê Văn Quảng cho biết, trung bình một năm tại Việt Nam ghi nhận khoảng 24 nghìn ca mắc mới và có đến hơn 20 nghìn ca tử vong. Số mắc mới – tử vong gần như tương đương bởi đây là căn bệnh phổ biến nhưng khó phát hiện sớm. Trong số đó 2/3 bệnh nhân ung thư phổi đến viện điều trị khi đã ở giai đoạn muộn.
Từ thực tế kể trên, các chuyên gia nhấn mạnh vào việc nâng cao kiến thức về dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị ung thư phổi hết sức quan trọng.
Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết, trước đây ung thư phổi đứng hàng đầu trong các bệnh ung thư nam giới. Năm 2018, ung thư phổi xếp thứ 2 sau ung thư gan do số ca ung thư gan gia tăng.
Ngày nay y học có rất nhiều tiến bộ trong điều trị ung thư phổi. Trong điều trị nội khoa, hóa chất có nhiều phác đồ mới, mang lại kết quả khả quan, đặc biệt là điều trị đích, điều trị miễn dịch. Có những bệnh nhân giai đoạn muộn, dùng phương pháp điều trị đích, đột biến gen kéo dài cuộc sống, có người sống 5-6 năm.
Tuy nhiên, theo các bác sĩ, để phát hiện sớm ung thư phổi vẫn còn nhiều khó khăn, bởi ung thư phổi tiến triển nhanh, giữa hai lần chụp X-quang cách nhau 6 tháng khối u đã tiến triển rất khác.
Phó giám đốc Lê Văn Quảng khuyến cáo, tuổi ngoài 50, cứ khoảng 6 tháng đến một năm, nam giới cần tầm soát ung thư phổi một lần.
Do vậy việc phát hiện sớm rất khó khăn. Ước tính 2/3 số bệnh nhân điều trị ung thư phổi tại Bệnh viên K đến viện khi đã ở giai đoạn muộn, với các triệu chứng rất rõ ràng như đau ngực, ho, khó thở…
Trường hợp này không thể can thiệp bằng phương pháp điều trị sớm là phẫu thuật mà chỉ có thể xạ trị, hóa chất, điều trị miễn dịch.
Phó giám đốc Lê Văn Quảng khuyến cáo, tuổi ngoài 50, cứ khoảng 6 tháng đến một năm, nam giới cần tầm soát ung thư phổi một lần. Đặc biệt với người hay hút thuốc lá, thuốc lào nhiều nên đi tầm soát sớm hơn.