2 triệu người Hong Kong đã thắng, nhưng “cơn ác mộng” sẽ thực sự bắt đầu khi Bắc Kinh “phật lòng”?

Trưởng Đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga. Ảnh: Reuters

Theo số liệu thống kê từ cảnh sát Hong Kong, có hàng trăm nghìn người đổ xuống đường vào ngày 16/6 trong khi con số mà các nhà tổ chức đưa ra là khoảng 2 triệu người biểu tình.

Yêu cầu từ chức

Đoàn biểu tình với số lượng người kỉ lục đã đổ xuống khu trung tâm Hong Kong vào ngày hôm qua (16/6), kêu gọi Trưởng Đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) phải từ chức. Đây dường như là đòi hỏi “hợp lí” trong bối cảnh dự luật dẫn độ do bà Lâm đề xuất đã gặp phải sự phản ứng gay gắt và dữ dội chưa từng thấy ở Hong Kong.

Tuy nhiên, có một vấn đề mà người dân Hong Kong chưa thể giải quyết trong trường hợp nhà lãnh đạo thực sự từ chức: cho tới nay không có nhân vật nào có thể thay thế bà Lâm để điều hành Hong Kong.

Theo số liệu thống kê từ cảnh sát Hong Kong, có hàng trăm nghìn người đổ xuống đường vào ngày 16/6 trong khi con số mà các nhà tổ chức đưa ra là khoảng 2 triệu người biểu tình. Khoảng 9 giờ tối cùng ngày (giờ địa phương), bà Lâm đã lên tiếng xin lỗi vì gây ra “quá nhiều mâu thuẫn và bất đồng trong xã hội”.

Cô Ada Ku, một giáo viên cấp 3, chia sẻ: “Tôi nghĩ lời xin lỗi của bà Lâm không chân thành”.

Với mục tiêu buộc bà Lâm phải từ chức, những người biểu tình đã tổ chức cuộc diễu hành “làm chấn động thế giới”. Sự kiện này cũng diễn ra giữa lúc Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình phải đối phó với cuộc chiến tranh thương mại với chính quyền của ông Trump.

Theo Bloomberg, nếu bà Lâm từ chức, khoảng cách ngày càng lớn giữa trung tâm tài chính và đại lục sẽ khiến người kế nhiệm của bà Lâm gặp phải không ít khó khăn trong tương lai.

2 triệu người Hong Kong đã thắng, nhưng cơn ác mộng sẽ thực sự bắt đầu khi Bắc Kinh phật lòng? - Ảnh 1.

Ảnh: SCMP

Sinh viên Casper Ng, 22 tuổi, khi được hỏi về người có khả năng đảm nhiệm chức vụ của bà Lâm, nói: “Tôi không thấy có ứng viên nào phù hợp cả. Quan trọng hơn thế, người kế nhiệm phải lắng nghe ý kiến của công chúng, chứ không phải từ Bắc Kinh”.

Mặc dù bà Lâm đã đánh giá thấp phản ứng của người dân đối với dự luật dẫn độ, nhưng phải thừa nhận rằng công việc của bà Lâm rất khó khăn khi phải làm hài lòng cả Hong Kong và Bắc Kinh.

Ông Jean-Pierre Cabestan, giảng viên tại Đại học Baptist Hong Kong, nói:“Đó là công việc bất khả thi. Một mặt, bà Lâm phải tuân thủ mệnh lệnh từ Trung Quốc và Bắc Kinh luôn mong muốn chính quyền Hong Kong chấp hành quy định từ đại lục. Và mặt khác, bà Lâm phải đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng từ xã hội Hong Kong”.

Cuộc biểu tình quy mô lớn đã đặt ra những trăn trở mới về việc liệu Hong Kong còn có thể vận hành theo mô hình “1 quốc gia, 2 chế độ” hay không. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng bị đặt trước áp lực tuân theo đòi hỏi của những người biểu tình Hong Kong hoặc đứng trước nguy cơ đánh mất một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới.

Khó khăn trong việc tìm người kế nhiệm

Trả lời Bloomberg, nhà hoạt động David Webb nói: “Sẽ có một số khoảng thời gian yên lặng trước khi bà Lâm đưa ra lí do để từ chức. Nhưng chắc chắn sẽ không có chuyện bà Lâm sẽ đảm nhận nhiệm kỳ thứ 2 vào năm 2022.”

Đối với bà Lâm, có thể coi đây là một thất bại lớn trong thời kì cầm quyền. Trước khi tham gia chính quyền Hong Kong, bà từng có bằng về xã hội học tại Đại học Hong Kong (HKU). Nhờ vào phong cách đàm phán cứng rắn của mình, bà từng bước đảm nhận những vị trí quan trọng tại Hong Kong.

Bà Yvonne Leung, người từng đàm phán với bà Lâm, cho biết trước đây bà Lâm thường đưa ra những nhượng bộ “lí trí” hơn so với bây giờ.

“5 năm trước, bà Lâm lí trí hơn thời điểm hiện tại. Khi đưa ra dự luật lần này, bà ấy đã chọn quan điểm quá cứng rắn,” bà Leung nói.

2 triệu người Hong Kong đã thắng, nhưng cơn ác mộng sẽ thực sự bắt đầu khi Bắc Kinh phật lòng? - Ảnh 2.

Ảnh: SCMP

Trước đó, vào ngày 15/6, bà Lâm đã khiến những người biểu tình tức giận khi gọi các cuộc biểu tình là “nổi loạn” và nói sẽ không hủy bỏ hoàn toàn dự luật dẫn độ. Vì vậy, ngày 16/6, đội ngũ biểu tình tiếp tục tổ chức đình công, phản đối cho tới khi bà Lâm đảo ngược các quyết định và từ chức.

Một đại diện của người biểu tình nói: “Tại sao có quá nhiều người đổ xuống đường như vậy? Bởi vì chẳng còn gì chúng tôi có thể làm được cả. Chúng tôi không có quyền bỏ phiếu để cách chức quan chức chính phủ hay ngăn những dự luật đó được thông qua.”

Ông Bernard Chan, một trong những cố vấn cấp cao của bà Lâm, trả lời khi được hỏi về việc ông có muốn là người kế nhiệm bà Lâm hay không: “Tôi không nghĩ sẽ có một người đủ can đảm để tiếp nhận chức vụ đó. Người phụ trách khu vực theo mô hình ‘1 quốc gia, 2 chế độ’ cần phải chăm lo cho lợi ích của Hong Kong cũng như lợi ích của Trung Quốc. Khó có thể chỉ đảm bảo cho 1 trong 2 bên được.”

Trong một cuộc phỏng vấn khác, ông Chan kêu gọi người dân Hong Kong cho bà Lâm “một cơ hội thứ hai” và nên tập trung vào “vô số thành tựu cũng như sự chăm chỉ” của bà Lâm trong hai năm qua thay vì chỉ trích.

Ông Chan khẳng định bà Lâm đã “hối hận sâu sắc” và sẽ tự rút ra kinh nghiệm trong sai sót lần này.

Tuy nhiên, dường như người dân Hong Kong vẫn khó có thể “tha thứ” cho nhà lãnh đạo. Alan Leong, một nhà lập pháp thuộc phe đối lập, phản ứng: “Kể cả khi bà ấy tiếp tục điều hành chính quyền, thì bà ấy cũng chẳng làm được gì nhiều cho Hong Kong”.