Điều trị ấu trùng sán nào cần phải kiên trì và tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ mới có cơ hội khỏi bệnh sớm.
Không biết mình mắc bệnh từ khi nào
Là một trong những bệnh nhân đang điều trị ấu trùng sán lợn hệ thần kinh trung ương anh L.V. C (39 tuổi, tại Ngọc Lặc – Thanh Hóa) mong từng ngày bệnh nhanh khỏi, để anh có thể quay trở lại cuộc sống bình thường như trước đây.
Anh C cho biết, anh không biết mình mắc sắn lợn do đâu và từ khi nào. Khi được bác sĩ giải thích căn bệnh mắc là do ăn phải ấu trùng sán từ thịt lợn nấu chưa chín, rau sống, nem chua… Anh mới nghĩ tới việc do thói quen ăn nem chua và tiết canh có thể là nguyên nhân khiến anh mắc bệnh.
Theo anh C, năm 2014 anh thường bị đau đầu đi khám phát hiện ra mắc sán ấu trùng lợn. Khoảng thời gian đó anh được bác sĩ kê thuốc về điều trị ngoại trú tại ngày trong một tháng.
Anh C đang điều trị sán ấu trùng não.
Bẵng đi một thời gian dài khoảng 4 năm sau lần điều trị đó, anh C bắt đầu bị mất ngủ, sau đó là bị co giật. Trước mỗi cơn co giật anh thường biết trước vì có cảm giác mỏi vai trái, co giật diễn ra trong khoảng 5-7 phút/lần.
“Thời gian đó, tôi ngủ được rất ít một đêm chỉ ngủ được 2 tiếng, nếu 23 giờ tôi đi ngủ thì 1 giờ sáng đã thức giấc cho tới sáng”, anh C nói.
Khi anh C bị co giật bất tỉnh 12-14 tiếng mới tỉnh gia đình đã đưa anh đi tới Bệnh viện tỉnh Thanh Hóa, ngay sau đó anh được chuyển tới Viện sốt rét ký sinh trùng để điều trị và được chẩn đoán nhiễm ấu trùng sán lợn hệ thần kinh trung ương.
“Tôi nghĩ lần điều trị năm 2014, đã khỏi nên cũng không đi khám lại. Tới khi bị co giật nhiều, ngất lịm tới nửa ngày, mất ý thức gia đình đưa đi bệnh viện mới phát hiện bệnh năm xưa chưa khỏi”, anh C nói.
Theo anh C, thời gian điều trị ấu trùng sán não thường phải kéo dài, mỗi đợt điều trị kéo dài 21 ngày, sau đó nghỉ một tháng. Bản thân anh C đã trải qua 7 lần điều trị qua hình ảnh phim chụp hiện vẫn còn 6 nang sán.
“Khi tôi uống thuốc điều trị sẽ hết các triệu chứng co giật và ngủ được. Nhưng nếu dừng dùng uống thuốc để đợi chụp lại CT lại xuất hiện mất ngủ và có cơn co giật”, anh C chia sẻ.
Với kinh nghiệm điều trị bệnh sán, anh C cũng lưu ý mọi người nên kiêng đồ sống, thức ăn chưa nấu chín kỹ. Trong trường hợp, có bệnh cần phải kiên trì điều trị để bệnh tránh nặng, thời gian điều trị phải kéo dài..
53 năm luôn mang thuốc đau đầu bên người
Còn trường hợp của ông B.V.M (64 tuổi, tại Mê Linh, Hà Nội) đã phát hiện ra mắc bệnh ấu trùng sán não vào năm 2016, nhưng bỏ điều trị khi bị đau đầu nhiều mới quay trở lại Viện Sốt rét ký sinh trùng điều trị.
Ông M tâm sự, năm ông 10 tuổi đã thường xuyên bị đau đầu, nhưng không đi khám chỉ uống thuốc giảm đau. Mỗi lần đau ông thường uống từ 2-3 viên, có ngày ông phải uống tới 10 viên thuốc.
Ông M chia sẻ điều trị sán não phải khiên trì.
“Lúc nào, tôi cũng phải mang thuốc đau đầu bên cạnh để uống. Vì nếu không uống kịp sẽ bị buồn nôn và phải nằm nửa ngày mới hết đau”, ông M nói.
Sau hơn 50 năm, sống chung với những con đau đầu, đến năm 2016 do quá đau không thể chịu được ông mới nhờ con đưa đi khám và phát hiện ra ấu trùng sán lợn ký sinh trên não.
Ông M tâm sự không ăn rau sống, đồ ăn tái… không hiểu tại sao lại bị nhiễm ấu trùng sán.
“Tôi cũng lưu ý mọi người khi có biểu hiện đau đầu thường xuyên đi khám không nên cố chịu. Bệnh ấu trùng sán điều trị rất lâu dài và tốn kém nhưng đã có bảo hiểm hỗ trợ”, ông M nói.
Theo bác sĩ BS Nguyễn Quang Thiều, Phó viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương nhiễm sán trưởng thành chỉ tẩy một lần là hết, nhưng nếu nhiễm ấu trùng não sẽ điều trị phức tạp hơn.
Thời gian điều trị nhanh hay không sẽ phụ thuộc và mức độ đáp ứng thuốc của mỗi bệnh nhân, trung bình từ 2-4 tháng điều trị sẽ hết ấu trùng sán.
Ấu trùng sán não tùy theo từng vị trí ký sinh mà có những biểu hiện khác nhau. Nếu ấu trùng sán ký sinh võ não sẽ có triệu chứng co giật. Nang sán ký sinh trong não sẽ làm đau đầu, phù não tăng áp lực sọ, buồn nôn hoặc nôn mửa. Nang sán ký sinh ở vùng thùy thái dương có thể gây thính lực, ù tai…