Chỉ tính trong năm 2018, tại Bệnh viện Đại học Y Dược, TP.HCM đã chẩn đoán 1.000 trường hợp u gan, trong đó 5-15% gặp ở người lớn tuổi.
“Huỷ diệt” khối u không cần mổ
Bệnh nhân Nguyễn Văn T (sinh năm 1919) tới Bệnh viện Đại học Y Dược, TP.HCM trong tình trạng đau bụng quanh rốn và hạ sườn phải cách đây hơn 1 tuần. Sau khi nhập viện tại khoa Cấp cứu và thực hiện các cận lâm sàng cần thiết, ông được chẩn đoán bị HCC đa ổ, xơ gan, viêm gan C.
Bệnh nhân T đã lớn tuổi, lão suy, khối u 7 cm khá to nên việc chẩn đoán, tư vấn trước thủ thuật được các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược, TP.HCM thực hiện một cách tỉ mỉ. Sau hội chẩn ê kíp đã chọn phương pháp hóa – tắc mạch khối u (TACE) cho người bệnh 100 tuổi.
Bệnh nhân 100 tuổi và 90 tuổi điều trị ung thư gan thành công.
Trong suốt 90 phút thực hiện thủ thuật, bệnh nhân T rất thoải mái, khả năng trao đổi với bác sĩ tốt và được xuất viện ngay ngày hôm sau.
Cụ T xúc động chia sẻ: “Cách đây 8 năm, con trai của tôi bị ung thư gan và đã điều trị thành công tại BV ĐHYD. Đến hôm nay, đứng trước sự sống còn cũng như tuổi tác của chính mình, tôi và gia đình rất bối rối trong việc quyết định có nên điều trị hay không.
Nhưng với lòng quyết tâm và sự tư vấn tận tình của các bác sĩ đã giúp tôi có được hiệu quả điều trị hơn cả mong đợi”.
Trường hợp bệnh nhân Mai Thị H (90 tuổi) nhập viện trong tình trạng HCC gan phải và thùy dưới BCLC B1, viêm gan C.
Sau khi làm các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ quyết định thực hiện phương pháp TACE cho Bà và ngay ngày hôm sau, với kết quả siêu âm bụng tốt, Bà được xuất viện về nhà trong niềm vui của con cháu.
Đây chỉ là hai trong rất nhiều ca bệnh lớn tuổi bị u gan được điều trị thành công tại BV ĐHYD.
Ung thư gan ngày càng tăng cao
Ung thư gan là một trong năm loại bệnh thường gặp và có tỉ lệ tử vong cao trên thế giới. Theo Globocan 2018, số ca ung thư gan được phát hiện mới là 841.080 ca, tại Đông Nam Á là 89.010 ca và riêng tại Việt Nam là 25.335 ca, trong đó, người bệnh nam mắc bệnh là 19.568 ca.
Tỷ lệ tử vong cao phụ thuộc vào nhiều yếu tố như phát hiện trong giai đoạn trễ, điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế khác nhau ở mỗi khu vực, tập trung ở lứa tuổi 50 – 60 tuổi với tỷ lệ nam / nữ là 3 – 4/1.
Bác sĩ Thái Quang đang điều trị cho bệnh nhân.
Theo thống kê, tần suất người bệnh trên 80 tuổi phát hiện ung thư gan khoảng 5 – 15% so với tổng số lượng người bệnh và nguyên nhân tử vong là do tuổi tác, thể trạng người bệnh, các bệnh lý khác đi kèm…
Tại BV ĐHYD trong năm 2018, đã chẩn đoán 1.000 trường hợp u gan. Hiện nay, phẫu thuật cắt u gan, ghép gan là phương pháp được lựa chọn trong điều trị ung thư gan, nhưng việc phẫu thuật cho nhóm người bệnh trên 80 tuổi thường ít được chỉ định do có nhiều yếu tố nguy cơ. Nên các bác sĩ đã chọn thực hiện phương pháp TACE cho nhóm bệnh nhân này.
BS. Nguyễn Quang Thái Dương – Phó trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh BV ĐHYD cho biết: “Có nhiều yếu tố góp phần vào sự thành công của phương pháp điều trị u gan cho người bệnh lớn tuổi mà không cần phẫu thuật.
Ví dụ như trang thiết bị hiện đại với các dụng cụ chuyên dụng; nắm vững và chuẩn bị đầy đủ hồ sơ người bệnh, tiền sử gia đình; sự hợp tác của người bệnh, người nhà người bệnh; và quan trọng nhất chính là kinh nghiệm của bác sĩ trong lĩnh vực can thiệp điều trị u gan”.
Hiện nay, việc điều trị ung thư gan cho người lớn tuổi cũng gặp nhiều khó khăn như thể trạng người bệnh kém, kèm theo các bệnh lý nền như: tim mạch, tiểu đường, cơ xương khớp, lão suy và đặc biệt là tâm lý “hài lòng về tuổi thọ, không chấp nhận rủi ro điều trị khi đã lớn tuổi” của người bệnh, người nhà người bệnh.
“Do vậy, đối với trường hợp người bệnh đã lớn tuổi, người nhà nên tìm hiểu kỹ, trao đổi với các chuyên gia tại các trung tâm y tế uy tín về điều trị ung thư gan để tránh đánh mất cơ hội sống của chính người thân của mình.
Sự đồng thuận về suy nghĩ, tâm lý của người bệnh, người nhà người bệnh sẽ là động lực to lớn giúp cho các bác sĩ, nhân viên y tế thực hiện thành công các phương pháp điều trị khối u gan”, bác sĩ Thái Dương nói.